Bộ Giao thông, tỉnh Ninh Thuận đang xúc tiến dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt dài gần 84 km với tổng vốn gần 28.000 tỷ đồng. Đây là tuyến đường sắt răng cưa dài và độc đáo, không chỉ ở Việt Nam mà của cả thế giới nên được đánh giá có thể giúp phát triển kinh tế, du lịch cho địa phương.

Tờ VnExpress đưa tin, ngày 13/7, Thứ trưởng Bộ GTVT ông Nguyễn Ngọc Đông dẫn đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận bàn về đề xuất dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt.

Đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

Trước đó, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận giao Công ty CP Thương mại Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng, nhà đầu tư đề xuất dự án) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả dự án khôi phục tuyến đường sắt đặc biệt này theo hình thức PPP (đối tác công – tư).

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Bạch Đằng cho biết dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt có chiều dài toàn tuyến khoảng 83,5 km với 17 nhà ga và trạm khách, 64 cầu, 5 hầm chui và 16 km đường sắt răng cưa. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 27.780 tỷ đồng.

Dự kiến, đến năm 2024 sẽ thực hiện xong tiến độ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi; từ năm 2024 – 2029 triển khai thi công và đến cuối năm 2030, đưa vào vận hành, khai thác thương mại.

Cây cầu duy nhất trên tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, đoạn đi qua địa bàn Ninh Thuận chưa bị tháo gỡ (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

Báo Vietnamplus cho biết, từ năm 2018 Công ty Bạch Đằng đã thuê tư vấn tiến hành nghiên cứu khôi phục lại tuyến đường sắt răng cưa leo núi này theo hướng tương tự như thời Pháp thuộc, kết hợp với phát triển du lịch, kinh tế-xã hội hai tỉnh tuyến đi qua là Đà Lạt, Ninh Thuận.

Tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được người Pháp thi công từ năm 1908 và đến năm 1932 hoàn thành, có tổng cộng 16 km đường sắt răng cưa leo núi ở 3 đoạn. Những đoạn này được thiết kế thêm đường ray răng cưa ở giữa hai ray chính đường khổ 1.000 mm. Đầu máy được thiết kế gắn thêm bánh răng bám vào đường ray răng cưa.

Đường sắt và bánh xe răng cưa trên tuyến Đà Lạt – Tháp Chàm năm nào (ảnh tư liệu).
Một đoạn hầm xuyên qua núi ở Đà Lạt vẫn còn tổn tại (ảnh chụp màn hình báo VnExpress).

Tuyến có tổng chiều dài 84km, 12 ga và chạy qua 5 hầm xuyên núi. Năm 1986, hầu như toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này được tháo gỡ. Hiện chỉ còn đoạn Trại Mát-Đà Lạt dài khoảng 7km đang khai thác chạy tàu du lịch.

Tuy việc khôi phục lại tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt từ gần 100 năm trước có ý nghĩa phát triển kinh tế lâu dài nhưng với số tiền quá lớn gần 28.000 tỷ đồng khiến nhiều người tỏ ra nghi vấn về tính khả thi. Một số ý kiến bày tỏ trên diễn đàn tờ VnExpress.

“Khôi phục để phục vụ du lịch, vốn đầu tư 1 tỷ đô. Rồi chừng nào thu hồi về đc, bao nhiêu lượt khách, bao nhiêu năm”?

“Lịch sử và du lịch rất quan trọng nhưng bỏ ra hơn 1 tỷ usd đầu tư thì có nên không hay hạng mục giao thông y tế học đường dân sinh tốt hơn, xin nên nghiên cứu kỹ trước khi làm”.

“Có sẵn khôi phục, có phải xây mới đâu mà đắt thế”.

“Người miền bắc có thể muốn đi Đà Lạt rồi xuống biển Ninh Thuận, chứ Trung và Nam khó ai muốn đi Đà Lạt rồi đi Ninh Thuận, vì biển miền bắc hạn chế, chứ dân Trung Nam biển đẹp nhiều chỗ để đi rồi”.

Có thể bạn quan tâm: