Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy dự đoán bão tâm bão số 4 có thể đổ bộ vào khu vực Huế và Đà Nẵng và đi chếch một chút sang Quảng Trị. Ông cũng rất lo lắng về đợt mưa hoàn lưu bão.

Tính đến sáng nay 24/9, cơn bão Noru (bão số 4) đã chính thức hình thành ngoài khơi miền Trung của Philippines và sẽ đi qua khu vực phía Bắc của đảo Luzon. Bão đi qua khu vực có địa hình núi thấp phía Nam của Luzon nên sẽ chỉ bị giảm cấp ít nhiều.

TS Huy phân tích, vùng biển Đông của Việt Nam khu vực từ Vỹ tuyến 15 trở lên phía Bắc và kinh tuyến 120 trở vào bờ phía Tây đang có nền nhiệt trên biển cao hơn 31 độ C. Đây là yếu tố khiến bão tăng sức mạnh khi nó vào biển Đông.

Chiều mai 25/9, khi đi vào biển Đông của Việt Nam bão sẽ mạnh lên và đi thẳng hướng Tây.

Các diễn tiến của bão số 4

Khi vào Biển Đông, bão tiếp tục mạnh lên và đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đến 6 giờ chiều ngày 27/9, bão sẽ cách đất liền bờ biển Trung và Bắc Trung Bộ khoảng từ 200-250km về phía Đông

Khoảng 1 giờ sáng ngày 28/9, bão có khả năng đổ bộ đất liền; tâm bão có thể ở khu vực Huế và Đà Nẵng và đi chếch một chút sang Quảng Trị.

Vùng ảnh hưởng trực tiếp của gió mạnh là từ Quảng Nam tới Quảng Bình. Sức gió khi bão đổ bộ đạt 100-120km/h, tương đương bão mạnh cấp 11 – 12, giật trên cấp 13 (tương đương bão CAT2 thang đo quốc tế).

 Vùng mưa lớn khi bão đổ bộ trực tiếp là Quảng Ngãi tới Quảng Bình. Các khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ cũng bị ảnh hưởng của mưa lớn khi bão đổ bộ.

TS Huy nhấn mạnh đặc biệt đến nguy cơ từ mưa hoàn lưu bão.

“Vùng mưa hoàn lưu rất nguy hiểm là từ Huế tới Nghệ An. Trong đó mưa hoàn lưu tập trung từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Nguy cơ lũ lụt rất cao vì mưa hoàn lưu từ chiều 27 đến hết ngày 29/9. Tôi rất lo lắng về đợt mưa hoàn lưu này”, ông Huy viết trên trang FB cá nhân.

Người dân cần chuẩn bị đối phó bão lớn

Vị chuyên gia khuyến cáo: Tàu thuyền trên biển từ vĩ tuyến 15 lên phía Bắc nên di chuyển vào bờ và đi theo hướng Nam. Dự kiến bà con ngư dân phải nghỉ đi biển khá dài vì sau bão số 4 sẽ có bão số 5 hình thành luôn trong ngày 30/9 trên biển Đông.

Thu hoạch thuỷ hải sản đang được nuôi trồng ở ven biển, đầm phá; gia cố lồng bè và bờ bao các ao hồ dưới đầm phá và vùng ven biển.

Thu hoạch lúa và rau màu. Lưu ý sau bão rau xanh sẽ thiếu nên nếu bảo quản được rau xanh tốt sẽ có rau ăn sau bão.

 Khơi thông cống rãnh thoát nước, giảm bớt mực nước ở các hồ chứa để đón mưa hoàn lưu.

Tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống trong 4-5 ngày đề phòng có lụt ngay sau bão:

 Luôn sạc đầy các thiết bị thông tin liên lạc, đèn pin.

Người dân ở vùng ven biển, đầm phá nên sơ tán tạm thời đến các nhà cao tầng và kiên cố bằng bê tông trú tạm từ chiều ngày 27 đến hết ngày 28/9. Trước khi sơ tán cần kê cao đồ đạc trong nhà, có phương án bảo vệ gia súc, gia cầm, cất giữ các tài sản có giá trị trên cao.

 Người dân ở vùng núi từ Quảng Nam tới Nghệ An lưu ý khi mưa lớn xảy ra từ 3 ngày trở lên thì phải cảnh giác với sạt lở và lũ quét.

Chính quyền các địa phương nên cắt tỉa cây xanh công cộng, yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh hạ các biển quảng cáo lớn ngoài trời, hạ các cần trục ở các công trình xây dựng.

TS Nguyễn Ngọc Huy (ảnh chụp màn hình VTV).
TS Nguyễn Ngọc Huy (ảnh chụp màn hình VTV).

Về TS Nguyễn Ngọc Huy

Theo VnExpress, Tiến sĩ Huy có 15 năm kinh nghiệm nghiên cứu về hạn hán, lũ lụt, các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu và sinh kế. Ông từng làm việc với vai trò cố vấn cho các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế ở các quốc gia khác nhau về các vấn đề môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Hiện tiến sĩ Huy đang giảng dạy chương trình thạc sĩ Biến đổi khí hậu tại Đại học Việt-Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Có thể bạn quan tâm