Bàn về trách nhiệm chăm con cháu

Trẻ nuôi con, già trông cháu

Một bộ phim tài liệu có tựa đề “Bà rất bận” đã phản ảnh chân thực thực trạng phổ biến của các gia đình châu Á hiện nay. Phim ghi lại hình ảnh một ngày bình thường của người phụ nữ tên Công Đạt khiến mọi người hình dung công việc chăm cháu của một người già điển hình.

Mỗi ngày, bà Đạt đều thức dậy từ 6h sáng đi chợ để chọn thực phẩm tươi ngon nhất cho gia đình, đặc biệt là cho đứa cháu trai mới 6 tháng của bà. Từ chợ về, bà tất bật chuẩn bị bữa sáng, xay sinh tố cho cháu. 10h sáng, cho cháu ăn và dỗ cháu ngủ. Sau đó, bà chuẩn bị bữa trưa và giục con dâu, con trai về ăn. Buổi chiều các con đi làm, bà tiếp tục dọn nhà cửa, cho cháu xuống sân chơi và chuẩn bị bữa tối. Khi cả nhà dùng xong bữa tối, bà Đạt cho cháu ăn và chơi với cháu để mẹ cháu nghỉ ngơi, đến khoảng 9h bà mới trả cháu lại cho mẹ. Lúc này, bà mới có khoảng thời gian dành cho mình, bà nghỉ trên chiếc sofa ngoài phòng khách để lấy sức chuẩn bị cho hành trình chăm con chăm cháu của mình vào ngày mới.

Bà Công Đạt là hình ảnh đại diện cho rất nhiều người già ở Châu Á với nền văn hóa nhiều thế hệ sống chung một nhà. Theo khảo sát của các chuyên gia y tế, các cuộc di cư của người cao tuổi từ nông thôn lên thành phố có tới một nửa chuyến đi là chăm sóc trẻ nhỏ – con của những đứa con của họ. Những bậc cha mẹ già vì thương con nên muốn đỡ đần con cái mình một khoản chi phí trông trẻ, mặc khác, họ cũng không yên tâm để người lạ chăm sóc cháu mình.

Tuy nhiên, với nhiều người cao tuổi, việc chăm sóc trẻ nhỏ không phải là vấn đề lớn. Điều khiến họ phiền não chính là thái độ dựa dẫm, ỷ lại, thậm chí là vô ơn của con cái. Nỗi cô đơn ở nơi xa lạ khi không có người thấu hiểu tạo thành gánh nặng tâm lý của nhiều người già.

Nhiều người bà sau thời gian dài lên phố chăm cháu không những suy kiệt về sức khỏe, tổn thương về tinh thần mà còn thường xuyên bị chồng ở xa trách móc, nhiều mâu thuẫn không hóa giải được đã ảnh hưởng lâu dài tới hạnh phúc gia đình.

Trước đó, câu chuyện một cô con dâu ở Giang Tô tát mẹ chồng bởi bà đón cháu muộn đã gây một làn sóng phẫn nỗ tại Trung Quốc. Một cô gái Việt lên mạng than phiền việc mẹ chồng từ chối chăm con vì bà phải dành thời gian tập thể dục cũng nhận nhiều chê trách từ phía dư luận. Vất vả và không được con cái thấu hiểu, có người già phải thốt lên: “Chúng tôi không những phải luôn gắng sức chăm cháu thật tốt mà còn phải chịu sự tra tấn về tinh thần”.

Chăm con là trách nhiệm của cha mẹ

Sinh con là quyết định cá nhân của mỗi cặp vợ chồng chứ không phải của cha mẹ họ. Cần phải ý thức rằng nuôi dưỡng và giáo dục con cái là trách nhiệm của bản thân. Vất vả một đời nuôi dưỡng con cái trưởng thành, lúc về già, cha mẹ cần được nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống. Một người con có hiếu sẽ biết trách nhiệm phụng dưỡng, quan tâm và sẻ chia với nỗi niềm cô quạnh khi cha mẹ về già.

0915-pexels-caleb-oquendo-3042504

Xuất phát từ tình thương với con cháu, nhiều ông bà tuổi đã cao bỗng trở thành”người trông trẻ”. Nhiều bà phải chạy ngược xuôi chăm hết cháu này đến cháu khác. Còn vất vả hơn cả nuôi con mọn trước kia. Tuy vậy, con cái họ nhiều người vẫn không hiểu điều này, không biết ơn trước sự giúp đỡ của cha mẹ, mà có suy nghĩ ích kỷ rằng, việc trông cháu là trách nhiệm và nghĩa vụ của ông bà.

Chuyện ông bà trông cháu không chỉ cho thấy việc con cái dựa dẫm vào bố mẹ mà còn thể hiện việc bố mẹ vẫn muốn được can thiệp, chi phối cuộc đời những đứa con đã lớn mà họ không chịu buông tay để chúng trưởng thành. Có ý kiến cho rằng, đó chính là ông bà tự làm khổ mình và đi trái quy luật tự nhiên. Những đứa trẻ thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ có nguy cơ phát triển lệch lạc, một số ông bà nuông chiều cháu còn dẫn đến hư hỏng.

Con cái nên hiểu rằng, trông cháu trên tinh thần giúp đỡ, là niềm vui, tình cảm của ông bà dành cho cháu chứ không phải là trách nhiệm. Bổn phận làm con cần phải tôn trọng quyết định và lựa chọn của bậc sinh thành. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần học cách buông tay để cho những đứa con của mình tự lớn, học cách gánh vác trách nhiệm đối với gia đình và xã hội.

Nguồn ảnh: pexels.com