Một cuộc chiến tranh với Trung Quốc trên Biển Đông có thể sẽ xảy ra, vì điều kiện đã chín muồi, theo một học giả của Viện Doanh nghiệp Mỹ.

Trong bài bình luận trên The Atlantic ngày 1/11, nhà nghiên cứu Michael Beckley viết: “Câu hỏi đặt ra là liệu Washington có thể ngăn cản Bắc Kinh khơi mào một cuộc tấn công nóng bỏng hay không.”

Một cuộc chiến tranh lạnh đang diễn ra

Ông Beckley đã chỉ ra tâm thái sẵn sàng gây chiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ví dụ: Tập Cận Bình từng tuyên bố vào tháng 7 rằng những ai cản đường đi lên của Trung Quốc sẽ phải “đập đầu chảy máu vào Vạn Lý Trường Thành bằng thép”. Hải quân Trung Quốc đang điều động tàu hải quân với tốc độ chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai; Bắc Kinh đưa ra những lời đe dọa chống lại Đài Loan và các nước láng giềng khác.

Các quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu một cuộc xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan hoặc các điểm nóng địa chính trị khác trong thập niên này.

Các nhà phân tích và quan chức ở Washington đang lo lắng về căng thẳng ngày càng trầm trọng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc; cũng như tác động với thế giới khi hai nước đứng trước nguy cơ xung đột hơn là hợp tác.

Tổng thống Joe Biden nói rằng Mỹ “không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh mới”. Nhưng đó là cách nhìn sai lầm về quan hệ Mỹ – Trung, theo ông Beckley.

“Một cuộc chiến tranh lạnh với Bắc Kinh đang diễn ra. Thay vào đó, câu hỏi đặt ra là: Liệu Mỹ có thể ngăn cản Trung Quốc bắt đầu một cuộc tấn công nóng bỏng hay không?”

Trung Quốc thường gây chiến khi lo sợ

Theo học giả Beckley: “Bắc Kinh quyết tâm làm cho Trung Quốc trỗi dậy bằng cách thống nhất Đài Loan với đại lục, biến Biển Đông và Biển Hoa Đông thành ao nhà của Trung Quốc; và lấy vị trí ưu thế trong khu vực làm bàn đạp cho sức mạnh toàn cầu.”

Mặt khác: “Nó cũng ngày càng bị bao vây và đối mặt với sự kháng cự ngày càng tăng trên nhiều lĩnh vực”.

Trong tình huống áp lực căng thẳng, ông Beckley cho biết: “Trung Quốc thường coi việc sử dụng vũ lực như một bài giáo dục”.

Ông cho biết: “Trung Quốc sẵn sàng chọn cả một cuộc chiến rất tốn kém với một kẻ thù duy nhất để dạy một bài học cho những người quan sát đứng bên lề”.

Ví dụ về cuộc chiến biên giới Việt – Trung

Ông nêu ví dụ: Vào cuối những năm 70, Bắc Kinh đã gây chiến với Việt Nam. Đặng Tiểu Bình, khi đó là lãnh đạo của ĐCSTQ, tuyên bố rằng mục đích của cuộc chiến là để “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Khi đó, ĐCSTQ lo sợ khi Việt Nam bắt đầu tổ chức các hoạt động với lực lượng Liên Xô trên lãnh thổ của mình và tiến quân sang Campuchia để đánh bại chế độ Pôn Pốt, một trong những đồng minh duy nhất của Trung Quốc khi đó.

Theo ông Beckley: “Đặng Tiểu Bình lo sợ rằng Trung Quốc đang bị bao vây và vị thế của họ sẽ ngày càng xấu đi theo thời gian.” Vì vậy, Đặng đã ra lệnh xâm lược Việt Nam để dạy cho Việt Nam một bài học; đồng thời răn đe các nước khác.

Ông Beckley nói: “Ngày nay, Bắc Kinh có thể bị cám dỗ tham gia vào kiểu gây hấn này ở nhiều lĩnh vực.”

Khi nào Trung Quốc sẽ gây chiến?

Ông cho biết: “Nhiều học giả đã phân tích khi nào và tại sao Bắc Kinh sử dụng vũ lực. Hầu hết họ đều đi đến một kết luận tương tự nhau. Đó là: Trung Quốc tấn công không phải khi họ cảm thấy tự tin về tương lai; mà là khi họ lo lắng rằng kẻ thù của họ đang tiến gần.”

Ông Beckley lưu ý rằng các quyết định gây chiến đều phức tạp; trong đó còn có các yếu tố như tình hình chính trị trong nước và tính cách kỳ quặc của các nhà lãnh đạo đương thời.

“Tuy nhiên, mô hình hành vi tổng thể (của Trung Quốc) là nhất quán: Bắc Kinh trở nên bạo lực khi đối mặt với viễn cảnh mất quyền kiểm soát lãnh thổ vĩnh viễn. Nó có xu hướng tấn công một kẻ thù để xua đuổi những kẻ khác”.

Ông cũng cho biết Trung Quốc “hiếm khi đưa ra cảnh báo trước”.

“Khi đối mặt với mối đe dọa ra tăng tới lợi ích địa chính trị của nó, Bắc Kinh sẽ không đợi bị tấn công; nó sẽ tấn công trước để giành lợi thế bất ngờ”.

Các nước đang tìm cách chống lại Trung Quốc

Các quốc gia gần đây đã trở nên ít say mê thị trường Trung Quốc hơn; đồng thời lo lắng hơn về thái độ cưỡng chế và các hành động gây hấn của Bắc Kinh, theo ông Beckley.

Vì vậy, các nước đã có động thái chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc.

Ví dụ, Đài Loan đang thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ và cải tiến hệ thống phòng thủ của mình.

Nhật Bản đang gia tăng xây dựng lực lượng phòng vệ lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản đang có kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng.

Ấn Độ đang tập trung lực lượng gần biên giới và các tuyến đường biển quan trọng của Trung Quốc.

Việt Nam và Indonesia đang mở rộng các lực lượng không quân, hải quân và tuần duyên của mình.

Australia đang hợp tác với các lực lượng Hoa Kỳ để trang bị tên lửa tầm xa và tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Pháp, Đức và Anh đang cử tàu chiến vào khu vực Biển Đông, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Hàng chục quốc gia đang tìm cách loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng của họ. Thế giới đã thành lập một số liên minh chống Trung Quốc và đang phát triển mạnh mẽ; chẳng hạn như Quad (nhóm Tứ giác Kim Cương Mỹ – Nhật – Úc – Ấn), và AUKUS (Mỹ – Anh – Úc).

Áp lực tứ bề, Trung Quốc sẽ gây chiến?

Trên toàn cầu, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nỗi sợ hãi và không tin tưởng vào Trung Quốc đã đạt mức cao sau Chiến tranh Lạnh, theo nhà nghiên cứu Beckley.

Ông viết: “Tất cả những điều này đặt ra một câu hỏi đáng lo ngại: Nếu Bắc Kinh nhận thấy khả năng bành trướng dễ dàng của họ đang bị thu hẹp; thì họ có thể bắt đầu sử dụng các biện pháp bạo lực hơn không?”

“Trung Quốc đang đi theo hướng đó”, theo ông Beckley.

Nó đã và đang sử dụng lực lượng dân quân hàng hải của mình (về cơ bản là hải quân bí mật), lực lượng bảo vệ bờ biển và các tài sản “vùng xám” khác để ép buộc các đối thủ yếu hơn ở Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Chính phủ của ông Tập đã kích động một cuộc tranh chấp đẫm máu với Ấn Độ dọc biên giới Trung-Ấn vào năm 2020. Động thái này được cho là vì Bắc Kinh lo ngại rằng New Delhi đang liên kết chặt chẽ hơn với Washington.

Hoàn cảnh đã chín muồi

Theo học giả Mỹ Beckley: “Các mục tiêu địa chính trị của Trung Quốc không phải là một bí mật”.

Ông Tập, giống như những người tiền nhiệm của mình, mong muốn đưa Trung Quốc trở thành cường quốc vượt trội ở châu Á và cuối cùng là trên thế giới. Ông muốn củng cố quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với các vùng đất và đường thủy quan trọng mà Bắc Kinh cho rằng họ đã đánh mất trong “thế kỷ nhục nhã” (từ năm 1839 đến năm 1949), giai đoạn mà Trung Quốc bị các cường quốc đế quốc chiếm cứ.

Những khu vực này bao gồm Hồng Kông, Đài Loan, các phần lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, và khoảng 80% Biển Đông và Biển Hoa Đông.

“Từ quan điểm của Bắc Kinh, hoàn cảnh đang có vẻ chín muồi cho một thời điểm mà (Bắc Kinh) có thể ‘dạy một bài học’ cho các nước khác”, theo ông Beckley.

Trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, mục tiêu có thể bị Trung Quốc “dạy cho một bài học” có thể là Philippines.

Theo học giả Beckley: “Bắc Kinh có thể tận dụng cơ hội để khẳng định lại các tuyên bố của mình; và cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á khác về cái giá phải trả của việc chọc giận Trung Quốc”; thông qua việc loại bỏ quân đội Philippines ra khỏi các tiền đồn mà họ đang đóng quân ở Biển Đông.

Khi đó, một lần nữa: “Washington sẽ có rất ít lựa chọn tốt đẹp: Nó có thể lùi bước, cho phép Trung Quốc áp đặt ý chí của họ lên Biển Đông và các nước xung quanh một cách hiệu quả; hoặc có thể mạo hiểm tham gia một cuộc chiến lớn hơn nhiều nhằm bảo vệ các đồng minh của mình”.

Ông cảnh báo “hãy chuẩn bị sẵn sàng cho những năm 2020 khủng khiếp”. Đây là thời kỳ mà “Trung Quốc có những động lực mạnh mẽ để giành lấy các khu vực mà họ coi là ‘của Trung Quốc nhưng bị đánh mất'”.