Thay vì những hình ảnh check-in sang xịn ở một khu resort, Phan lộc và nhóm bạn rất vui và tự hào khi đã chung tay giúp được nhiều bà con vùng lũ kịp thời.
Phan Lộc – 26 tuổi (TP.HCM) cùng nhóm bạn đã lên kế hoạch chi tiết cho chuyến du lịch miền Trung từ một tháng trước. Dự tính là những ngày thư thái, ngắm hoàng hôn lãng mạn ở một Resort sang chảnh, rồi khám phá các hang động kỳ vĩ ở Huế.
Trước hôm khởi hành vài ngày, cơn lũ chưa bao giờ lớn đến như thế; đổ về nhấn chìm miền Trung. Mọi kế hoạch của cả nhóm bị hủy.
Liên tục những hình ảnh đau thương, được cập nhật trên các phương tiện truyền thông. Phan Lộc và nhóm bạn bàn bạc, nhanh chóng quyết định vẫn bay vào miền Trung; nhưng không phải nghỉ dưỡng mà đổi thành chuyến đi cứu trợ bà con vùng lũ.
Số tiền 531 triệu đồng cứu trợ bà con miền trung
Khi đã quyết định đổi mục đích chuyến đi miền Trung, Phan Lộc cùng một số người quen trong nhóm từ thiện bắt đầu kêu gọi cộng đồng mạng ủng hộ tiền cho quỹ cứu trợ.
Ban đầu nhóm chỉ có 100 triệu cho 600 phần quà; mỗi túi quà cứu trợ gồm: Gạo, mì tôm, sữa, dầu ăn, trứng, khoai, dầu gió, thuốc cảm, nước lọc.
Nhưng ngày càng có nhiều cộng đồng mạng gửi tiền về ủng hộ. Khi bay đến Quảng Bình nhóm đã nhận được tổng cộng 531 triệu đồng, số phần quà đã tăng lên đến 1.600 suất.
Gia đình không đồng ý cho Phan Lộc đi vào tâm lũ đâu, vì lo lắng cho sự an toàn. Nhưng Phan Lộc đã thuyết phục gia đình: Mình là người đứng lên vận động quyên góp; nên phải có trách nhiệm mang quà đến tận tay người dân vùng lũ.
Chàng trai, 26 tuổi kiên định thuyết phục gia đình đồng ý. Phan Lộc cho rằng: Đi là để truyền cảm hứng cho cộng đồng du lịch, cho các bạn trẻ. Có thêm một đoàn cứu trợ là thêm được một thôn bản được cứu trợ. Mọi người cùng chung tay hướng về tâm lũ.
Hành trình chuyến đi cứu trợ
- Chàng trai xứ Nghệ từng mang 5000 thùng mỳ cứu giúp miền Trung, nay tiếp tục xả thân cứu người
- Trả lại tiền lẫn trong quần áo từ thiện, người đàn ông nghèo được tặng 10 triệu đồng
- Cụ ông hơn 70 tuổi cứu sống cả nhà 4 người bị đuối nước
Ngày đầu tiên 20/10 đến thôn Ba Đồn:
Phan Lộc cùng nhóm từ thiện bay chuyến sớm vào Quảng Bình. Sau khi đến khách sạn, cả nhóm phân công nhau đi mua lương thực: Người mua gạo, người mua sữa, người mua mì… rồi chia vào các túi nhỏ.
Chiều 4h30 nhóm di chuyển bằng ghe chở hàng để đi tặng bà con ở thôn nhỏ Ba Đồn. Ở đây nước chỉ còn ngập đầu gối, nhưng chảy rất xiết cuốn theo bao đồ đạc, hoa màu, gia cầm.
Nhóm đến trao quà cho từng gia đình, nhìn nụ cười xen lẫn nước mắt của người dân địa phương, nhóm thấy đã quyết định thật sáng suốt khi đến kịp thời.
20h cùng ngày cả nhóm về khách sạn sau một ngày quần quật, bơ phờ. Tất cả mọi người nhanh chóng tắm rửa, rồi chuẩn bị gói quà cho ngày mai cứu trợ.
Ngày thứ hai 21/10 sang xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy:
Tám người trong đoàn di chuyển sang xã Sơn Thủy, hình ảnh đau thương hiện ra trước mắt khiến cả nhóm không khỏi xúc động. Đến điểm tập kết lánh nạn của xã, 150 suất quà đã được trao cho những gia đình ở đây.
Ngày thứ ba, thứ tư (22/10, 23/10) ra Quảng Trị, Huế:
Cả nhóm di chuyển dần từ Quảng Bình ra Quảng Trị, Huế và phát quà cho những thôn trên đường đi. Xóm Dừa thuộc thị xã Hương Thủy là điểm cuối cùng đoàn đến phát quà.
Ngày thứ 5 (24/10) ngày cuối cùng ở Huế để bay về TP HCM:
Ngày cuối cùng của hành trình trời hửng nắng, cả nhóm tranh thủ đi thăm một số ngôi Chùa cổ, rồi ra sân bay vào chiều cùng ngày trở về TP HCM.
Cảm xúc chuyến đi cứu trợ không bao giờ quên
Sau khi hoàn thành chuyến cứu trợ, cả nhóm hạnh phúc đến mức: Muốn hét lên thật to lên, vì rằng chúng mình đã làm được việc có ý nghĩa trong cuộc đời và kịp thời cứu trợ đối với người dân vùng lũ.
Phan Lộc là cựu du học sinh từ Trung Quốc trở về, anh làm phiên dịch tự do và là gia sư tiếng Trung. Mỗi lần hứng thú, chàng trai sinh năm 1994 lại xách ba lô đi khám phá.
Chưa có chuyến đi nào đáng nhớ như hành trình lần này. Mặc dù anh đã đến 50 tỉnh thành trong cả nước. Có những kỷ niệm xúc động không thể quên trong chuyến đi từ thiện miền Trung này.
Vào ngày thứ 2 của hành trình, thuyền của đoàn suýt bị lật vì sóng lớn, gió to. May một số cán bộ xã đi cùng ứng phó kịp thời, nước lúc đó mấp mé miệng thuyền.
Hay hình ảnh một cụ già khoảng 70 tuổi, do dầm trong nước lâu ngày, chân bị nước ăn đến rỉ máu. Cụ cầm phong bì tiền nhận từ nhóm đệm tạm vào cho đỡ đau.
Một số thành viên trong đoàn bị cảm do lạnh, chăm sóc nhau đơn giản bằng cách uống nước gừng nóng, hôm sau đỡ lại tiếp tục cuộc hành trình cứu trợ.
Cả nhóm đã vượt qua bản thân, vượt qua những trở ngại trong lần đầu đi cứu trợ lũ miền Trung. Mặc dù không có những ảnh check-in sang chảnh, sống ảo, nhưng đổi lại ai cũng vui và tự hào vì đã chung tay kịp thời với bà con nơi tâm lũ.
Cả nước hướng về cứu trợ miền Trung
Miền Trung năm nay 2020, được xem là một đợt lũ lịch sử mới. Đặt ở mức báo động cấp 4, cấp thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn. Mức ảnh hưởng sâu rộng gây thiệt hại toàn khu vực; trì hoãn và đẩy ngược nền kinh tế của miền Trung; vốn trước đó không lâu là điểm nóng của đại dịch COVID-19 đợt 2 tại Việt Nam.
Trong những ngày mưa lũ vừa qua, các phương tiện truyền thông, các diễn đàn trên mạng xã hội như facebook, zalo… rất nhiều cá nhân, tổ chức cùng với chính quyền các cấp, đứng ra kêu gọi, vận động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt.
Dọc trên đường quốc lộ 1A gặp rất nhiều đoàn xe thiện nguyện mang biển kiểm soát của các tỉnh, thành như Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh…Cả nước đang chung tay hướng về miền Trung thân yêu.