Ngày 20/5, tại Hội nghị quốc tế trực tuyến về Tương lai châu Á , Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, Campuchia không biết dựa vào ai ngoài Trung Quốc. Ông cho rằng việc các quốc gia chỉ trích Phnom Penh quá phụ thuộc vào Bắc Kinh là “không công bằng”, theo Nikkei Asia.

Thủ tướng Hun Sen cho biết: “Nếu không dựa vào Trung Quốc thì dựa vào ai? Nếu không hỏi Trung Quốc thì tôi hỏi ai?”

Trung Quốc là quốc gia bảo trợ chính trị quan trọng, đồng thời là nước viện trợ lớn nhất cho Campuchia. Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Campuchia.

Ngoài ra, ông Hun Sen bác bỏ ý kiến cho rằng Campuchia cho phép tàu chiến của Trung Quốc tiếp cận các căn cứ hải quân của nước này. Thủ tướng Hun Sen nói rằng hiến pháp Campuchia cấm nước ngoài lập căn cứ quân sự lập trên lãnh thổ nước này. Hơn nữa, ông bày tỏ hoan nghênh mọi quốc gia điều tàu cập cảng Campuchia với mục đích viện trợ phát triển.

Bùng phát Covid-19, Campuchia gấp rút tiêm vắc xin Trung Quốc

“Chúng tôi không đóng cửa với bất kỳ ai muốn hỗ trợ Campuchia xây dựng đất nước”, ông Hun Sen nhấn mạnh.

Campuchia đang phải chống chọi với đợt bùng phát Covid-19 lớn. Ông Hun Sen cho rằng cần loại bỏ các hạn chế trong vận chuyển vật tư y tế qua biên giới để có thể tiếp cận vắc-xin dễ dàng hơn.

“Châu Á cần ưu tiên và đảm bảo vắc-xin Covid-19 trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu. Chúng sẽ được cung cấp và phân phối vì mục đích nhân đạo cho mọi quốc gia; đặc biệt là những nước dễ bị tổn thương”, Thủ tướng Campuchia nói.

Năm 2020, Campuchia ghi nhận chưa đầy 500 trường hợp và không có ca tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên, tháng 2/2021 Campuchia vật lộn với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất từ khi đại dịch bắt đầu; với hơn 20.000 trường hợp. Cơ quan y tế nước này đang gấp rút triển khai chiến dịch tiêm chủng. Đến nay Campuchia đã tiêm mũi đầu tiên cho hơn hai triệu người.

Ông Hun Sen nhấn mạnh, phần lớn vắc-xin nước này đến từ Trung Quốc; một phần còn lại nhận được từ chương trình Covax của Liên Hợp Quốc.

“Chúng tôi đã không thể có vắc-xin cho người dân nếu không có Trung Quốc giúp đỡ “, Thủ tướng Hun Sen nói.

Tuy nhiên, các nhà quan sát hoài nghi về chất lượng của vắc xin Covid-19 của Trung Quốc. Hồi tháng 4, Giám đốc Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc Cao Phúc thừa nhận rằng vắc xin ngừa nCoV của nước này không có hiệu quả cao.

Campuchia là “thuộc địa” của Trung Quốc?

Chính sách thân Trung Quốc của ông Hun Sen đang biến Campuchia trở thành “thuộc địa” của Trung Quốc, theo nhà nghiên cứu Rayan Bhagwagar của Trường Quan hệ Quốc tế Jindal.

Ông nói: “Thật công bằng khi nói rằng Campuchia là một quốc gia dễ bị tổn thương về mặt chính trị. Nhà lãnh đạo độc tài của họ – ông Hun Sen – đã cho Trung Quốc thuê một vùng đất rộng lớn của Campuchia, thực chất là bị Trung Quốc biến thành thuộc địa, thông qua việc thành lập một loạt các thực thể kinh doanh của Trung Quốc”.

Tháng 9 vừa qua, Campuchia đã phá hủy một tòa nhà quân sự của Mỹ ở căn cứ hải quân Ream ở Campuchia. Giới quan sát bình luận rằng động thái này là nhằm “dọn đường” cho quân đội Trung Quốc tiếp quản căn cứ ở cửa ngõ Biển Đông.

Áp lực từ Mỹ đối với Campuchia

Cũng vì các chính sách mở đường cho Trung Quốc, Campuchia đã phải chịu sự giám sát chặt chẽ từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo tờ SCMP, tháng 9/2020 chính quyền cựu Tổng thống Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty đầu tư Union Development Group (Trung Quốc). Doanh nghiệp này có hợp đồng thuê một vùng đất rộng lớn; chiếm khoảng 20% đường bờ biển của Campuchia với thời gian 99 năm.

Chính quyềnTrump cho rằng, Trung Quốc sẽ lợi dụng dự án thuê đất để cài cắm các thiết bị quân sự dễ dàng tiếp cận Biển Đông. Đồng thời dự án này gây tổn hại đến môi trường và sinh kế của người dân.

Áp lực từ EU đối với Phnom Penh

Tháng 8/2020, Liên minh châu Âu (EU) đình chỉ một phần quyền tiếp cận ưu đãi đối đối với 20% hàng hóa xuất khẩu của Campuchia. Nguyên nhân là nước này bị cáo buộc vi phạm nhân quyền có hệ thống. Động thái này là một đòn giáng mạnh vào lĩnh vực sản xuất hàng may mặc trị giá 10 tỷ USD của nước này; vốn phụ thuộc vào thị trường châu Âu.

Ông Hun Sen cho rằng đánh giá của EU “không phù hợp với thực tế”.

Ông nói: “Chúng tôi tiếp tục xuất khẩu 20% hàng hóa của mình sang EU bằng cách trả thuế cho họ. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận rằng đất nước của chúng tôi không thể thực hiện luật pháp của riêng mình. Một quốc gia độc lập có chủ quyền phải thực hiện luật pháp của mình”.