Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 21/12 công bố danh sách các công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc và Nga. Những công ty trong danh sách sẽ bị hạn chế mua sắm các loại hàng hóa và công nghệ của Mỹ.

Theo Reuters, danh sách bao gồm 103 công ty, trong đó có 58 công ty Trung Quốc và 45 công ty Nga. Danh sách chính thức này ít hơn 14 thực thể so với danh sách dự thảo mà Reuters được biết vào tháng 11.

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết rằng danh sách này nhằm “hỗ trợ các nhà xuất khẩu Mỹ trong việc sàng lọc khách hàng”, nhằm tránh các khách hàng có người dùng cuối cùng thực chất là quân đội Trung Quốc hoặc Nga.

Động thái mới của chính quyền Trump được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng. Vài ngày trước đó, chính quyền Trump đã công bố “các biện pháp trừng phạt mới” nhắm vào các hoạt động nham hiểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Biển Đông và nhiều lĩnh vực khác.

Chính phủ Hoa Kỳ ngày càng nhìn rõ mối nguy hại về “sự kết hợp giữa quân sự – dân sự” của Trung Quốc, một chính sách nhằm xây dựng song song sức mạnh quân sự và phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Mùa xuân năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đã mở rộng định nghĩa về “người dùng cuối trong quân đội”; khi đề cập đến các thực thể có quan hệ đến quân đội.

Danh sách này không chỉ bao gồm các lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia, mà còn bao gồm bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào hỗ trợ hay đóng góp vào việc bảo trì hoặc sản xuất các mặt hàng quân sự – mặc dù hoạt động kinh doanh của họ chủ yếu là phi quân sự.

Việc chỉ định “người dùng cuối trong quân đội” yêu cầu các công ty Hoa Kỳ phải có giấy phép mới có thể bán sản phẩm cho các công ty này. Điều này gần như là lệnh cấm vì chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ từ chối cấp giấy phép như vậy.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết đây chưa phải là danh sách cuối cùng. Các công ty Hoa Kỳ phải tiếp tục tự thẩm định để xem liệu người mua của họ có phải là “người dùng cuối trong quân đội” hay không.

Theo Reuters, động thái công bố danh sách của chính quyền Trump có thể sẽ khiến Bắc Kinh khó chịu. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vào tháng 11 vừa rồi đã gọi danh sách dự thảo là “sự đàn áp vô cớ của Hoa Kỳ đối với các công ty Trung Quốc”.