“Được ở nhà” trong mùa dịch Covid-19, nhiều cặp vợ chồng sinh chuyện cãi nhau, thậm chí đến mức ly thân.
Dịch bệnh Covid-19 khiến cả thế giới lao đao. Người thì mất việc, kẻ mất người thân, gia đình cách ly tan tác…Trong bệnh viện, người bệnh giành giật sự sống với tử thần, những y bác sĩ làm việc trắng đêm. Ngoài đường, các mạnh thường quân, tình nguyện viên bất chấp nguy hiểm đôn đáo khắp nơi để cứu trợ. Vậy còn lại, những người đang yên ổn “được ở nhà”, vì sao lại cãi nhau?
Tóm tắt nội dung
Thực hư chuyện ‘được ở nhà’ lại cãi nhau
Trên Vnexpress đăng tải câu chuyện của vợ chồng anh Tuấn, chị Lương (quận Tây Hồ, Hà Nội). Kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, họ đã không ít lần cãi nhau vì những chuyện lặt vặt. Chẳng hạn như chuyện đi đổ rác, anh chồng “rác chưa đầy đã đổ” để tranh thủ nói chuyện với ông hàng xóm, còn chị vợ lo tiếp xúc sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh nên phản đối. Vậy là vợ chồng mặt nặng mày nhẹ với nhau.
Ở một bối cảnh khác, anh Việt Hoàng và chị Thu Mai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có thu nhập giảm mạnh do dịch bệnh. Trong một bữa cơm nọ, chị Mai phàn nàn về khó khăn kinh tế, nói chồng phải kiếm việc gì khác làm để vợ con không khổ. Lời qua tiếng lại hai bên. Đến mức đỉnh điểm của cuộc cãi vã là anh chồng tát vợ một cái. Sau đó, vợ chồng giận nhau không nói chuyện gì, cơm ai ăn người ấy nấu.
Lý do cãi nhau là gì?
Bát đũa còn có lúc xô nhau, huống hồ vợ chồng ở nhà cả ngày, rơi vào tình huống “rảnh rỗi sinh nông nổi”. Nhưng chủ yếu do công việc của vợ hoặc chồng bị đình trệ, thậm chí mấy tháng liền không lương, khiến kinh tế cả gia đình khó khăn. Từ đó, nhiều cặp vợ chồng giống như anh Tuấn chị Lương hay anh Hoàng chị Mai cảm thấy áp lực. Không chỉ nỗi lo về thu nhập, mà còn tâm lý sợ hãi dịch bệnh, lại đặt trong bối cảnh giãn cách xã hội có phần “bí bách”, khiến họ thật không biết làm sao để giải tỏa?
Một số độc giả chia sẻ về tình cảnh chung này:
“Vợ chồng mình cũng vậy, càng lúc càng xung khẩu, ở nhà quanh ra quanh vào động tí là cãi nhau, không một ngày nào yên. Muốn nhịn mà ông chồng thì hay ngứa mồm. Thật sự là quá mệt mỏi”.
“Đây cũng là mặt trái của việc nghĩ lấy tiền lương bù đắp trách nhiệm đối với gia đình nên khi khó khăn tài chính thì sẽ phát sinh xung đột, xung đột còn nặng hơn nếu không hiểu cả trách nhiệm đối với gia đình”.
“Đủ thứ áp lực đã khiên mọi người và chính bản thân 2 vợ chồng mình quên lời hứa đồng cam cộng khổ đã hứa hẹn trong ngày cưới. Cố vượt qua thôi các bạn.”
Làm thế nào để không còn cãi nhau?
Aristotle từng nói “Chính trong những khoảng khắc đen tối nhất, ta phải tập trung để thấy được ánh sáng”. Đúng vậy, chẳng ai muốn khó khăn, nhưng khó khăn lại là “lý do” để thương nhau. Hoàn cảnh đó giúp mỗi người nhẫn nại hơn, mở rộng tâm lượng của mình. Nhìn vào điểm tốt của nhau vẫn hơn là chỉ trích. Nương tựa vào nhau đi qua giai đoạn khó khăn này vẫn hơn đẩy nhau sang phía đối lập để rồi khó khăn chồng chất khó khăn.
Thay đổi bản thân
Nếu chúng ta nghĩ rằng nhờ đại dịch Covid-19 mà bản thân có cơ hội thay đổi, vãn hồi những lỗi lầm trong quá khứ, thì nghịch cảnh này sẽ trở thành thuận cảnh. Ví như, một anh chồng trước đây bận rộn đi kiếm tiền, chưa bao giờ động tay chân việc nhà, vậy giờ là lúc để vào bếp cùng vợ. Ví như, một người mẹ trước đây luôn đi làm về muộn, lúc nào cũng áy náy vì chẳng có thời gian gần gũi con cái, thì giờ là lúc mẹ có thể đọc sách cùng con, dạy con làm bài, chuyện trò vui vẻ.
Ví như, một người trẻ hướng ngoại, trước đây luôn thích du lịch tụ tập, vui chơi giao lưu, bây giờ mới có thể tĩnh tâm hướng nội, phát hiện ra bạn bè thật sự là ai, hạnh phúc thật sự là gì, sau tất cả những ồn ào náo nhiệt. Ví như, một người già trước đây có thói quen ra ngoài thể dục cho khỏe, thì giờ là lúc thử tìm đến một phương pháp rèn luyện sức khỏe khác mà không cần ra ngoài có lẽ sẽ hiệu quả hơn, như yoga, thiền định, Pháp Luân Công…
Lùi một bước…
Cốt yếu là bạn hiểu rằng mình phải tự thay đổi chính mình, mới có thể vui vẻ đón nhận những điều “bình thường mới”. Nếu trong lòng mỗi người đã “tự chấp nhận hoàn cảnh”, thì không còn gì để cãi nhau. Khi có mâu thuẫn phát sinh, bạn không đổ lỗi phàn nàn người khác, mà tự nhìn lại những thiếu sót của chính mình, bạn chỉ muốn thay đổi mình tốt hơn, thì mâu thuẫn đã tự tiêu tan rồi.
Người xưa nói “Lùi một bước, biển rộng trời cao”. Mong rằng đại dịch Covid-19 là một bước lùi đáng giá. Mỗi người lùi lại một chút, trở nên nhẫn nại, khiêm tốn, bao dung, cũng chính là “gia cố” cho hạnh phúc lâu bền.