Bộ Ngoại giao Nga đã ra một tuyên bố lặp lại lập trường của ĐCSTQ.
Hôm Chủ Nhật (14/01), Bộ Ngoại giao Đài Loan đã chỉ trích gay gắt Nga sau khi Moscow đứng về phía Bắc Kinh để chỉ trích cuộc bầu cử dân chủ của hòn đảo này, vốn diễn ra một ngày trước đó.
Hôm 13/01, khoảng 14 triệu cử tri Đài Loan đã đi bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp mới. Ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), đương kim phó chủ tịch của Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, đã được bầu làm tổng thống tiếp theo sau khi giành được 40% phiếu bầu. Chiến thắng của ông Lại đã mang lại cho DPP — đảng mà Trung Quốc xem là mối đe dọa đối với mục tiêu chiếm Đài Loan của họ — nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp kéo dài bốn năm.
Những lời chỉ trích của Nga đối với Đài Loan là ví dụ mới nhất về quan hệ đối tác mật thiết giữa Moscow và Bắc Kinh, kể từ khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin nâng mối bang giao song phương lên mức “không giới hạn” vào tháng 02/2021. Việc Nga hùa theo những lời chỉ trích của Trung Quốc đặt ra một câu hỏi lớn hơn về việc liệu quốc gia này có ủng hộ ĐCSTQ hay không nếu ông Tập quyết định xâm chiếm Đài Loan.
Sau cuộc bầu cử hôm thứ Bảy (13/01) ở Đài Loan, các nhà lãnh đạo hải ngoại từ nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, Vương quốc Anh, Lithuania, Nhật Bản, Liên minh Âu Châu (EU), Đức, Pháp, và Guatemala, đã đưa ra những tuyên bố tích cực về kết quả của cuộc bầu cử này, một số người chúc mừng ông Lại vì đã thắng cử.
Về cuộc bầu cử ở Đài Loan, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố lặp lại lập trường của Trung Quốc, nói rằng “Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc” và quan hệ giữa hai láng giềng này “là một vấn đề nội bộ của Trung Quốc.”
“Nga sẵn sàng trở thành tay sai của chế độ Cộng sản Trung Quốc, cố ý hùa theo ‘nguyên tắc một Trung Quốc’ sai lầm của Trung Quốc sau cuộc bầu cử của đất nước chúng tôi,” Bộ Ngoại giao Đài Loan lên án tuyên bố của Nga trong một tuyên bố hôm 14/01.
Bộ này nói thêm: “Việc làm này không những không giúp ổn định tình hình ở eo biển Đài Loan, mà lại một lần nữa chứng minh cho tác hại mà các nhà độc tài toàn trị của Trung Quốc và Nga gây ra đối với hòa bình, ổn định quốc tế, và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Bộ này nhắc lại rằng Đài Loan “sẽ không khuất phục trước áp lực và đàn áp ngoại giao” từ chính quyền Trung Quốc. Bộ kết luận rằng Đài Loan sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh để bảo vệ hòa bình và ổn định toàn cầu và khu vực.
Hoa Kỳ từ lâu đã áp dụng “chính sách một Trung Quốc” để khẳng định chỉ có một quốc gia có chủ quyền mang tên “Trung Quốc”, nhưng điều này khác với “nguyên tắc một Trung Quốc” mà chính quyền Trung Quốc dùng để khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan.
Đài Loan
Chiến thắng của ông Lại là một bước thụt lùi đối với chính quyền Trung Quốc, vốn có truyền thống ưu ái các ứng cử viên chính trị thuộc Quốc Dân Đảng (KMT) thân Bắc Kinh của Đài Loan. Hôm thứ Bảy (13/01), ứng cử viên tổng thống của Quốc Dân Đảng, ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih), đương kim Thị trưởng thành phố Tân Đài Bắc, đã về nhì với 33% số phiếu bầu.
Chính quyền Trung Quốc đã tỏ ra không hài lòng khi nhiều quốc gia chúc mừng Đài Loan về cuộc bầu cử này. Họ đã gửi những lời khiển trách “nghiêm túc” tới Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về những tuyên bố của hai quốc gia này và lên tiếng phản đối những tuyên bố do Vương Quốc Anh và EU đưa ra.
“Hoa Kỳ chúc mừng Bác sĩ Lại Thanh Đức về chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan. Chúng tôi cũng chúc mừng người dân Đài Loan đã một lần nữa thể hiện sức mạnh vững chãi của hệ thống dân chủ và quy trình bầu cử của họ,” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
“Chúng tôi mong muốn được làm việc với Bác sĩ Lại và các nhà lãnh đạo của tất cả các đảng phái của Đài Loan để thúc đẩy những lợi ích và giá trị chung của chúng ta, đồng thời phát triển hơn nữa mối quan hệ không chính thức lâu năm của chúng ta, nhất quán với chính sách một Trung Quốc của Hoa Kỳ.”
Vào tối Chủ Nhật (14/01), bà Laura Rosenberger, chủ tịch Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT), một cơ quan được xem như đại sứ quán trên thực tế của Hoa Kỳ tại Đài Loan, đã thông báo rằng bà sẽ đến Đài Loan cùng với một phái đoàn Hoa Kỳ trong một bài đăng của bà trên X, trước đây gọi là Twitter.
“Thật vinh dự khi được trở lại Đài Loan cùng 2 cựu quan chức cao cấp nổi tiếng của Hoa Kỳ để chuyển lời chúc mừng từ người dân Mỹ tới Đài Loan về cuộc bầu cử thành công của họ, trợ giúp cho sự thịnh vượng và tăng trưởng liên tục của Đài Loan, cũng như mối quan tâm lâu dài của chúng tôi đối với hòa bình và sự ổn định xuyên eo biển,” bà Rosenberger viết.
Theo thông cáo báo chí của AIT, phái đoàn này sẽ có sự tham gia của cựu cố vấn An ninh Quốc gia Stephen J. Hadley và cựu Thứ trưởng Ngoại giao James B. Steinberg, và họ dự kiến sẽ gặp “một loạt nhân vật chính trị hàng đầu” tại Đài Loan vào ngày 15/01.
Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần điều chiến đấu cơ và chiến hạm đến các khu vực gần Đài Loan, như một phần trong chiến thuật ép buộc chính phủ Đài Loan. Kể từ tháng 12/2023, họ đã tăng cường áp lực lên hòn đảo này, gửi khí cầu bay qua đường ranh giới nhạy cảm của eo biển Đài Loan, với một số khí cầu thậm chí còn bay thẳng qua không phận của hòn đảo này.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, một khinh khí cầu được phát hiện trên vùng biển phía đông bắc Đài Loan vào khoảng 23 giờ địa phương hôm thứ Bảy (13/01), vài giờ sau khi ông Lại tuyên bố chiến thắng.
Bộ này cũng báo cáo đã phát hiện 4 tàu quân sự Trung Quốc quanh Đài Loan từ 6 giờ sáng thứ Bảy (13/01) đến 6 giờ sáng Chủ Nhật 14/01).