Có câu nói “Cha mẹ tốt là do học mà ra”. Có lẽ dạy con như thế nào là bài học lớn mà cha mẹ học cả đời cũng “chưa thể tốt nghiệp khóa học“.
- Dạy con ‘trên đầu ba thước có Thần linh’, người mẹ hạnh phúc khi chứng kiến con thay đổi
- 5 thông điệp cha mẹ hay quên nói dù con thích được nghe
- Yêu thương con cái là bản năng, đặt ra quy tắc là trách nhiệm
Sự giáo dục của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt đời sống cũng như tương lai của mỗi đứa trẻ. Dưới đây là những điều cha mẹ không nên làm khi dạy con:
Tóm tắt nội dung
Cha mẹ không nên làm mọi việc thay con
Cha mẹ nào cũng đều luôn yêu thương và dành những điều tốt nhất con các con của mình. Tuy nhiên, vì quá yêu thương con nên cha mẹ có tâm lí muốn làm thay con. Điều này thể hiện rõ nhất ở những hành động cha mẹ luôn muốn con làm theo ý mình. Nếu như đứa trẻ làm trái ý người lớn thì bị coi là một đứa trẻ hư.
Có những ông bố bà mẹ sau một ngày đi làm vất vả, mỗi tối đều dành 2 đến 3 giờ đồng hồ ngồi kèm con học bài. Nếu không kèm được con học thì không yên tâm. Cứ như vậy lâu dần đứa trẻ thụ động đợi chờ có cha mẹ kèm thì học, không có ai kèm thì không học.
Thậm chí, có nhiều cha mẹ không đồng ý với cách làm của con nên ép con làm theo cách của mình vì cho rằng đó mới là cách làm thông minh nhất; đem lại kết quả cao nhất cho con. Họ không biết rằng điều đó chỉ là tốt ở cách nhìn của cha mẹ; còn với những đứa trẻ thì lại có hại vì chúng bị triệt tiêu sự sáng tạo và tính tự lập một cách nhanh nhất.
Cha mẹ không nên đòi hỏi sự hoàn hảo ở con
Trẻ con là những tâm hồn non nớt đang lớn lên cả về thể chất và tinh thần. Các con giống như tờ giấy trắng mà cha mẹ sẽ là người đặt nét bút đầu tiên lên đó. Trẻ em được phép sai, vì nếu không sai các em chỉ là một cỗ máy cứng nhắc không phải con người.
Cha mẹ có quyền mong con trở nên hoàn hảo nhưng đừng ép con hoàn hảo theo cách của cha mẹ. Mỗi đứa trẻ là một sinh mệnh tồn tại độc lập, có những ưu điểm và nhược điểm riêng; nên cha mẹ cần để con phát triển những điểm mạnh của con sẽ tốt hơn thay vì điều khiển con phát triển theo ý của cha mẹ.
Không so sánh con với những đứa trẻ khác
Hầu hết cha mẹ thường có thói quen so sánh con mình với những đứa trẻ khác mà không biết rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt; chúng cần có những phương pháp giáo dục riêng. Khi cha mẹ so sánh như vậy sẽ khiến trẻ tự ti, luôn nghĩ mình kém cỏi không bằng các bạn khác. Vì thế, bản thân chúng cũng không muốn cố gắng nữa.
Hơn nữa, khi cha mẹ so sánh con như vậy đồng nghĩa với việc cha mẹ không thừa nhận những điểm mạnh của con. Dường như cha mẹ mong muốn con phát triển thành hình mẫu những đứa trẻ mà cha mẹ ao ước. Nhưng hậu quả là làm tổn thương lòng tự trọng của con và cũng không suy nghĩ tới cảm xúc tổn thương của con.
Luôn coi con là đứa trẻ: hư, xấu, tồi, khó dạy bảo
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có những những ưu điểm và nhược điểm riêng. Vì thế, không có đứa trẻ nào là hoàn toàn xấu cả. Khi con mắc lỗi, cha mẹ nên bình tĩnh nhận xét, uốn nắn và tu sửa cho con.
Cha mẹ nên tránh kiểu mắng con như “Chỉ có một đứa trẻ hư hỏng mới nói hay làm như con”, “Sao con có thể ngu ngốc như vậy?”. Khi cha mẹ không tiếc lời trách móc, mắng nhiếc con như vậy vô tình xúc phạm nhân phẩm và tính cách của con.
Nếu cứ nhiều lần cha mẹ lặp lại như vậy, hành động đó của cha mẹ đồng nghĩa với việc không thừa nhận những cố gắng của trẻ. Trẻ sẽ sinh ra trì trệ, chán nản và không muốn cố gắng nữa.
Cha mẹ không nên cáu gắt, đánh mắng mỗi khi dạy con học
Thông thường, khi cha mẹ kèm con học hay có phản ứng vội vã là cáu gắt các con mỗi khi con làm bài chậm, làm sai hay không làm theo ý của mình. Nếu nhẹ nhàng thì có những phụ huynh dùng thước, bút gõ vào tay con trẻ để răn dạy. Nặng hơn có phụ huynh bạo lực con ngay trên bàn học khiến đứa trẻ rơi vào tình trạng vừa khóc vừa học.
Vì thế, sợ bị cha mẹ dạy học là nỗi ám ảnh của nhiều đứa trẻ. Cha mẹ thường nghĩ rằng “phải đánh trẻ mới sợ”, mà sợ trẻ mới chịu học. Cha mẹ làm điều đó vì thương con. Tuy nhiên, trẻ sẽ học nhưng không phải vì nhận thức ra được trách nhiệm của mình, mà học vì “sợ bị đánh”. Đây chẳng phải là cách dạy trẻ học một cách phản giáo dục sao?
Tiếc con những lời khen ngợi
Đôi khi cha mẹ vì quá gần gũi với con nên nghĩ rằng mình hiểu hết về con rồi nên không cần phải khen khách sáo. Đây cũng là lí do vì sao trên lớp con lại nghe lời cô giáo hơn là bố mẹ. Bởi cô giáo ở trường thường biết khích lệ con phát huy những điểm mạnh của mình.
Con sẽ không có động lực để cố gắng, không tự tin về những ưu điểm của mình; thậm chí luôn nghĩ mình kém cỏi vì cha mẹ chưa bao giờ thấy mình tốt cả. Mọi đứa trẻ sinh ra đều như nhau nhưng nền giáo dục sẽ khiến có đứa trẻ trở thành thiên tài; có đứa trẻ bình thường và thậm chí có đứa trẻ trở nên ngốc nghếch.
Những đứa trẻ có tố chất bình thường nhưng có nền giáo dục đúng đắn và phù hợp có thể làm được những điều phi thường. Vì thế, phương pháp giáo dục có tính chất quyết định đứa trẻ sẽ thành tài hay là kẻ vô dụng; chứ không hoàn toàn do tài năng thiên phú. Cho nên, cha mẹ dạy con cần chú trọng phương pháp phù hợp.