Ông Hồ Quang Cua – người nghiên cứu, lai tạo ra ST25, gạo ngon nhất thế giới năm 2019 – vừa nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” tại Mỹ. Cùng lúc, ông tiếp tục theo đuổi vụ kiện với nhãn hiệu ST25.

VnExpress dẫn thông tin từ Văn phòng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) cho biết, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồ Quang Trí đã làm đơn xin bảo hộ nhãn hiệu Gạo Ông Cua.

Nhãn hiệu Gạo Ông Cua được nhận diện bởi hình ảnh ông Hồ Quang Cua đeo kính, cười tươi, mắt nhìn về phía bên phải; bên trái là bông lúa và dòng chữ “Gạo Ông Cua”. Trong hồ sơ đăng ký hiển thị trên trang USPTO, không có bất cứ mô tả, cụm từ nào về “ST25”, “Gạo ngon nhất thế giới”.

Gạo ST25 được đóng gói, bán ra thị trường (ảnh chụp màn hình TPO).

Hiện đơn đăng ký nhãn hiệu đã đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu và được USPTO tiếp nhận. Hồ sơ sẽ được chuyển cho bộ phận thẩm định khoảng 3 tháng sau ngày nộp đơn, cơ quan này cho biết.

Ông Hồ Quang Trí, Giám đốc doanh nghiệp Hồ Quang Trí (con trai ông Cua) từ chối bình luận về nhãn hiệu mới này.

Muốn nhượng quyền gạo ST25 cho nhà nước

Nhãn hiệu “Gạo Ông Cua” được “chính chủ” cho ra mắt trên xứ người đúng vào giai đoạn tên tuổi ST25 bị “đánh cắp” tại Mỹ và Úc. Mới đây, công ty I&T Enterprise, Inc đã gửi đơn xin bảo hộ nhãn hiệu ST25; ngoài ra, còn có 4 hồ sơ của 3 doanh nghiệp khác cũng đang đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này tại Mỹ. Ở Australia, gạo ST25 cũng bị một doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Như vậy, hiện tại có 6 hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bảo hộ gạo ST25 tại Mỹ, Australia.

Theo đại diện pháp lý cho công ty Hồ Quang Trí, song song với việc đăng ký nhãn hiệu “Gạo Ông Cua”, họ sẽ tiếp tục theo đuổi các vụ kiện để thương hiệu “gạo ngon nhất thế giới năm 2019” không bị đánh cắp.

Còn ‘tác giả gốc’ của ST25 cho biết, ông sẵn sàng nhượng lại bản quyền ST25 cho nhà nước với giá xứng đáng. Với doanh nghiệp, dù trả giá cao, ông cũng từ chối chuyển nhượng.

“Nhiều công ty đã gặp tôi, đề nghị tôi nhượng quyền kinh doanh giống lúa ST24, ST25 từng phần hoặc toàn phần. Họ đưa ra giá khá hậu hĩnh, nhưng tôi từ chối. Doanh nghiệp lấy lợi nhuận làm đầu, họ có chiến lược kinh doanh riêng, có thể sẽ không vì lợi ích cộng đồng, nhất là hướng về nông dân. Điều này không có gì đau lòng bằng.

Còn khi Nhà nước quản lý giống, mọi việc sẽ thuận lợi. Hiện tôi đã nhượng quyền cho một số tỉnh như ở Long An, Kiên Giang và Sóc Trăng. Sự hợp tác rất thuận lợi, hiệu quả”, ông Cua nói với Tuổi Trẻ.

Cũng theo ông Cua, chi phí chuyển giao là vấn đề rất tế nhị. “Tôi không thể đưa ra con số cụ thể nhưng cũng mong thành quả của mình được trả công xứng đáng. Tôi được biết sắp tới Nhà nước sẽ dành kinh phí khá lớn đầu tư cho lĩnh vực giống cây trồng. Do vậy, chỉ cần trích ra một phần đã dư kinh phí để có bản quyền giống ST25”, ông Cua nói.

Ngày 5/5, Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết ông Cua muốn nhượng lại bản quyền giống ST25 cho nhà nước. Việc này chưa có tiền lệ nên Bộ phải xin phép Chính phủ.

Sau khi mua lại bản quyền giống lúa ST25, Bộ Nông nghiệp sẽ cùng Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ nghiên cứu, đăng ký bản quyền nhãn hiệu gạo ST25 tại một số thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Gạo ST24, ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo. Gạo ST25 đạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi ở Philippines năm 2019 và giải nhì năm 2020 trong cuộc thi ở Mỹ.