Thông qua báo giá của một số doanh nghiệp, đại lý kinh doanh VLXD, thép hiện tại có giá trung bình dao động từ 20 đến 20,9 triệu đồng/tấn, tăng từ hơn 2 triệu đồng/tấn so với đầu năm 2022.

Chi phí xây dựng tăng cao do biến động giá vật liệu

Chị Ngọc Nhữ – chủ đại lý thép tại phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) cho biết thông qua báo điện tử VOV, từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng luôn có xu hướng tăng và đại lý đã phải nhiều lần điều chỉnh. “Giá thép bán ra thị trường nay đã chạm mức 21 triệu đồng/tấn, cao 40% so với những tháng cuối năm 2021. Dù dự báo giá thép sẽ tiếp tục tăng, nhưng cửa hàng cũng không thể lấy thêm hàng với số lượng lớn do sắp sang mùa mưa, nhu cầu xây dựng giảm và dự kiến giá thép còn có thể tiếp tục điều chỉnh”.

Giá thép tăng mạnh khiến chủ đầu tư cũng phải điều chỉnh vốn dự toán. Anh Nguyễn Tiên Phong, chủ công trình nhà 5 tầng đang xây dựng tại Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội), kể: “Do công trình vẫn cần thêm khoảng hơn 20 tấn thép để hoàn thiện nên mình vẫn phải mua và với mức tăng giá thép hiện nay, chi phí cho công trình đã tăng thêm 40 triệu đồng”.

Không chỉ giá thép, hầu hết các vật liệu xây dựng khác như cát đá đến gạch ốp lát, cửa… đều tăng. Điều này khiến chủ đầu tư càng gặp khó. Anh Đỗ Huy Trang (ở xã Hồng Phong, huyện Nam Sách) chia sẻ trên báo Hải Dương rằng, anh khởi công xây nhà vào giữa tháng 3; chỉ chưa đầy 2 tuần kể từ khi khởi công đến nay, giá các vật liệu xây dựng liên tục được điều chỉnh khiến anh buộc phải tính toán lại chi phí xây dựng.

Ban đầu, anh dự kiến kinh phí xây căn nhà 2 tầng này là gần 1,3 tỷ đồng. Nhưng với mức giá vật liệu xây dựng ở thời điểm hiện tại, anh Trang tính phải mất thêm gần 200 triệu đồng nữa thì mới hoàn thiện được ngôi nhà theo đúng ý tưởng thiết kế ban đầu.

Giá thép tăng khiến nhiều gia đình tốn thêm chi phí khi xây nhà (ảnh: Báo Bắc Giang).
Giá thép tăng khiến nhiều gia đình tốn thêm chi phí khi xây nhà (ảnh: Báo Bắc Giang).

Liệu giá thép có thể giảm trong thời gian tới?

Nhiều chuyên gia ngành thép cho rằng, giá nguyên liệu sản xuất thép, cùng với căng thẳng địa chính trị giữa Nga-Ukraine chưa thể ổn định ngay nên giá thép sẽ chưa thể trở lại mặt bằng giá thấp hơn.

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép lý giải trên VOV, giá các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế… đều đã tăng mạnh. Cùng với đó nhu cầu xây dựng, các dự án trong nước đã trở lại hoạt động khiến lượng tiêu thụ thép tăng cao. “Ngoài ra, không thể không nói tới yếu tố căng thẳng tại Nga – Ukraine như một tác nhân đẩy giá thép tăng đột biến hơn”, ông Sưa nói.

Chuyên gia dự báo giá thép khó "hạ nhiệt" nhanh chóng (ảnh minh họa).
Chuyên gia dự báo giá thép khó “hạ nhiệt” nhanh chóng (ảnh minh họa).

Với diễn biến hiện tại, vị chuyên gia này dự báo, giá thép trong nước sẽ rất khó “hạ nhiệt” nhanh chóng, ngược lại có thể tiếp tục tăng giá hoặc neo ở mức giá cao trên 20 triệu đồng/tấn thêm một thời gian, đến khi những bất ổn về nguồn cung, chi phí logistics trên thế giới ổn định hơn.

“Thị trường đang ở trong tình trạng gián đoạn nguồn cung và gặp sự tăng giá đột ngột. Nga là thị trường xuất khẩu lớn các mặt hàng như dầu, khí, thép… nhưng thị trường này đang có vấn đề khiến nguồn cung thiếu hụt nên rất khó nói trước về giá các mặt hàng trong tương lai. Tuy nhiên khi tình hình thế giới trở lại ổn định, giá nguyên vật liệu sản xuất giảm thì giá thép trong nước sẽ hạ nhiệt”, ông Sưa nhận định.