Cuộc sống hối hả, vì tính chất công việc, lại không có có ông bà hoặc người giúp việc hỗ trợ, nên bố mẹ thường đón con muộn.

Giờ tan học của bậc mầm non và tiểu học nằm trong khoảng 4h-5h chiều, trong khi đó, giờ tan sở của các ông bố, bà mẹ là từ 5h-7h, thậm chí có thể muộn hơn. Vì vậy, việc đón con muộn đối với những gia đình này xảy ra “như cơm bữa”. Nhiều trường hợp, bố mẹ còn họp hành đột xuất nên càng trễ giờ đón con.

Tôi cũng là một trường hợp đón con muộn thường xuyên như vậy. Vì đặc thù công việc phải gặp khách hàng sau giờ hành chính, nên việc con trai mới vào lớp 1 của tôi phải đợi mẹ sau khi tan học là chuyện hàng ngày. Trường bé tan học lúc 4h30, trong khi công việc hoàn thành của tôi sớm nhất cũng phải 5h30. Ngay khi kết thúc công việc, tôi lao đến trường đón con, tuy nhiên, lúc này thường chỉ thấy một mình con.

Rất nhiều lần, nhìn con thơ thẩn chơi một mình vì các bạn đã về hết. Nghe mẹ gọi, lần nào con cũng mừng mừng tủi tủi và chạy thật nhanh ra ôm mẹ. Một hôm con thủ thỉ “Mẹ ơi, sao mẹ không thể đón con sớm như các bạn?” tôi ôm con trả lời vì mẹ bận công việc, nhà mình lại không có ông bà ở gần để giúp đỡ.

Nhiều lúc cô giáo của bé nhìn hai mẹ con tôi mà ái ngại, cô nhiều lần chia sẻ rằng tôi nên đến đón con đúng giờ để tránh cho bé có tâm lý lo lắng, bất an.

Việc đón muộn ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

Thực tế, nhiều bậc cha mẹ coi chuyện đến trường đón con trễ là hết sức bình thường, mọi việc đã có cô giáo lo. Nhưng họ không ngờ được, đây chính là hành động gieo vào lòng trẻ nỗi sợ hãi mơ hồ trong suốt những năm tháng ấu thơ. Thử nghĩ xem, người lớn chỉ cần đợi chờ từ 5 – 10 phút, đã bắt đầu nóng nảy, bất an, lo lắng. Huống hồ chỉ là những đứa bé, coi cha mẹ như cả thế giới của mình.

Theo tiến sĩ Lê Văn Hảo, Viện Tâm lý học Việt Nam, trẻ ở độ tuổi mầm non vô cùng nhạy cảm và cần sự gần gũi của cha mẹ. Nhất là khoảng thời gian đến trường, trẻ thường không hiểu sao mình phải đi học, phải rời nhà, xa những người thân thuộc. Dù học ở lớp vui đến thế nào, đến giờ về, trẻ vẫn rất mong mỏi được cha mẹ đến đón sớm, hoặc đúng giờ.

Khi nhìn bạn bè lần lượt được ba mẹ đón về, trẻ sẽ lâm vào trạng thái lo lắng, bất an, sợ bị bỏ rơi. Chưa hết, tâm lý trẻ thơ còn sợ rất nhiều điều tưởng chừng bình thường như gốc cây to trước sân trường, phòng học vắng người, sợ buổi chiều tà…

Sự sợ hãi đó lặp đi lặp lại qua từng ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành tính cách của trẻ.

Theo một khảo sát của nhà nghiên cứu người Anh, những đứa trẻ thường được đưa đón sớm khi lớn sẽ tự tin hơn, và những đứa trẻ bị đón muộn có xu hướng nhạy cảm hơn. Tính cách này không bộc lộ ngay, nhưng sau này nó thể hiện rõ ở trẻ.

Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy sự khác biệt giữa những đứa trẻ được đón sớm và bị đón muộn thể hiện rõ ràng sau 10 năm.

0938-don-con
Niềm vui của trẻ khi được mẹ đón (ảnh chụp màn hình báo Huế city).

Đón đúng giờ rất quan trọng với trẻ

Trẻ em càng nhỏ, càng bị phụ thuộc vào cha mẹ. Chúng chỉ xem cha mẹ là gương mặt thân quen nhất trong độ tuổi này. Vì vậy, điều đầu tiên khiến trẻ xem việc đón đúng giờ quan trọng là vì sau một ngày học, không được gặp gương mặt quen thuộc, các con đã bắt đầu nhớ cha mẹ.

Cha mẹ là người gần gũi nhất, mang lại cảm giác an toàn cho chúng. Suốt quá trình lớn lên, trẻ luôn nhận biết rằng cha mẹ là người sẵn sàng bảo vệ mình. Vì vậy, việc cha mẹ đến đón con muộn, trường học thưa dần, trẻ ở lại một mình sẽ có cảm giác không an toàn.

Trẻ nhỏ rất mẫn cảm. Thực tế, đến độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, nhiều bé vẫn không muốn đi học và ở nhà với ông bà, cha mẹ. Nhiều bậc phụ huynh sẽ an ủi con mình và nói với chúng rằng “Con đi học ngoan nhé, bố mẹ sẽ đến đón con sớm!” Từ đó, chúng luôn hi vọng bố mẹ sẽ giữ lời hứa với mình. Nếu cha mẹ liên tục thất hứa và không xem trọng lời hứa với trẻ, trong mắt con lúc này, lời hứa là cái không cần thiết phải làm và sẽ ảnh hưởng đến hành động sau này của con.

Khi thấy bạn bè được bố mẹ đón và ra về trước, trẻ sẽ so sánh vì sao các bạn được bố mẹ đón sớm, còn mình thì không. Lúc này sự nhạy cảm dễ hướng trẻ suy nghĩ bố mẹ không còn thương mình nữa.

Trẻ con sẽ luôn cảm thấy an toàn khi có cha mẹ bên cạnh. Việc thường xuyên để trẻ chờ đợi sau giờ tan trường sẽ làm cho trẻ có cảm giác bất an.

Nhiều trường mẫu giáo trên thế giới thậm chí còn phạt tiền phụ huynh vì đón con quá muộn.

Là cha mẹ, ai cũng mong con mình lớn lên tự tin và mạnh mẽ. Vì vậy, dù bận rộn, cha mẹ hãy cố gắng đón con đúng giờ mỗi khi có thể để trẻ luôn cảm thấy bình yên và hạnh phúc vì có cha mẹ ở bên.