Tổ chức Ân xá Quốc tế tố cáo Đảng Cộng sản Trung Quốc thường dùng các thủ đoạn “gắp lửa bỏ tay người” để lấy cớ trả thù những người dám chỉ trích Bắc Kinh.
Một ví dụ gần đây nhất là nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuổi Drew Pavlou, quốc tịch Australia. Anh đang bị bắt giữ tại London (Anh Quốc) vì bị cáo buộc là “gửi email dọa đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc”.
Chàng thanh niên 23 tuổi này cho rằng giới chức Trung Quốc đã bịa tạo ra email đó để lấy cớ yêu cầu cảnh sát bắt giữ anh. Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng lên tiếng ủng hộ nhận định này.
Hôm 27/7, Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đã công bố lá thư yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong tìm cách giải cứu Pavlou.
Tóm tắt nội dung
Tổ chức Ân xá tố cáo Bắc Kinh ‘gắp lửa bỏ tay người’
Lá thư của Tổ chức Ân xá cho biết: “Việc quy kết các cuộc biểu tình ôn hòa thành mối đe dọa an ninh quốc gia, và gửi email giả mạo đều là những chiến thuật phổ biến mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để chống lại người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và người Hồng Kông”.
Luật sư của Pavlou đã trực tiếp cáo buộc chính phủ Trung Quốc bịa đặt lời đe dọa. Họ cho biết có các bằng chứng cho thấy anh là nạn nhân của một vụ dàn dựng do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện.
Pavlou cho biết “email dọa ném bom” rõ ràng là giả mạo. Chúng “do chế độ ở Bắc Kinh hoặc những người ủng hộ chế độ này dựng lên để quấy rối anh vì đã lên tiếng chống lại chế độ diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ”, theo Breitbart.
Pavlou là một cựu sinh viên hoạt động tại Đại học Queensland. Anh đã thành lập một đảng chính trị của riêng mình và tranh cử không thành công vào Thượng viện Australia trong năm nay. Bắc Kinh không thích Pavlou vì anh là một nhà phê bình thẳng thắn về các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các nhóm bị áp bức khác.
Vì sao Drew Pavlou bị bắt giữ?
Pavlou bị bắt giữ tại London khi anh mặc chiếc áo trắng có dòng chữ “Bành Soái ở đâu?” nhân sự kiện giải quần vợt Wimbledon. Bành Soái là một tay vợt nữ nổi tiếng người Trung Quốc từng tố cáo cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ ép cô phải quan hệ tình dục trong nhiều năm. Sau khi tố cáo, Bành Soái biến mất khỏi công chúng một thời gian, rồi lên tiếng “rút lại” những cáo buộc của mình. Vụ việc này khiến công chúng càng thêm lo ngại về khả năng cô bị trừng phạt ở Trung Quốc.
Theo Breitbart, giải quần vợt Wimbledon dường như đã phải chịu áp lực từ chính quyền Trung Quốc. Họ đã cấm đề cập đến Bành Soái trong giải đấu năm nay, bất chấp sự phẫn nộ của nhiều ngôi sao quần vợt và các nhà hoạt động nhân quyền.
Pavlou chia sẻ với The Guardian rằng anh có ý định thực hiện một “cuộc biểu tình nhỏ, ôn hòa về nhân quyền” đối với Đại sứ quán Trung Quốc ở London. Kế hoạch của anh là dán tay vào tường, một xu hướng mới của các nhà hoạt động.
Sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc nói với cảnh sát London rằng họ nhận được một email có nội dung: “Đây là Drew Pavlou. Hôm nay tôi sẽ cho nổ Đại sứ quán (Trung Quốc) vì người Duy Ngô Nhĩ. Trân trọng, Drew. ”
Email bắt nguồn từ một địa chỉ không quen thuộc, Pavlou cho biết anh không kiểm soát được. Luật sư của anh cáo buộc “nhà nước Trung Quốc” gửi thông điệp cho chính họ để gài bẫy Pavlou, một chiến thuật mà ĐCSTQ từng sử dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến trước đây.
Australia cần giải cứu công dân của mình
Lên tiếng về vụ bắt giữ Pavlou, Tổ chức Ân xá bình luận: “Các nhà hoạt động phải trả giá đắt khi lên tiếng chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Quốc”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết họ “lo ngại về sức khỏe của nhà hoạt động 23 tuổi”. Tổ chức này kêu gọi giới chức Australia cần hành động để giải cứu công dân của mình.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Úc cung cấp mọi sự trợ giúp để ông Pavlou trở về Úc an toàn càng nhanh càng tốt và đảm bảo các quyền cơ bản của ông là được bảo vệ, đặc biệt là sau các tuyên bố về cách ông bị đối xử trong thời gian bị bắt và giam giữ.”
Có thể bạn quan tâm: