Ông Phạm Văn Hòa – Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, xuất thân công an, nói trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy rất lớn, chứ không phải chỉ cơ sở kinh doanh có lỗi.

Sau vụ cháy quán Karaoke An Phú (Bình Dương) làm 32 người chết, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói với báo giới về trách nhiệm của cơ quan phòng cháy chữa cháy khi để xảy ra hỏa hoạn.

“Anh cấp phép cho người ta mà nói không có trách nhiệm là không đúng. Khi cháy, đến dập lửa là nhiệm vụ của anh nhưng trước đó có kiểm tra công tác phòng cháy thường xuyên hay không, phương tiện chữa cháy của cơ sở đó có đủ an toàn hay không”, VTC News dẫn phát biểu của ông Hòa.

Ông Hòa – vốn xuất thân từ công an, là phó Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp, nói thêm, karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện. Một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng để được cấp phép kinh doanh là có Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy do Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cấp. Vì thế, trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy rất lớn, chứ không phải chỉ cơ sở kinh doanh có lỗi.

Câu hỏi về việc ‘đổi lỗi trách nhiệm’

Trước đó, sáng 8/9, tại buổi họp báo của tỉnh Bình Dương công bố thông tin vụ cháy Karaoke An Phú làm 32 người chết, câu hỏi về việc đổ lỗi trách nhiệm được phóng viên đề cập.

Khi đó, Giám đốc Công an Bình Dương Trịnh Ngọc Quyên nói rằng “lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường sớm nhất có thể để cứu hộ”, nhưng khi đến thì hầu hết các phòng chốt cửa phía trong, không thể tiếp cận. Cho nên, dù cảnh sát cứu hỏa đã mặc bảo hộ hiện đại nhất để tiếp cận nhưng cháy quá nhanh, không thể cấp cứu.

Ông Quyên cho rằng, về chủ quan có một phần trách nhiệm những khách hàng: “Nếu có nhân viên báo cháy thì phải chạy ra lối thoát hiểm nhưng một số khách không tỉnh táo do uống rượu bia nên đã đóng cửa phòng tiếp tục hát”.

Đại tá công an Trịnh Ngọc Quyên tại buổi họp báo (ảnh chụp màn hình VnExpress).
Đại tá công an Trịnh Ngọc Quyên tại buổi họp báo (ảnh chụp màn hình VnExpress).

Phóng viên VnExpress tại họp báo đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong vụ cháy, bên cạnh nguyên nhân do sự chủ quan của nạn nhân. Có hay không việc đổ lỗi cho nạn nhân khi cơ quan chức năng nói nhiều về trách nhiệm chủ quan.

Ông Quyên khi đó trả lời, việc hướng dẫn thoát nạn khi xảy ra cháy đều đã được phổ biến cụ thể. Tuy nhiên, khi vụ cháy xảy ra, trong điều kiện hoảng loạn về tâm lý, tinh thần, nhiều người đã không thực hiện đúng quy định về PCCC.

Kiến nghị ‘tách đội cứu hộ cứu nạn khỏi phòng cháy chữa cháy’

Liên quan đến câu chuyện trên, Chủ tịch TP. HCM Phan Văn Mãi kiến nghị trong cuộc họp với Thủ tướng sáng 12/9 rằng ‘sắp tới TP. HCM sẽ tách đội cứu hộ cứu nạn khỏi phòng cháy chữa cháy, mong Bộ Công an sẽ hướng dẫn, hỗ trợ’.

Ông Mãi cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để tăng tính cơ động và hiệu quả phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, kể cả trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy, tăng cường thêm xe, thang và các phương tiện cứu hộ cứu nạn khác.

Một mẫu trực thăng chữa cháy ở nước ngoài (ảnh minh họa cho bài viết; nguồn Ndtcfiresecurity).
Một mẫu trực thăng chữa cháy ở nước ngoài (ảnh minh họa cho bài viết; nguồn Ndtcfiresecurity).

“Đề nghị xem xét, bổ sung công việc phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn vào danh mục nghề độc hại nguy hiểm để chúng ta có chính sách xứng đáng’, báo Chính phủ dẫn lời ông Mãi.