Bức tượng nổi tiếng Manneken-Pis “cậu bé đi tiểu” ở thủ đô Brussels (Bỉ) sẽ mặc “trang phục” Hồng Kông vào ngày 1/7 sắp tới để kỷ niệm 25 năm Ngày bàn giao.

Ngày 1/7/1997, Vương quốc Anh đã bàn giao thành phố Hồng Kông cho Trung Quốc. Khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc hứa hẹn sẽ duy trì chính sách “một quốc gia, hai chế độ” đối với Hồng Kông ít nhất trong vòng 50 năm. Phương Tây hi vọng rằng, trong thời gian đó, Trung Quốc đại lục sẽ được khai sáng và dần dần mở rộng tự do dân chủ như Hồng Kông.

Hi vọng này đã chính thức tiêu tan vào nửa đêm 30/6/2020, chỉ vài giờ trước khi bước sang ngày kỉ niệm sự kiện bàn giao, ĐCSTQ đã ban hành Luật an ninh quốc gia Hồng Kông. Động thái này được coi là dấu chấm hết cho các quyền dân chủ còn sót lại ở thành phố một thời là thuộc địa Anh.

Theo Hongkongfp, Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông tại Brussels đã tặng thủ đô nước Bỉ một bộ quần áo cho Manneken-Pis vào năm 2012.

Manneken-Pis là bức tượng bằng đồng khắc họa hình ảnh một cậu bé trần truồng đi tiểu vào bồn nước tại góc phố Rue de l’Etuve Rue des Grands Carmes ở thủ đô Brussels.

Tượng “cậu bé đi tiểu” là một điểm du lịch hút khách của Brussels. Nhiều người thích chụp ảnh cùng bức tượng, thậm chí là dùng cốc hứng nước từ cậu bé. Đây thực chất là một đài phun nước được thiết kế với hình dáng của cậu bé chừng 2 tuổi, cao khoảng 61 cm.

Cách đây 5 năm, bức tượng Manneken-Pis cũng mặc trang phục Hồng Kông để kỷ niệm Ngày bàn giao. Năm nay, bức tượng sẽ mặc trang phục Hồng Kông từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều, theo trang web của thành phố Brussels.

Bức tượng Manneken Pis "cậu bé đi tiểu" tại Brussels, Bỉ (ảnh: Wikimedia Commons).
Bức tượng Manneken Pis “cậu bé đi tiểu” tại Brussels, Bỉ (ảnh: Wikimedia Commons).

Bộ trang phục Hồng Kông mà cậu bé sẽ mặc bao gồm áo khoác đen truyền thống của Trung Quốc mang biểu tượng rồng bay của đặc khu hành chính Hồng Kông và các dải ruy băng sắc màu. Cậu bé sẽ mặc một chiếc quần jean đen và giày đỏ có dây buộc màu trắng. Trên tay cậu bé là một chiếc máy tính bảng, biểu tượng cho cuộc sống của thành phố hiện đại.

Tượng "cậu bé đi tiểu" tại Brussels (Bỉ) năm 2017 (ảnh: Chính phủ Hồng Kông).
Tượng “cậu bé đi tiểu” tại Brussels (Bỉ) năm 2017 (ảnh: Chính phủ Hồng Kông).

Tới nay, bức tượng “cậu bé đi tiểu” thay 130 bộ trang phục khác nhau. Các nhà quản lý đã lên lịch để trưng bày 130 bộ trang phục này trong 1 năm. Cậu có một tủ quần áo gồm 900 bộ trang phục được lưu giữ tại một tòa nhà chuyên dụng trong Bảo tàng Thành phố Brussels.

Tại Brussels có một số truyền thuyết về “cậu bé đi tiểu”. Một trong số đó là truyền thuyết về công tước Godfrey III của Leuven. Quân đội của lãnh chúa 2 tuổi này chiến đấu với quân đội của lãnh chúa Grimbergen vào năm 1142. Binh lính đặt lãnh chúa 2 tuổi vào một cái giỏ và treo dưới một cái cây. Từ trên cây, lãnh chúa nhỏ đi tè vào binh lính của quân địch khi họ thua trận.

Từ Khóa: