Vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989 còn được gọi là Sự cố Lục Tứ. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra lệnh cho quân đội dùng súng ống và xe tăng nghiền nát phong trào biểu tình do sinh viên khởi xướng tại Quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh vào năm 1989.

Phong trào biểu tình bắt đầu từ ngày 15/4 và bị đàn áp vào ngày 4/6. ĐCSTQ đã hạ lệnh cho quân quân đội chiếm đóng các khu vực trong trung tâm thủ đô Bắc Kinh.

Xe tăng và binh lính mang súng trường đã tấn công những người biểu tình đang cố gắng ngăn cản quân đội tiến vào Quảng trường Thiên An Môn. Số người thiệt mạng ước tính là từ vài trăm đến vài nghìn người. Đó là còn chưa kể hàng nghìn người khác bị thương.

Báo Newsweek đưa tin sau vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 (ảnh: Twitter).
Báo Newsweek đưa tin sau vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 (ảnh: Twitter).

Tên gọi vụ Thảm sát Thiên An Môn

Có nhiều cách đề cập đến vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989. Một số cách gọi tránh dùng từ “thảm sát”, thay vào đó là: Sự kiện Thiên An Môn; Sự kiện Lục Tứ; Sự cố Quảng trường Thiên An Môn.

Một số kênh truyền thông cũng đề cập chuỗi sự kiện này là Phong trào Dân chủ 89; Phong trào mùng 4 tháng 6.

Diễn biến cuộc Thảm sát Thiên An Môn năm 1989

15/4: Hồ Diệu Bang qua đời

Hồ Diệu Bang là một người theo tư tưởng cải cách trong ĐCSTQ. Ông được giới trí thức và sinh viên quý trọng. Tuy nhiên, ông đã bị buộc phải từ chức Tổng Bí thư ĐCSTQ vào năm 1987.

Hai năm sau, vào ngày 15/4, Hồ Diệu Bang qua đời. Có thông tin cho rằng ông qua đời vì một cơn đau tim. Nhưng nhiều người cho rằng cái chết của ông có liên quan đến việc ông bị buộc từ chức.

Cái chết của Hồ Diệu Bang khiến nhiều sinh viên thương tiếc
Cái chết của Hồ Diệu Bang khiến nhiều sinh viên thương tiếc (ảnh: Twitter).

Là một nhà lãnh đạo ủng hộ cải cách dân chủ, sự ra đi của Hồ Diệu Bang đã khiến nhiều người thương tiếc. Các sinh viên đại học bắt đầu tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn để tưởng nhớ ông. Họ cũng bày tỏ sự bất bình về tốc độ cải cách chậm chạp của Trung Quốc.

Từ 17 đến 21/4: Các cuộc biểu tình lan rộng

Bắt đầu vào đêm ngày 17/4, khoảng 3.000 sinh viên trường Đại học Bắc Kinh đã diễu hành từ trường đến Quảng trường Thiên An Môn. Gần 1.000 sinh viên từ Đại học Thanh Hoa cũng tham gia.

Khi đến nơi, họ nhanh chóng tham gia lực lượng cùng với những người đã tụ tập tại Quảng trường. Dần dần, cuộc tập hợp đã phát triển thành một cuộc biểu tình quy mô lớn.

Các sinh viên bắt đầu soạn thảo một danh sách những kiến nghị để gửi tới ĐCSTQ. Họ kêu gọi mở rộng quyền tự do, dân chủ cho người dân; đồng thời giải quyết tham nhũng.

22/4: Lễ tang Hồ Diệu Bang

ĐCSTQ tổ chức một lễ tang cấp nhà nước cho Hồ Diệu Bang vào ngày 22/4. Đám tang được tổ chức khá vội vã, chỉ kéo dài 40 phút. Trong khi đó, cảm xúc dâng trào trên Quảng trường Thiên An Môn, nhiều sinh viên đã bật khóc.

Các sinh viên vượt qua hàng rào phong tỏa ở Quảng trường Thiên An Môn để cố gắng đệ đơn kiến nghị. Tuy nhiên, không có lãnh đạo nào ra khỏi Đại lễ đường. Điều này khiến các sinh viên thất vọng và càng bất bình hơn nữa. Một số người kêu gọi bãi khóa.

23/4: Thành lập Hội Sinh viên, kêu gọi bãi khóa

Các sinh viên đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 23/4. Có khoảng 40 sinh viên từ 21 trường đại học tham dự. Cuộc họp thống nhất thành lập Liên đoàn tự trị của sinh viên Bắc Kinh. Chủ tịch Liên đoàn là Chu Dũng Quân. Còn có các thủ lĩnh sinh viên khác như Vương Đan, Ngô Nhĩ Khai Hy.

Hội sinh viên kêu gọi bãi khóa ở tất cả các trường đại học tại Bắc Kinh.

Giới lãnh đạo Trung Quốc chia thành 2 phe

Thủ tướng Lý Bằng kêu gọi Tổng Bí thư Triệu Tử Dương lên án những người biểu tình. Lý Bằng cho rằng chính quyền phải nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, Triệu Tử Dương đã bác bỏ quan điểm của Lý Bằng.

Từ ngày 23/4, Triệu Tử Dương đã rời Trung Quốc để tới thăm chính thức Bắc Triều Tiên.

Khi Triệu Tử Dương rời Trung Quốc, Lý Bằng và các lãnh đạo khác trong Đảng đã kêu gọi đàn áp bạo lực phong trào biểu tình. Cuối cùng, họ đã lôi kéo được Lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình và Chủ tịch nước Dương Thượng Côn về phe của họ.

Vào ngày 25/4, Lý Bằng đã gặp Đặng Tiểu Bình và Dương Thượng Côn tại dinh thự của Đặng Tiểu Bình. Đặng tán thành lập trường cứng rắn đối với phong trào dân chủ. Đặng còn chỉ đạo phải đưa ra “cảnh cáo” lan rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng; để hạn chế các cuộc biểu tình sau này. 

26/4: Bài xã luận thêm dầu vào lửa

Sau cuộc họp của các lãnh đạo cấp cao, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đăng một bài xã luận công kích phong trào của sinh viên.

Bài xã luận ngày 26/4 có tiêu đề: “Sự cần thiết phải có một lập trường rõ ràng chống lại tình trạng hỗn loạn”. Bài viết cáo buộc có những người “có động cơ thầm kín” đang lợi dụng sinh viên để gây bất ổn.

Ảnh chụp tờ Nhân dân Nhật báo ngày 26/4/1989.
Ảnh chụp tờ Nhân dân Nhật báo ngày 26/4/1989.

Bài xã luận khiến các sinh viên càng thêm phẫn nộ. Họ cho rằng bài viết này tựa như một bản cáo trạng trực tiếp đối với phong trào biểu tình.

Kết quả là bài xã luận đã phản tác dụng. Nó không khiến sinh viên lùi bước, mà còn khiến nhiều sinh viên hơn nữa phản đối chính quyền. Hơn nữa, ngày càng có nhiều trí thức và thường dân bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào dân chủ do sinh viên lãnh đạo.

Từ 27/4 đến 29/4: Sinh viên yêu cầu đối thoại

Một ngày sau khi tờ Nhân dân Nhật báo đăng bài xã luận “thêm dầu vào lửa”, các sinh viên từ các trường đại học khác nhau đã đồng loạt xuống đường. Hội liên hiệp sinh viên lâm thời được tổ chức lại thành Liên đoàn tự trị của sinh viên Bắc Kinh, do Ngô Nhĩ Khai Hy lãnh đạo.

Liên đoàn sinh viên đưa ra “3 yêu cầu” và “7 cuộc đối thoại”. Họ yêu cầu các nhà chức trách “công khai thừa nhận hội sinh viên là một tổ chức hợp pháp”; và “rút lại bài xã luận ngày 26/4”.

Xung đột giữa 2 phe phái của ĐCSTQ

Kể từ giữa tháng 4, giới lãnh đạo ĐCSTQ đã chia rẽ thành 2 phe về cách đối phó với phong trào Thiên An Môn.

Sau khi Triệu Tử Dương trở về Trung Quốc sau chuyến thăm Bắc Triều Tiên, căng thẳng phe phái ngày càng gia tăng.

Một phe đứng đầu là Triệu Tử Dương và những người ủng hộ đối thoại, mềm mỏng với sinh viên. Một phe là những người ủng hộ lập trường cứng rắn của Thủ tướng Lý Bằng.

Triệu và Lý đã xung khắc với nhau tại một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ vào ngày 1/5. Lý cho rằng bằng mọi giá phải đảm bảo ổn định cho quyền lực của ĐCSTQ. Trong khi đó, Triệu cho rằng ĐCSTQ nên thể hiện sự mềm mỏng để tăng thêm dân chủ và minh bạch. Triệu Tử Dương yêu cầu tổ chức đối thoại thêm nữa với sinh viên.[24]

Ngày 3 và 4/5: Triệu Tử Dương hòa giải với sinh viên

Triệu Tử Dương, khi đó là Tổng bí thư ĐCSTQ, được coi là một nhà cải cách cải mở. Ông đã có hai bài phát biểu thể hiện lòng cảm thông với sinh viên. Ông Triệu nói rằng thật “hợp lý” khi sinh viên quan tâm đến vấn đề tham nhũng.

Các sinh viên đại học đã diễu hành đến Quảng trường Thiên An Môn để công bố “Bản Tuyên ngôn Ngũ Tứ Mới”. Trong đó, các sinh viên kêu gọi ĐCSTQ thực thi dân chủ. Ngoài Bắc Kinh, các sinh viên ở Nam Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu cũng xuống đường, kêu gọi chính quyền đối thoại với sinh viên.

13/5: Sinh viên bắt đầu tuyệt thực

Mặc dù tình hình đã dịu bớt, một số nhà thủ lĩnh sinh viên vẫn kêu gọi có các hành động mạnh mẽ hơn nữa để tiếp tục các cuộc biểu tình.

Hàng trăm sinh viên, do thủ lĩnh sinh viên Sài Linh (Chai Ling) dẫn đầu, bắt đầu một cuộc tuyệt thực vô thời hạn tại Quảng trường Thiên An Môn.

Cuộc tuyệt thực khiến đông đảo dân chúng cảm rộng. Đến chiều ngày 13/5, có khoảng 300.000 người tập trung tại Quảng trường.

15-16/5: Gorbachev tới Bắc Kinh

Cuộc tuyệt thực bắt đầu chỉ 2 ngày trước chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Theo kế hoạch, lễ chào đón Gorbachev sẽ được tổ chức trên Quảng trường. Các sinh viên hy vọng cuộc tuyệt thực trên Quảng trường khi Gorbachev tới thăm sẽ khiến chính phủ đáp ứng yêu cầu của họ.

Tuy nhiên, ĐCSTQ đã tổ chức lễ đó Gorbachev tại sân bay Bắc Kinh. Điều này được đánh giá là một nỗi xấu hổ đối với các nhà cầm quyền Trung Quốc.

Khi Gorbachev gặp Triệu Tử Dương vào ngày 16/5, Triệu nói với Gorbachev rằng Đặng Tiểu Bình vẫn là “lãnh đạo tối cao” ở Trung Quốc. Đặng cho rằng tuyên bố này là sự đổ lỗi của Triệu đối với cách xử lý phong trào sinh viên.

Phong trào sinh viên được tiếp thêm sức mạnh

Các cuộc tuyệt thực đã khơi dậy sự cảm thông của quần chúng trên cả nước. Số lượng người tham gia ủng hộ các sinh viên tăng vọt. Khoảng một triệu người đã tới Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 17-18/ 5. Những người tham gia đến từ mọi tầng lớp; từ quân đội, sĩ quan cảnh sát và các quan chức đảng cấp thấp.

Một số tổ chức của ĐCSTQ và Đoàn Thanh niên, các công đoàn lao động do chính phủ tài trợ cũng khuyến khích thành viên tham gia biểu tình.

Một nhóm các nhà báo ủng hộ phong trào dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 17/5/1989
Một nhóm các nhà báo ủng hộ phong trào dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 17/5/1989 (ảnh chụp màn hình Twitter).

Một số tổ chức không thuộc ĐCSTQ đã gửi thư cho Thủ tướng Lý Bằng để bày tỏ ủng hộ đối với các sinh viên. Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đã cử một số lượng lớn nhân viên đến cung cấp dịch vụ y tế cho những người tuyệt thực trên Quảng trường.

Sau khi Mikhail Gorbachev về nước, nhiều nhà báo nước ngoài vẫn ở lại Bắc Kinh để đưa tin về các cuộc biểu tình. Điều đó khiến phong trào Thiên An Môn nổi tiếng trên bình diện quốc tế. Các chính phủ phương Tây kêu gọi ĐCSTQ giữ kiềm chế.

18/5: Lý Bằng hội đàm với lãnh đạo sinh viên

Tình hình trở nên khó xử. Áp lực giải quyết phong trào dân chủ đã dồn lên vai lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình. 

Lý Bằng đã tổ chức một cuộc gặp với sinh viên lần đầu tiên vào ngày 18/5 nhằm xoa dịu công chúng về cuộc tuyệt thực. Trong cuộc họp, ông Lý yêu cầu các sinh viên ngừng tuyệt thực và chấm dứt tụ tập tại Quảng trường.

Các nhà lãnh đạo sinh viên một lần nữa yêu cầu chính phủ rút bỏ bài xã luận ngày 26/4; đồng thời công nhận phong trào sinh viên là một “phong trào yêu nước dân chủ”.

Hai bên không đạt được thỏa thuận nào. Các cuộc thảo luận mang tính đối đầu đã khiến các sinh viên trở nên nổi bật trên truyền hình quốc gia.

19/5: Triệu Tử Dương gặp sinh viên

Vào sáng sớm ngày 19/5, Triệu Tử Dương tới Quảng trường Thiên An Môn cùng Ôn Gia Bảo. Lý Bằng cũng đến Quảng trường, nhưng ngay sau đó rời đi.

Lúc 4 giờ 50 sáng, Triệu Tử Dương đã có bài phát biểu cảm động với đám đông sinh viên. Ông kêu gọi các sinh viên chấm dứt tuyệt thực. 

“Hỡi các sinh viên, chúng tôi đã đến quá muộn. Chúng tôi xin lỗi. Các bạn nói về chúng tôi, chỉ trích chúng tôi, tất cả những điều đó đều cần thiết. Lý do tôi đến đây không phải là để yêu cầu các bạn tha thứ cho chúng tôi. Tất cả những gì tôi muốn nói là các sinh viên đang rất yếu, đây là ngày thứ 7 kể từ khi các bạn tuyệt thực, các bạn không thể tiếp tục như thế này được… Các bạn vẫn còn trẻ, vẫn còn nhiều ngày tháng ở phía trước, các bạn phải sống khỏe mạnh, để nhìn thấy ngày mà Trung Quốc hoàn thành bốn hiện đại hóa. Các bạn không giống chúng tôi, chúng tôi đã già, nó không còn quan trọng với chúng tôi nữa”.

Bài phát biểu của Triệu Tử Dương đã khiến nhiều sinh viên xúc động. Nhưng đây là lần cuối cùng ông được xuất hiện trước công chúng. ĐCSTQ đã hạ bệ ông khỏi chức vụ Tổng Bí thư. Ông bị quản thúc tại gia cho đến khi qua đời vào năm 2005.

20/5: Tuyên bố thiết quân luật

ĐCSTQ đã tuyên bố thiết quân luật vào ngày 20/5. Khoảng 250.000 quân được điều động đến thủ đô Bắc Kinh. Các đám đông biểu tình đã ngăn chặn cuộc tiến công của quân đội vào thành phố.

Hàng chục ngàn người biểu tình đã bao vây các xe quân sự, ngăn cản họ tiến lên hoặc rút lui. Những người biểu tình đã thuyết phục binh lính ủng hộ phong trào dân chủ. Họ cũng cung cấp cho binh lính đồ ăn, nước và nơi trú ẩn.

Nhận thấy không thể nào tiến về phía trước, chính quyền ra lệnh cho quân đội rút quân vào ngày 24/5. Các lực lượng rút lui về căn cứ bên ngoài thành phố.

29/5: Nữ Thần Tự Do

Các cuộc biểu tình kéo dài tiếp tục kéo dài. Các sinh viên có sự bất đồng về việc có tiếp tục chiếm lĩnh Quảng trường hay nên rời đi. Nhiều sinh viên kiệt sức, tinh thần của các sinh viên đã trùng xuống.

Lúc 22 giờ 30 ngày 29/5, các sinh viên của Học viện Nghệ thuật Trung ương mang tới Quảng trường một bức tượng mà họ làm. Họ gọi đó là tượng “Nữ thần Tự do”.

Một cư dân mạng chia sẻ bức ảnh chụp tượng Nữ Thần Tự Do tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 (ảnh chụp màn hình Twitter).
Một cư dân mạng chia sẻ bức ảnh chụp tượng Nữ Thần Tự Do tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 (ảnh chụp màn hình Twitter).

Đây là một bức tượng cao 10m bằng thạch cao, được mô phỏng theo tượng Nữ thần Tự do ở New York, Mỹ. Bức tượng này đã tiếp thêm sức mạnh và tinh thần cho các sinh viên.

3/6: Quyết định dập tắt cuộc biểu tình

Tối 2/6, có thông tin về một chiếc máy ủi của quân đội đã cán chết ba thường dân. Những người biểu tình lo sợ quân đội đang cố gắng tiến vào Quảng trường Thiên An Môn. Các sinh viên đã thiết lập rào chắn tại các giao lộ chính nhằm ngăn cản quân đội tiến vào thành phố.

Sáng 3/6, sinh viên và người dân phát hiện một số binh lính mặc thường phục đang đưa vũ khí vào bên trong thành phố. Các sinh viên đã tịch thu vũ khí và nộp cho Cảnh sát Bắc Kinh.

Quân đội không vũ trang xuất hiện từ Đại lễ đường Nhân dân và chạm trán những người biểu tình.

16 giờ 30 ngày 3/6, Bộ Chính trị Trung Quốc chính thức thông qua quyết định dập tắt cuộc biểu tình.

3/6 và 4/6: Quân đội càn quét Quảng trường Thiên An Môn

Tối 3/6, các đơn vị quân đội Trung Quốc tiến vào Bắc Kinh từ mọi hướng.

Quân đoàn số 38, 63 và 28 tiến đến từ phía tây. Quân đoàn số 15, Quân đoàn số 20, 26 và 54 từ phía nam. Quân đoàn số 39 và Sư đoàn 1 tới từ phía đông. Quân đoàn 40 và 64 đến từ phía bắc.

Vào khoảng 22 giờ 00, quân đoàn số 38 đã nổ súng vào những người biểu tình tại ngã tư Wukesong, Đại lộ Trường An, cách Quảng trường Thiên An Môn khoảng 10 km về phía tây. Những người biểu tình choáng váng khi nhận ra quân đội đang sử dụng súng đạn. Họ đáp trả lại bằng việc chửi bới và ném đạn pháo.

Có bằng chứng cho thấy quân đội Trung Quốc dùng đạn nở để bắn vào người dân. Đây là một loại vũ khí bị cấm sử dụng trong chiến tranh theo luật pháp quốc tế.

Vào khoảng 22 giờ 30 ngày 3/6, cuộc tiến công của quân đội Trung Quốc bị ngăn cản một lúc ở Muxidi, cách Quảng trường khoảng 5 km về phía tây. Ở đó có những chướng ngại vật mà những người biểu tình đặt ra từ trước. Người dân cố gắng vây quanh để ngăn cản đoàn xe quân sự. Quân đoàn 38 lại nổ súng vào những người biểu tình. Họ còn nã đạn vào các tòa nhà chung cư, làm một số người ở ban công bị trúng đạn.

Quân đoàn 38 cũng sử dụng các xe bọc thép đâm xuyên qua các xe buýt. Khi quân đội tiếp tục tiến quân, những người biểu tình bị giết hại dọc theo Đại lộ Trường An, tại Nanlishilu, Fuxingmen, Xidan, Liubukou và Thiên An Môn.

Ở phía nam, quân đội dùng đạn dược trực tiếp. Có những ca tử vong của dân thường được ghi nhận tại Hufangqiao, Zhushikou, Tianqiao và Qianmen.

Lúc 04 giờ 00 sáng sớm 4/6, đèn trên Quảng trường Thiên An Môn đột ngột tắt. Chính quyền Trung Quốc nói qua loa: “Việc dọn dẹp Quảng trường bắt đầu ngay bây giờ. Chúng tôi đồng ý cho phép sinh viên rời khỏi Quảng trường.”

Lúc 4 giờ 30 sáng, đèn bật sáng và quân đội bắt đầu tiến lên Tượng đài từ mọi phía. Những người lính ban đầu dừng lại cách các sinh viên khoảng 10 mét. Hàng binh sĩ đầu tiên đã nhắm mục tiêu với súng máy chờ sẵn. Đằng sau họ, các binh lính ngồi xổm và đứng với súng trường tấn công trong tay. Ở giữa là là cảnh sát chống bạo động với các tấm chắn. Xa hơn nữa là các xe tăng và xe bọc thép chở quân.

Báo The Washington Post đưa tin về vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989
Báo The Washington Post đưa tin về vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989 (ảnh chụp màn hình báo).

4 giờ sáng, đèn điện trong quảng trường Thiên An Môn bất ngờ bị tắt hết. Quân lính tiến vào Quảng trường, những người biểu tình không nhìn thấy do trời tối.

4 giờ 30 sáng, đèn điện vụt sáng trở lại, lúc này các sinh viên mới phát hiện mình đã bị quân lính và xe tăng bao vây. Tiếng súng nổ… Nhiều người trúng đạn ngã xuống trong vũng máu.

Một số sinh viên rời khỏi Quảng trường Thiên An Môn bị xe tăng đuổi theo. Một trong số đó là Phương Chính, một sinh viên Đại học Thể dục Thể thao Bắc Kinh. Anh cho biết: “Khoảng 6 giờ ngày 4/6, chúng tôi rút khỏi Quảng trường. Sau khi đi qua Quảng trường, những chiếc xe tăng đã vòng lại lao về phía các sinh viên và bao vây họ, những người đang trên đường trở về trường của mình. Tôi là một trong những nạn nhân. Xe tăng đã cán qua chân tôi. Nhiều sinh viên của Đại học Bắc Kinh đã bị xe tăng cán chết. Một số thậm chí còn bị nghiền nát.”

Phương Chính bị xe tăng nghiền nát 2 chân khi đang rời khỏi Quảng trường Thiên An Môn vào sáng sớm 4/6/1989
Phương Chính bị xe tăng nghiền nát 2 chân khi đang rời khỏi Quảng trường Thiên An Môn vào sáng sớm 4/6/1989 (ảnh chụp màn hình Twitter).

4/6: Sốc và tức giận sau vụ thảm sát Thiên An Môn

Sau một đêm đẫm máu, Quảng trường Thiên An Môn đã được dọn sạch. Tiếng súng vẫn văng vẳng đâu đó ở Bắc Kinh cả ngày. Các cuộc biểu tình rầm rộ thể hiện sự đồng lòng với các sinh viên cũng xảy ra ở nhiều thành phố như Hồng Kông và Ma Cao.

Vụ thảm sát đã khiến công chúng phẫn nộ. Một người đàn ông đã đứng chắn đoàn xe tăng rời khỏi Quảng trường vào ngày 5/6. Hình ảnh này nổi tiếng khắp thế giới và trở thành biểu tượng cho sự kiện Thiên An Môn.

Bức ảnh nổi tiếng chụp ngay sau vụ Thảm sát Thiên An Môn. Trong đó một người đàn ông bất bình đứng chắn đoàn xe tăng đã tham gia vụ thảm sát vào ngày 4/6/1989.
Bức ảnh nổi tiếng chụp ngay sau vụ Thảm sát Thiên An Môn. Trong đó một người đàn ông bất bình đứng chắn đoàn xe tăng đã tham gia vụ thảm sát vào ngày 4/6/1989. Ảnh chụp màn hình Twitter.

Con số thương vong trong cuộc đàn áp Thiên An Môn

Số người chết và bị thương trong vụ thảm sát vẫn chưa rõ ràng. Có nhiều ước tính khác nhau.

Tuyên bố của ĐCSTQ

Chính phủ Trung Quốc thì liên tục thay đổi tuyên bố của mình về sự kiện Lục Tứ. Ban đầu họ nói rằng không có phát súng nào nổ ra và không có ai bị giết hại vào ngày 4/6/1989. Khi thấy lời nói dối quá vô lý, Bắc Kinh tuyên bố có một số người chết. Nhưng con số họ đưa ra là không nhất quán. Tựu chung lại, ĐCSTQ tuyên bố có vài trăm người chết, trong đó chủ yếu là các binh sỹ bị “những kẻ phản cách mạng” giết hại.

Cư dân mạng hôm 29/5/2021 chia sẻ hình ảnh về vụ thảm sát Thiên An Môn. "Chúng ta sẽ không bao giờ quên vụ thảm sát do ĐCSTQ gây ra 32 năm trước. Thế giới p hải tiếp tục tưởng niệm những người đã bị giết hại tại Quảng trường Thiên An Môn. Ảnh chụp màn hình Twitter.
Cư dân mạng hôm 29/5/2021 chia sẻ hình ảnh về vụ thảm sát Thiên An Môn. “Chúng ta sẽ không bao giờ quên vụ thảm sát do ĐCSTQ gây ra 32 năm trước. Thế giới p hải tiếp tục tưởng niệm những người đã bị giết hại tại Quảng trường Thiên An Môn. Ảnh chụp màn hình Twitter.

Ước tính của các nhà quan sát

Trong khi đó, các nguồn khác ước tính số người biểu tình bị giết có thể lên tới hàng ngàn người. Một bức điện tín bí mật của các nhà ngoại giao Anh cho biết có ít nhất 10.000 người đã bị giết trong cuộc Thảm sát Thiên An Môn.

Một số nhà báo nước ngoài và nhân chứng ước tính có ít nhất 3.000 người tử vong. 

“Nếu có cơ hội, bạn hãy hỏi chính quyền Trung Quốc”

Tới nay, ĐCSTQ chưa hề nhận trách nhiệm về vụ thảm sát Thiên An Môn. Mọi cuộc thảo luận về chủ đề này đều bị ngăn chặn trên các mạng xã hội Trung Quốc. Do chính sách kiểm duyệt của ĐCSTQ, nhiều người trẻ Trung Quốc ngày nay không hề biết đã từng xảy ra vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn.

Phương Chính, nam sinh viên bị nghiền nát 2 chân, bị buộc phải nói rằng anh mất đôi chân vì tai nạn xe buýt. Sau nhiều năm bị áp chế ở Trung Quốc, anh đã được đưa sang Mỹ vào năm 2009. Tại đây, anh có thể kể lại những gì đã xảy ra mà không sợ bị trừng phạt.

Phương Chính chia sẻ : “Tôi hi vọng rằng tất cả mọi người khi có cơ hội, sẽ đến hỏi chính quyền Trung Quốc. Hãy hỏi những vị lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc. Hãy hỏi họ về tình hình nhân quyền hiện nay của Trung Quốc, hỏi họ xem điều gì thực sự đã diễn ra vào năm 1989. Cảm ơn tất cả mọi người.”