Bộ Y tế đề xuất V2K (vắc xin – khẩu trang – khử khuẩn) thay 5K như trước đây khi tình hình dịch đã ổn định như hiện nay.
Thông điệp 5K gồm “khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế” là những khuyến cáo được Bộ Y tế đề ra trước đây. Tuy nhiên, đến giai đoạn khởi sắc từ năm 2022, COVID-19 dần “thoái trào” trả lại nét bình thường mới cho xã hội. Số ca nhiễm giảm sâu; số ca tử vong liên tục là 0; bệnh viện dã chiến, hồi sức tháo dỡ,… quy định 5K được cho là “lỗi thời” và gây nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế – xã hội, theo báo Tuổi Trẻ.
Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra chiều ngày 4/6. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: “Bộ Y tế đã tham mưu tạm dừng việc khai báo y tế, không bắt buộc hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách. Như vậy, thực chất chỉ còn thực hiện khẩu trang và khử khuẩn”.
Bộ Y tế đã đề xuất V2K (vắc xin – khẩu trang – khử khuẩn) và đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, trình Chính phủ.
Tuy nhiên trong dự thảo, Bộ Y tế cũng nêu rõ thông điệp 5K vẫn sẽ được sử dụng nếu xuất hiện biến chủng mới gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Theo báo Dân Trí, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết trước hết, cần phải hiểu bản chất của 5K là những biện pháp dự phòng không đặc hiệu phòng chống Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.
Trước khi Covid-19 xuất hiện, chúng ta vẫn thường xuyên áp dụng các biện pháp có trong quy định 5K để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa.
Ví dụ, chúng ta vẫn đeo khẩu trang để phòng chống các bệnh lây qua đường hô hấp. Rửa tay bằng xà phòng – chính là khử khuẩn, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giảm hơn 40% nguy cơ bệnh truyền nhiễm do hô hấp và tiêu hóa.
Trong thời gian áp dụng 5K dự phòng Covid-19, các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chân tay miệng, ngộ độc thức ăn… cũng đã giảm rõ rệt. Do đó, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, việc duy trì các biện pháp phòng bệnh trên, trừ việc bỏ khai báo y tế, là vẫn cần thiết và có giá trị.
Cụ thể như chúng ta vẫn nên chủ động giữ khoảng cách với những người có triệu chứng ho, sốt… Và ngược lại, nếu bản thân có các triệu chứng này thì phải chủ động để phòng bệnh cho người khác. Đây chính là vấn đề về khoảng cách.
Đối với các khu vực thông thoáng, người dân đi tập thể dục, chạy bộ,… việc đeo khẩu trang là không cần thiết. Tuy nhiên, ở nơi đông người, không gian kín như đi xe bus… thì vẫn nên áp dụng.
“Theo tôi cần áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh. Thay vì ép buộc, cần khuyến cáo người dân thực hiện, hình thành các thói quen tốt để không những phòng ngừa Covid-19 mà còn có rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành”, TS Phu nhấn mạnh.