Hiện tượng sụt đất và hàng loạt giếng đào bị cạn kiệt nước bất thường tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, khiến người dân nơi đây sống trong cảnh bất an mấy tháng qua.

Ruộng sụt lún, khô cạn bất thường

Tại cánh đồng Na Pải, nhiều người dân đang sợ hãi và lo lắng. Một hố đất trên ruộng vừa sụp xuống, có chiều rộng khoảng 5m, sâu khoảng 2m, kéo tuột đoạn bờ ruộng và vạt lúa lớn. Kế đó là một hố sụp xảy ra trước đó.

Bà Sầm Thị Bình (ngụ bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) một người có ruộng bị sụp cho Sài Gòn Giải Phóng biết: “Cánh đồng Na Pải đã xuất hiện 5 hố, 2 vị trí đang có hiện tượng nứt, có thể sụp bất cứ lúc nào. Suốt mấy tháng nay, chúng tôi thấp thỏm lo sợ. Đi làm đồng, đi chăn trâu nếu không may bị sụp hố thì không biết làm sao”.

Đứng nhìn hố sâu trên ruộng lúa vừa sụp xuống ngay trước mặt, bà Bình sợ hãi nói với phóng viên báo Thanh Niên: “Nó vừa mới sụp xong, ngay trước mắt tôi!”.

Đứng bần thần bên ruộng lúa cạn khô nước ở đồng Tồng Thăm (xã Châu Hồng), bà Lô Thị Quê (ngụ bản Công) cho hay, nhà bà làm 6 sào ruộng. Lúa đang thời kỳ làm đòng nhưng ruộng đã cạn khô do nước bị trôi tuột xuống các hố đất bị sụt, cách đó một quãng là cánh đồng bỏ hoang.

Ảnh chụp màn hình trên trang Thanh Niên.

Ông Nguyễn Văn Liên (ngụ bản Công), đang chăn trâu gần đó cho biết, đây vốn là đồng lúa nhưng vì thiếu nước nên phải bỏ hoang.

“Hiện tượng sụt đất và đồng ruộng bị khô cạn ở đây rất hiếm thấy. Nguyên nhân có thể do khai thác mỏ thiếc. Khi khai thác sâu xuống lòng đất, người ta phải hút hết nước mới khai thác được, hoặc hút nước lên để đãi, rửa quặng. Khi đó sẽ dẫn đến tình trạng kết cấu trong lòng đất bị thay đổi nên những nơi bề mặt mỏng sẽ bị sụp xuống, các mạch nước ngầm cũng bị rút hết, dẫn đến giếng cạn nước”, ông Liên nói.

Giếng khơi sâu khoảng 10m cũng cạn kiệt nước

Cùng với hiện tượng trên, bên trong các bản, hàng loạt giếng của người dân tự đào cũng cạn kiệt nước, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Gia đình bà Sầm Thị Hoa (ngụ bản Na Hiêng) có giếng đào sâu khoảng 10m nhưng không có nước. Ban đầu, bà Hoa tưởng giếng bị tắc mạch nước nên thuê người đào giếng mới ở vị trí khác, nhưng được mấy ngày giếng này cũng cạn kiệt nước.

Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân phải mua nước hoặc dùng tạm nước nước suối Nậm Tạt, mặc dù suối này bị ô nhiễm. 

“Mấy tháng nay, nhà tôi phải bỏ ra mỗi tháng 300.000 đồng để mua nước về ăn uống, sinh hoạt”, bà Hoa nói.

Theo ông Lương Văn Long – Chủ tịch xã Châu Hồng, hiện tượng sụt đất bắt đầu xảy ra từ giữa tháng 1. Tính đến nay có 6 hố sụt lún tại các cánh đồng. Các hố sụt lún có đường kính từ 2,5 – 7m, sâu 1,5 – 2,5m. Bên cạnh đó, có 156 giếng bị cạn kiệt nước, chủ yếu ở các bản Na Hiêng, Ná Noong, Công.

Trước hiện tượng sụt đất và giếng nước cạn bất thường, huyện Quỳ Hợp đã báo cáo tỉnh Nghệ An đề nghị hỗ trợ kiểm tra, tìm nguyên nhân.

Ảnh chụp màn hình trên trang Sài gòn Giải Phóng.

Đầu tháng 4, huyện Quỳ Hợp đã phải phản hồi người dân như sau: Theo dõi tình hình các hố sụp, làm rào chắn… thì huyện đủ sức, còn các nội dung như xây dựng phương án cấp nước tạm thời cho dân, nghiên cứu và đánh giá cụ thể… thì huyện không đủ năng lực chuyên môn và kinh phí. Đồng thời, huyện Quỳ Hợp đã kiến nghị tỉnh Nghệ An xem xét.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳ Hợp, cho biết: “Chúng tôi rất mong tỉnh mời các chuyên gia xác định nguyên nhân sụt lún đất và giếng cạn nước càng sớm càng tốt. Có như vậy người dân mới hết hoang mang và sớm ổn định cuộc sống”.

Từ Khóa: