Đứng trước những tình huống trẻ khóc quấy, ăn vạ, đòi hỏi thái quá… mỗi người lại có cách xử lý khác nhau: Quát mắng, dọa nạt, để mặc trẻ khóc… Nhưng sự nhẫn nại của người lớn mới là một phương pháp quan trọng giúp trẻ trở nên ngoan ngoãn, biết vâng lời.

0721-qq
Sự nhẫn nại của người lớn tạo nên những đứa trẻ hiểu chuyện (ảnh minh hoạ: Pixabay).

Nếu người lớn cáu giận, mắng trẻ là đồ ương bướng, khó bảo, rất có thể sẽ hình thành nên một đứa trẻ dễ kích động. Nếu chúng ta bình tĩnh, kiên nhẫn giáo dục, đứa trẻ đó sẽ trở nên hiểu chuyện, luôn giữ được cảm xúc ôn hoà. Các con sẽ sao chép hình mẫu của người lớn chúng ta, hành xử của con hôm nay chính là kết quả từ những hành động của chúng ta trước đó.

Tôi có cô cháu gái hơn một tuổi, bố mẹ cháu bận đi làm, vì thế thời gian chủ yếu cháu ở với tôi. Cũng giống như nhiều đứa trẻ khác, cháu rất nghịch ngợm, ương bướng và phá phách, nhất là sau sinh nhật một tuổi. Cháu bắt đầu biết ăn vạ, quăng đồ, đánh búp bê cùng những đòi hỏi vô lí… Tôi đã phải áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để khắc chế, nhưng sự kiên nhẫn mới là quan trọng nhất để từng bước giúp cháu thay đổi hành vi, trở nên hiểu chuyện và nghe lời.

Có một lần, cháu thức dậy sớm hơn thường lệ và bắt đầu mè nheo, ôm chân bà đòi bế, dứt khoát không cho bà làm gì. Dỗ dành mãi cháu mới chịu ngồi xuống chơi đồ chơi. Nhưng cũng chỉ được một lúc, đang ôm con gấu bông bỗng dưng cháu nổi giận ném nó xuống đất rồi đánh, tát. Thấy vậy chồng tôi cau mày định mắng nhưng tôi kịp thời ngăn lại. Tôi ngồi xuống bên cạnh cháu lấy tay vuốt ve con gấu bông, nói chuyện với gấu bông rằng bạn bị đánh có đau không, gấu bông muốn được chị bé xin lỗi này.

Cháu tò mò nhìn bà âu yếm trò chuyện với gấu bông một lúc thì cũng đưa tay bắt chước bà vuốt ve gấu bông, nói với gấu bông bằng thứ ngôn ngữ chẳng rõ lời, chắc là đang xin lỗi gấu bông giống bà vừa làm. Lúc này tôi mới gọi tên cháu, hướng sự chú ý của cháu vào mình: bà muốn nói chuyện với cháu, cháu có sẵn sàng nghe bà nói không? Cháu tôi mở to đôi mắt long lanh nhìn tôi chờ đợi.

Tôi khích lệ: Cháu là một đứa trẻ rất ngoan ngoãn, biết nghe lời. Cháu ngủ dậy vẫn chưa ăn gì cả, cháu có đói không? Bây giờ bà phải đi nấu cho cháu bữa sáng, cháu ăn xong bà còn phải soạn bài để dạy học sinh. Cháu giúp bà trông gấu bông và búp bê để hai em ấy không làm phiền bà nhé.

Tôi hỏi cháu sẽ làm gì để trông gấu bông và búp bê? Cháu tỏ vẻ ngẫm nghĩ: Cháu sẽ lấy đồ chơi cho em và đọc truyện cho em… Tôi lại động viên: Cháu giỏi lắm, thật xứng đáng là chị cả đấy. Cháu đừng quên an ủi gấu bông vì vừa rồi cháu lỡ tay đánh em nhé. Cháu vui vẻ nhận lời, quên luôn chuyện mè nheo lúc trước. Cháu quay sang thì thầm với gấu bông, an ủi gấu bông rồi chạy đi lấy đồ chơi bày ra và đọc truyện tranh cho các em nghe. Còn tôi đứng dậy đi làm công việc của mình.

0933-tuyyc-giayyn
Người lớn thường xuyên quát mắng, doạ nạt khiến trẻ ngày càng ương bướng, dễ kích động (ảnh minh hoạ: Pixabay).

Từ thực tế của bản thân, tôi thấy kiên nhẫn trước những trò phá quấy của con trẻ, chúng ta sẽ luôn nhận được kết quả tốt đẹp. Ngược lại, có lần chứng kiến mẹ của cháu lớn tiếng quát tháo: Con hư quá, con phải ngồi im cho mẹ nấu nướng chứ!, kết quả cháu nằm lăn ra đất khóc ầm lên ăn vạ còn mẹ của cháu thì hoàn tất công việc trong sự bực bội khó chịu. Những điều ấy đã dẫn tới bữa ăn của gia đình tôi ít nhiều cũng mất đi không khí đầm ấm như thường lệ.

Dĩ nhiên, kiên nhẫn khi giáo dục trẻ em là cả một quá trình, không phải chuyện một sớm một chiều. Chúng ta hãy cùng ghi nhớ và áp dụng một vài gợi ý sau đây để có thể mang lại cho chúng ta và cả con trẻ những điều tích cực mà chính chúng ta cũng không ngờ tới.

Bảy gợi ý giúp người lớn kiên nhẫn hơn khi giáo dục trẻ:

Chia sẻ: Hãy là một nhà giáo dục biết chia sẻ. Hãy nói cho trẻ biết bạn đang muốn gì và bạn mong chờ gì ở trẻ.

Lắng nghe: Hãy đặt câu hỏi và lắng nghe suy nghĩ của trẻ. Với những em bé ngoài 2 tuổi phần lớn đã có thể trả lời hoặc cố gắng nói lên suy nghĩ của mình. Bạn sẽ phát hiện được rằng hóa ra những hành động của trẻ không phải tự dưng mà có, chúng đều ẩn chứa một nguyên nhân sâu xa nào đó.

Chờ đợi: Hãy cho trẻ được quyền lựa chọn bộ đồ sẽ mặc, lựa chọn đồ chơi, đồ dùng, hoặc chờ thêm vài phút để trẻ thu dọn đống đồ chơi đồ dùng ngổn ngang, hay là để mặc trẻ lững thững đi bộ trong khuôn viên trường, đi bộ về nhà,…Những khoảnh khắc đó có thể chỉ tốn của bạn nhiều lắm nửa tiếng mỗi ngày nhưng biết đâu lại là những giây phút tuyệt vời với trẻ. Và chờ đợi luôn tốt hơn nhiều so với những cái trừng mắt khó chịu, những câu giục giã bực dọc kiểu như: Con có dọn ngay đồ chơi đi không! Con lề mề quá, muộn rồi đây này! Có nhanh lên không!…

Nói điều tích cực: Mỗi khi nói chuyện với trẻ, đừng quên bạn đang có mục đích. Mục đích của bạn là khiến chúng vâng lời một cách vui vẻ nhất và bạn chẳng cần dùng đến đòn roi hay hình phạt. Vậy thì bạn đừng quên khen ngợi chúng. Hãy tìm ra những điều tích cực, những việc tốt mà trẻ đã làm được khiến bố mẹ, cô giáo tự hào. Bắt đầu từ đó hãy dẫn lối cho trẻ những gì bạn muốn.

Giao nhiệm vụ: Bất cứ đứa trẻ nào cũng thích được giao nhiệm vụ. Dù đó là nhiệm vụ cao cả như lau nhà, dọn dẹp hay nhiệm vụ nhẹ nhàng như trông em gấu bông, trông em búp bê… Hãy giao cho bé một nhiệm vụ mà bạn đang cần bé thực hiện nhất, đừng quên nâng tầm trọng trách và bạn sẽ thấy bé hoàn thành xuất sắc như thế nào.

1239-nhayyn-nayi-voyyi-trey
Người lớn nhẫn nại giúp trẻ có cảm xúc ôn hoà (ảnh minh hoạ: Pixabay).

Chạm vào bé: Thay vì quát mắng, hãy ngồi xuống đối diện với bé. Thay vì đánh con hãy chạm nhẹ vào vai hoặc nắm bàn tay bé. Thay vì tức giận hãy nhìn thẳng vào đôi mắt long lanh ngời sáng, và nói những điều trong thẳm sâu lòng bạn, vì bạn thực sự không muốn trách phạt bé, bạn muốn bé làm đúng ý bạn theo một cách nhẹ nhàng nhất.

Hít thở thật sâu: Cuối cùng trước khi quyết định làm bất cứ động thái nào với bé, hãy dừng lại 5 giây để hít thật sâu và thở ra từ từ. Hãy tâm niệm rằng nếu bạn làm theo một cách khác, mọi chuyện có thể sẽ rất tệ.

Cũng cần hiểu rằng kiên nhẫn khác với nuông chiều. Kiên nhẫn giúp trẻ và bạn thêm hiểu nhau. Một khi học được kiên nhẫn, bạn sẽ thấy một ngày với bé, dù có cả năm lần bảy lượt những trận ăn vạ “trên trời rơi xuống” cũng đều trải qua thật nhẹ nhàng và không nước mắt. Đồng thời trẻ cũng học được từ người lớn cảm xúc ôn hoà và nhẫn nại, nhân cách quan trọng trên bước đường trưởng thành của trẻ.