Bà Phan Thị Kim Phúc, người được mệnh danh là “Em bé Napalm” trong bức ảnh chấn động về Chiến tranh Việt Nam, vừa được điều trị da lần cuối cùng tại Mỹ.

Sky News hôm 30/6 đưa tin, bà Kim Phúc, 59 tuổi, vừa trải qua lần điều trị cuối cùng để khắc phục những cơn đau do những vết sẹo trên cơ thể. Tiến sĩ Jill Zwaibel tại Miami (Hoa Kỳ) đã điều trị cho bà miễn phí sau khi biết những gì bà đã trải qua.

Ngày 8/6/1972, khi Kim Phúc mới chỉ 9 tuổi, cô bé đã bị bỏng nặng vì trúng bom napalm từ máy bay Mỹ. Phóng viên Nick Ut của hãng tin Associated Press đã ghi lại khoảnh khắc bé gái chạy trên một con đường với cơ thể cháy xém, không còn manh vải nào trên thân vì sức công phá của quả bom. Cô bé vừa chạy vừa khóc to: “Nóng quá, nóng quá”.

Giới truyền thông đưa tin về "Em bé Napalm" Kim Phúc được điều trị da lần cuối vào tháng 6 năm 2022 (ảnh chụp từ Twitter).
Giới truyền thông đưa tin về “Em bé Napalm” Kim Phúc được điều trị da lần cuối vào tháng 6 năm 2022 (ảnh chụp từ Twitter).

Ngày hôm sau, bức ảnh Em bé Napalm (Napalm Girl) của phóng viên Nick Út được đăng lên trang nhất của The New York Times. Hình ảnh này đã gây chấn động đến công chúng Mỹ và làm gia tăng làn sóng biểu tình yêu cầu chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Phóng viên Nick Út đã được trao giải thưởng Pulitzer danh giá với bức ảnh này.

Kể từ đó, bà Kim Phúc cũng nổi tiếng với biệt danh “Em bé Napalm”.

Chia sẻ của “Em bé Napalm” Phan Thị Kim Phúc

Theo Daily Mail, bà Kim Phúc kể lại rằng khi đó bà đang chơi với những đứa trẻ khác thì những người lính hô chạy đi.

“Tôi nhìn lên thì thấy một chiếc máy bay và bốn quả bom đang rơi xuống”, bà nói.

“Nóng quá! Nóng quá!”, cô bé 9 tuổi hét lên trong khi chạy khỏi ngôi làng đang bốc cháy.

“Tôi vẫn nhớ mình đã nghĩ gì vào khoảnh khắc đó – ‘Trời ơi, mình bị bỏng rồi, mình sẽ xấu đi, mọi người sẽ nhìn mình thế nào đây…”

Bức ảnh Em bé Napalm gây chấn động thế giới khi được công bố năm 1972 (ảnh chụp từ Twitter).
Bức ảnh Em bé Napalm gây chấn động thế giới khi được công bố năm 1972 (ảnh chụp từ Twitter).

Những đau đớn từ vết bỏng tiếp tục hành hạ bà suốt hàng chục năm. Có lúc bà đau đớn đến mức muốn tự tử.

Phóng viên Nick Út – ân nhân của Em bé Napalm

Phóng viên Nick Út đã có mặt tại hiện trường và nhìn thấy những đứa trẻ chạy về phía mình, trong đó có Kim Phúc. Sau khi chụp tấm ảnh lịch sử, ông Nick Út đã đưa Kim Phúc đi cấp cứu. Các bác sĩ ban đầu từ chối điều trị cho Phúc vì nghĩ rằng cô bé chắc chắn sẽ chết.

“Ngay cả bác sĩ cũng nói cô bé sẽ chết, không thể nào cô bé sống sót được”, ông Nick Út nói với CBS.

“Tôi bảo họ ba lần và họ đều nói là không, sau đó tôi cầm thẻ phóng viên của mình và nói: ‘Nếu cô bé chết, bức ảnh mà tôi chụp sẽ được đăng trên trang nhất của mọi tờ báo’. Khi tôi nói thế thì họ e ngại và đưa cô bé nhập viện ngay lập tức.”

Không còn là “Em bé Napalm”

Trải qua nhiều tháng điều trị, Kim Phúc đã phục hồi. Sau này, bà được đi du học ngành y tại Cuba. bà kết hôn với một du học sinh Việt Nam khác là Bùi Huy Toàn vào năm 1992. Sau đó, hai vợ chồng Kim Phúc chuyển đến Canada và định cư tại đây.

Năm 2015, Em bé Napalm năm nào bắt đầu tìm đến bác sĩ Jill Zwaibel ở Miami (Hoa Kỳ) để điều trị cơn đau dữ dội từ những vết sẹo trên thân thể. Sau khi biết chuyện, bác sĩ đã đồng ý phẫu thuật miễn phí cho bà.

Lần điều trị cuối cùng này diễn ra tròn 50 năm kể từ ngày bà bị thương. Ông Nick Út, hiện 71 tuổi, đã đến Miami để thăm bà Kim Phúc và kỷ niệm 50 năm

Chia sẻ trên tờ New York Times, bà Kim Phúc cho biết có những lúc bà ghét người đã chụp hình bà khi đó.

“Tôi lớn lên và ghét bức ảnh đó. Tôi tự nghĩ: ‘Tôi là một cô bé. Tôi khỏa thân. Tại sao ông ấy lại chụp bức ảnh đó? Tại sao bố mẹ tôi không bảo vệ tôi? Tại sao ông ấy lại in bức ảnh đó ra? Tại sao tôi là đứa trẻ duy nhất khỏa thân trong khi những người anh em của tôi trong ảnh thì có mặc quần áo? ” Tôi cảm thấy mình xấu xí và thật xấu hổ.”

Nhiếp ảnh gia Nick Út cầm phiên bản bức ảnh Em bé Napalm gặp Giáo hoàng cùng bà Kim Phúc (ảnh chụp từ Twitter).
Nhiếp ảnh gia Nick Út cầm phiên bản bức ảnh Em bé Napalm gặp Giáo hoàng cùng bà Kim Phúc (ảnh chụp từ Twitter).

Dù vậy, bà Kim Phúc vẫn có được mối quan hệ tốt đẹp với nhiếp ảnh gia Nick Út. Bà gọi ân nhân của mình là “chú Út”. Nhiếp ảnh gia cho biết ông coi bà Kim Phúc như con gái mình.

“Bây giờ sau 50 năm, tôi không còn là nạn nhân của chiến tranh, tôi không phải là Em bé Napalm nữa. Bây giờ tôi là một người bạn, người giúp đỡ, một người bà và là một người sống sót đang kêu gọi vì hòa bình”, bà Kim Phúc chia sẻ.

Từ Khóa: