Vào thứ Sáu vừa qua (ngày 4/9), cơ quan Động vật hoang dã và Công viên quốc gia New South Wales (NPWS) đã xác nhận việc nhìn thấy cá voi xanh “cực kỳ hiếm” hồi tháng 8. Tại sao nói cực kỳ hiếm? Bởi vì cá voi xanh – loài động vật lớn nhất trên Trái đất – hiếm khi được nhìn thấy gần bờ.

3152-bluewwhale
Cá voi xanh (ảnh: Mike Johnson/earthwindow.com).

Andrew Marshall, chuyên gia tại NPWS cho biết: “Cá voi xanh là loài động vật lớn nhất trên hành tinh, sinh vật biển này có thể dài hơn 25m (82ft) và nặng hơn 100 tấn (100.000kg). Mặc dù có kích thước khổng lồ như vậy, nó có thể dễ dàng trượt qua bờ biển của Sydney mà không bị chú ý”.

“Bất chấp kích thước của chúng, cá voi xanh hầu như vô hình ngay cả với những người đam mê quan sát cá voi nhất”, ông Marshall nói.

Ông giải thích rằng chúng không thường được nhìn thấy vì chúng có xu hướng sống rất xa biển, quần thể của chúng phân tán rộng rãi, có rất ít dữ liệu về sự di cư và môi trường sống quan trọng của chúng.

Nhiếp ảnh gia phát hiện cá voi xanh

Bất ngờ, vào tháng 8 vừa qua một nhiếp ảnh gia đã chụp ảnh một con cá voi xanh khi nó bơi dọc theo bờ biển gần Maroubra. Nhiếp ảnh gia nói về cảnh tượng này trong một bài đăng trên Instagram “Tôi không nói nên lời nhưng có thể thốt ra hàng triệu thứ cùng lúc”.

2549-ca-voi-xanh
Ảnh chụp màn hình Instagram/seansperception.

Ban đầu nhiếp ảnh gia chỉ đang đứng tại địa điểm quen thuộc ở Maroubra để quan sát cá voi lưng gù di chuyển về phía nam, nhưng sau đó cá voi xanh bỗng nhiên xuất hiện. Một trong những kỳ quan vĩ đại của đại dương hiện ra trước mắt đã khiến anh ấy hoàn toàn bị mê hoặc. Anh nói “Tôi cảm thấy như mình đã trúng số độc đắc”.

Không giống như loài cá voi lưng gù đang có dấu hiệu phục hồi khoảng 10-11% số lượng cá thể hàng năm, quần thể cá voi xanh ở vùng biển NSW vẫn còn khó nắm bắt. “Đó là lý do tại sao những cảnh tượng cơ hội như thế này lại vô cùng có giá trị. Điều này giúp chúng tôi hiểu thêm về nơi sinh sống của cá voi xanh, giúp chúng tôi cân nhắc những biện pháp bảo vệ chúng”, ông Marshall nói.