Sự ra đi đột ngột của ông Lý xảy ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối mặt với những thách thức về kinh tế và chính trị.

Các nhà nghiên cứu và phân tích cho biết sự ra đi đột ngột của cựu thủ tướng Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn tiềm tàng trong giới lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Theo một cáo phó do cơ quan thông tấn chính thức Tân Hoa Xã công bố, ông Lý Khắc Cường, nhân vật số hai một thời của Trung Quốc, đã lên “cơn đau tim đột ngột” vào ngày 26/10, khi ông đang có chuyến thăm tới Thượng Hải. Sau khi “tất cả các biện pháp cấp cứu đều thất bại,” ông Lý đã qua đời khi ngày 27/10 mới chỉ trôi qua được vài phút.

Theo các nhà phân tích, sự ra đi bất ngờ của ông Lý xảy ra sau một số vụ mất tích bí ẩn và sau khi một số quan chức cao cấp của chế độ bị thay thế, làm tăng những đồn đoán về cuộc tranh đấu chính trị nội bộ trong giới tinh hoa cầm quyền của Đảng.

Một thủ tướng bị ông Tập Cận Bình gạt ra ngoài lề

Ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai), một học giả về lịch sử Trung Quốc kiêm nhà bình luận chính trị đang sinh sống ở California, cho rằng thời điểm tử vong của cựu thủ tướng này là “bất thường,” lưu ý rằng nhiều người có thể liên kết ca tử vong của ông với cuộc tranh đấu chính trị trong giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ.

Ông Ngô nói với The Epoch Times rằng cựu thủ tướng Trung Quốc chỉ mới 68 tuổi, “tương đối trẻ” so với tuổi của những nhân vật có uy thế khác trong Đảng. Người tiền nhiệm của ông Lý, ông Ôn Gia Bảo, năm nay 81 tuổi, còn ông Chu Dung Cơ, một cựu thủ tướng khác, đã 95 tuổi.

Đó là lý do tại sao sự ra đi đột ngột của ông Lý lại để lại “rất nhiều khoảng không cho người ta suy đoán,” ông nói.

Ông Lý qua đời chỉ bảy tháng sau khi ông thôi giữ chức vụ mà ông đã nắm giữ suốt một thập niên.

Thủ tướng Trung Quốc thường phụ trách nền kinh tế của đất nước, nhưng với việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tăng cường sự kiểm soát của Đảng đối với đất nước, thì ảnh hưởng của vị thủ tướng này đối với chính sách kinh tế và tài chính lại yếu đi. Những năm gần đây, ông Lưu Hạc (Liu He), từng là cánh tay phải của ông Tập và hiện đang là giám đốc ủy ban hoạch định chính sách tài chính của Đảng, đã lấn át sức ảnh hưởng của ông Lý.

Theo các nhà phân tích, ông Lý không đồng tình với ý kiến của ông Tập, người đã tìm cách củng cố quyền kiểm soát của Đảng trong mọi giai tầng xã hội. Kể từ năm 2021, chế độ này đã tiến hành một loạt các cuộc trấn áp về mặt quy định đối với khu vực tư nhân, từ lĩnh vực gia sư đến công nghệ. Là thành viên chủ chốt của Đoàn Thanh niên Cộng sản, một tổ chức tư tưởng chính trị được biết đến là ủng hộ tự do hóa thị trường, ông Lý ủng hộ chính sách cải cách được ông Đặng Tiểu Bình đưa ra năm 1979.

Theo ông Tống Quốc Thành (Song Guo-cheng), một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Quốc lập Chính trị ở Đài Loan, sự khác biệt [về quan điểm] này có nghĩa là nếu ông Lý nổi lên thì chắc chắn sẽ bị xem là mối đe dọa đối với quyền lực của ông Tập.

Ông Tống nói với The Epoch Times, đề cập đến một ngạn ngữ của Trung Quốc: “Một núi không thể có hai hổ.”

Tại cuộc họp báo thường niên của ông Lý hồi năm 2020, ông nói với cả nước rằng khoảng 600 triệu người Trung Quốc kiếm được ít hơn 1,000 nhân dân tệ (140 USD) mỗi tháng, điều đó có nghĩa là có thể họ không thể trả đủ tiền thuê nhà nếu sống ở một thành phố quy mô trung bình. Theo ông Tống, tuyên bố này của ông Lý, vốn được đưa ra sau khi ông Tập cam kết sẽ xóa đói giảm nghèo vào cuối năm đó, là “một thách thức đối với quyền lực của ông Tập Cận Bình.”

Các nhà phân tích: Sự qua đời của cựu thủ tướng Trung Quốc làm tăng thêm sự hỗn loạn trong giới lãnh đạo
Cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (Giữa) chạm vào vai Thủ tướng Lý Khắc Cường (thứ 2 từ trái sang) khi ông rời lễ bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 tại Bắc Kinh, vào ngày 22/10/2022. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một giáo sư Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, nói với The Epoch Times, mặc dù ông Lý có thể không hài lòng về ông Tập hoặc đường lối của ông Tập, nhưng ông Lý không có bất kỳ “sự phản kháng hữu hiệu nào” đối với ông Tập.

Hầu như mọi ngôn từ lập luận của ông đều ủng hộ sự cai trị của ông Tập. Ông Phùng nói: “Ông ấy vẫn kêu gọi đoàn kết xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng do ông Tập Cận Bình đứng đầu.”

Thời điểm chính trị nhạy cảm

Sự qua đời của ông Lý làm người ta nhớ đến sự qua đời của ông Hồ Diệu Bang, một nhà cải cách tự do qua đời vì một cơn đau tim hồi năm 1989, hai năm sau khi bị buộc phải từ chức khỏi chức vụ cao nhất của ĐCSTQ. Sự qua đời của ông đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của công chúng và phát triển thành các cuộc biểu tình đòi dân chủ lớn nhất của sinh viên tại đất nước này.

Không giống như những năm 1980, ĐCSTQ đã xây dựng nên một nhà nước giám sát, trong đó người dân sống dưới sự giám sát liên tục của hàng triệu camera quan sát được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt theo thời gian thực. Vì vậy, theo ông Tống, việc tổ chức một cuộc tụ tập quy mô lớn như vậy để tưởng nhớ ông Lý là điều gần như không thể xảy ra.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng sự thương tiếc của công chúng có thể khiến họ ngày càng mất lòng tin vào ông Tập.

Các nhà phân tích: Sự qua đời của cựu thủ tướng Trung Quốc làm tăng thêm sự hỗn loạn trong giới lãnh đạo
Sinh viên giơ cao một biểu ngữ ghi một trong những khẩu hiệu mà đám đông khoảng 200,000 người tràn vào Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hô vang, vào ngày 22/04/1989, trong một sự kiện tham gia tang lễ của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm nhà cải cách tự do Hồ Diệu Bang trong một cuộc biểu tình trái phép để tưởng nhớ sự qua đời của ông. (Ảnh: Catherine Henriette/AFP qua Getty Images)

Ông Lý hiếm khi xuất hiện trên truyền thông nhà nước kể từ khi ông từ chức thủ tướng trong hội nghị chính trị thường niên hồi tháng Ba, khi ông Tập có được nhiệm kỳ thứ ba tại vị trí lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng của ông trước khi qua đời là vào ngày 30/08. Khi đó, người ta thấy ông đến thăm Hang Mạc Cao ở thành phố Đôn Hoàng phía tây bắc. Theo những bức ảnh và đoạn phim lan truyền trên mạng xã hội, tình trạng sức khỏe của ông Lý lúc đó vẫn tốt, còn tươi cười chào công chúng.

Có cùng quan điểm như ông Tống, ông Hồ Bình (Hu Ping), tổng biên tập của tạp chí ủng hộ dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), cho biết nguyên nhân dẫn đến cơn đau tim của ông Lý vẫn còn là một ẩn đố, điều đó rất có thể sẽ khơi dậy sự nghi ngờ của nhiều người.

Ông nói, trong bối cảnh sự ngờ vực ngày càng tích tụ, điều này có thể dẫn đến “các sự kiện lớn” vào một lúc nào đó trong tương lai.

Sự qua đời của ông Lý cũng xảy ra đúng vào lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang suy thoái. Lĩnh vực địa ốc từng chiếm gần ⅓ GDP của Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ, đe dọa đến khoản tiền tiết kiệm của hàng triệu gia đình trung lưu trong khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục.

Tình trạng rối loạn kinh tế xảy ra chưa đầy một năm sau khi ông Tập bước vào nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ này. Ông Tập đã trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất của chế độ chỉ sau ông Mao Trạch Đông sau khi ông sắp xếp lại cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng cùng với các đồng minh đáng tin cậy của ông hồi tháng Mười năm ngoái.

Nhưng trong những tháng gần đây, ông Tập đã sa thải một số quan chức cao cấp, từ các bộ trưởng do chính tay ông tuyển chọn cho đến các chỉ huy cao cấp giám sát kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Giữa những tin đồn xoay quanh việc làm rò rỉ các bí mật quân sự, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải cáo phó của cựu chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn, ông Ngô Quốc Hoa (Wu Guohua), người đã qua đời hồi tháng Bảy do “các vấn đề y tế.” Nhưng tuyên bố này đã bị gỡ xuống ngay sau khi được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.

Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), một nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (một tổ chức tư vấn do chính phủ Đài Loan tài trợ), cho biết kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, danh sách những đảng viên ưu tú qua đời một cách bí ẩn không ngừng gia tăng.

Ông Tô nói rằng các quan chức cao cấp của chế độ lần lượt qua đời cho thấy tình trạng bất ổn chính trị trong nội bộ ĐCSTQ vẫn tiếp diễn.

Những bó hoa được để lại trước ngôi nhà cũ của cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Chu Châu, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, hôm 27/10/2023. (Ảnh: Rebecca Bailey/AFP qua Getty Images)
Những bó hoa được để lại trước ngôi nhà cũ của cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Chu Châu, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, hôm 27/10/2023. (Ảnh: Rebecca Bailey/AFP qua Getty Images)

Đối với nhà bình luận Trung Quốc Vương Hách (Wang He), tình hình chính trị hiện nay “nhạy cảm hơn” so với năm 1989.

Ông Vương nói với The Epoch Times rằng ông Tập đang ở trong “mâu thuẫn nội bộ rất lớn” với những thành viên ở cấp cao hơn trong Đảng, cho thấy phe đối lập của ông có thể lợi dụng sự qua đời của ông Lý để chống lại sự lãnh đạo của ông.

Ông Vương nói, mặc dù hầu hết trong số họ là phe đối lập thầm lặng — chọn không công khai chống đối ông Tập — nhưng họ có thể không chấp nhận lời giải thích chính thức về nguyên nhân tử vong của cựu thủ tướng này. Một số người có thể kết luận rằng ông Lý qua đời do “bị ám sát,” trong khi những người khác có xu hướng cho rằng sự qua đời của ông có liên quan đến sự bất mãn dai dẳng với ông Tập.

“Đứng trên góc độ chính trị, ông Tập đang ở trong tình thế nguy hiểm cận kề.”

Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á và Dịch Như

Thanh Nhã biên dịch