Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lỗ 160 tỷ; Một lít xăng gánh hơn 9.400 đồng tiền thuế là những tin nổi bật tuần qua.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Cả năm thu được 5 tỷ, lỗ dồn 160 tỷ

Sau năm đầu tiên chính thức vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Hanoi Metro vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán 2021. Cả năm ngoái, Hanoi Metro cho biết đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lên tới gần 60 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 54 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho nhân công chiếm phần lớn cơ cấu chi phí khi vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp, Hanoi Metro lỗ ròng 64 tỷ đồng trong năm ngoái. Vào năm 2020, công ty báo lỗ 23 tỷ đồng khi chưa vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Hiện tại, Hanoi Metro đang lỗ lũy kế tổng cộng 160 tỷ đồng.

Ảnh chụp màn hình VietNamNet.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, dự án được phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 và khởi công từ tháng 10/2011. Tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt vào năm 2008 là 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD).

Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt vào năm 2016 và năm 2017 là 18.001,5 tỷ đồng, tăng 9.231 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Điều đáng nói là, trước khi đưa vào hoạt động tuyến đường sắt này, nhiều chuyên gia đã nhận định sẽ lỗ. Vấn đề là gánh cho tới khi nào? Làm cách nào để tăng doanh thu lên gấp 11 lần?

Một lít xăng “gánh” hơn 9.400 đồng tiền thuế

Hôm 13/6, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, giá xăng RON 95 tại kỳ điều chỉnh lần này đã tăng 800 đồng/lít, lên mức 32.370 đồng mỗi lít; xăng E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít, lên mức 31.110 đồng mỗi lít. 

Giá dầu DO 0,05s-II tăng 2.630 đồng/lít, lên mức 29.020 đồng/lít; dầu hoả tăng 2.490 đồng, lên mức 27.830 đồng/lít.

Theo thống kê của tờ Thanh Niên, giá nhập xăng RON95-III về đến cảng là 22.389 đồng. Từ đây, giá được cộng thêm: thuế nhập khẩu 10% là 2.239 đồng (lấy tròn số), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% là 2.239 đồng, thuế giá trị gia tăng 10% (trên giá bán) là 2.943 đồng, thuế bảo vệ môi trường với xăng 2.000 đồng, số còn lại là các chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn.

Như vậy, riêng 4 loại thuế nói trên, một lít xăng bán ra, người tiêu dùng đã phải trả hơn 9.400 đồng, tương đương hơn 29%, cộng thêm các chi phí khác một lít xăng chiếm hơn 34% các loại thuế.

9 tiếp viên VN bị tạm giữ ở Úc vì nghi rửa tiền

Hãng tin 7 News của Úc loan tin cho biết 9 tiếp viên hàng không của Việt Nam vừa bị bắt giữ tại Úc vì mang lậu số tiền là 60.000 đô la Úc bị nghi là tiền buôn bán ma túy.

Thông tin hình ảnh được cho là tang vật của vụ án cho thấy các hộ chiếu với quốc huy Việt Nam và các tập tiền đô la Úc.

Hình ảnh từ bản tin của 7News cho thấy hiện vật thu giữ ở sân bay – Ảnh cắt từ clip

Các tiếp viên này thuộc hai hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines và Bamboo Airways, phục vụ trên các chuyến bay thẳng tới Úc.

Báo Dân Trí hôm 17/6 trích lời ông Đặng Anh Tuấn – Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines – khẳng định: “Cho tới nay, các tổ bay, tiếp viên của Vietnam Airlines vẫn bay di và về bình thường.”

Ông Tuấn cho biết Vietnam Airlines đã biết thông tin vụ bắt giữ và đang đề nghị cơ quan chức năng Úc cung cấp thông tin rõ hơn.

Bộ Y tế: nhiều địa phương thiếu vật tư y tế, thuốc chữa bệnh cho dân

Hôm 17/6, Bộ Y tế thông tin, hiện nhiều địa phương cả nước đang thiếu các vật tư y tế và thuốc chữa bệnh cho người dân, chủ yếu là các loại thông dụng, gây ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân.

Nguyên nhân được Bộ Y tế đưa ra là do việc đấu thầu, mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và bất cập. Cụ thể, theo Bộ Y tế, đây là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị.

Trong các tháng gần đây, hàng loạt các quan chức y tế ở các địa phương và cả ở trung ương đã bị khởi tố, bắt giam vì những sai phạm liên quan đến việc đấu thầu, mua sắm vật tư y tế, thuốc men, đặc biệt là trong đợt dịch COVID-19 trong hai năm 2020 và 2021.

Giám đốc CDC Khánh Hòa bị khởi tố

Sáng 17/6, Công an tỉnh Khánh Hoà đã tống đạt quyết định khởi tố, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Huỳnh Văn Dõng, Giám đốc CDC Khánh Hòa, và ông Trần Quốc Huy, trưởng phòng Tổ chức-Hành chính CDC Khánh Hoà.

Ngoài ra, công an cũng khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc phòng dự án Công ty TNHH Phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam (VNDAT) tại Hà Nội.

Ảnh chụp màn hình VietNamNet.

Nhà chức trách cáo buộc ông Dõng và ông Huy đã thông đồng với bà Thúy thực hiện trái pháp luật 5 gói thầu mua sắm bộ hóa chất xét nghiệm phục vụ xét nghiệm Covid-19 với tổng trị giá 14,215 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước 9,86 tỷ đồng. Ông Dõng cùng một số nhân viên đã nhận hoa hồng, hưởng lợi từ công ty trúng thầu, trong đó có Công ty Việt Á.

Sau 6 tháng nhà chức trách điều tra hàng loạt sai phạm liên quan Công ty Việt Á, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố hơn 60 người. Trong đó có cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng hàng loạt giám đốc CDC, cán bộ Sở Y tế các tỉnh. Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng khởi tố một vụ án khác, bắt hai sĩ quan.