Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao do giá một số nguyên liệu nhập khẩu như ngô, lúa mì… tăng vọt. Theo nhiều người nuôi, đây là đợt tăng giá thứ 10 kể từ cuối năm 2020 khiến bà con liên tục thua lỗ nặng.

Nhiều chủ trang trại chăn nuôi chia sẻ việc các doanh nghiệp liên tục điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi, trong khi giá sản phẩm chăn nuôi liên tục ở mức thấp, việc tiêu thụ khó khăn càng đẩy người nuôi vào thế khó.

Các doanh nghiệp đồng loạt tăng giá

Trong tháng 2/2022, một loạt doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi thông báo điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi, như Công ty CP MMS Feed (hệ thống Nhà máy Proconco & Anco), Công ty TNHH De Heus… Theo đó, giá bán thức ăn nuôi lợn và gà thịt tăng thêm 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm và lợn con tăng 240 đồng/kg, các loại khác tăng 200 đồng/kg. 

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc miền Bắc Công ty De Heus, cho biết, giá nguyên liệu nhập về tăng gần 100%. Việc nhập khẩu hiện rất khó khăn nên từ nay đến hết quý II, giá các loại nguyên liệu nhập khẩu sẽ còn tăng cao.

“Cứ đà này bà con sẽ bỏ trống chuồng hết”

Anh Sáng (trú huyện Khoái Châu, Hưng Yên) làm nghề chăn nuôi lợn hàng chục năm. Anh cho biết giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng kể từ sau tết, cụ thể giá cám tăng 25.000-30.000 đồng/bao loại 25kg. Giá cám dành cho lợn nái lên 270.000-290.000 đồng/bao, cho lợn thịt lên 330.000-360.000 đồng/bao, theo Tiền phong.

Theo anh Sáng, bình thường tiền thức ăn nuôi 1 con lợn xuất chuồng là 3-3,3 triệu đồng/ con, tuy nhiên hiện nay phải chi nhiều hơn trước 1,5 triệu đồng/con mà giá bán lại bấp bênh. Như vậy người nuôi rất khó có lãi, thậm chí lỗ. Anh Sáng thống kê giá cám đã tăng khoảng 50% với hơn 10 lần tăng liên tiếp kể từ cuối năm 2020.

Nhiều người nuôi lợn khác đã phải xuất chuồng sớm vì không đủ sức gánh giá cám, thậm chí không dám tiếp tục nuôi.

Trong khi đó, HTX Chăn nuôi Hải Đăng chuyên chăn nuôi giống gà Lạc Thủy cũng cho hay nhiều hộ phải giảm đàn để “cắt” lỗ.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhiều hộ nuôi gà phải giảm đàn (ảnh chụp màn hình Dân việt).

“Giá gà giảm nhưng việc tiêu thụ cũng chậm. Càng để nuôi thêm ngày nào, vật nuôi lại tiêu tốn thêm nhiều cám hơn. Cứ đà này bà con sẽ bỏ trống chuồng hết”- ông Sỹ, Giám đốc Hải Đăng nói, theo Dân Việt.

Hạn chế nguồn cung do căng thẳng Nga-Ukraine

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định từ sau tết, giá nguyên liệu sản xuất thế giới tiếp tục tăng cao, khiến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng từ 3-13%. 

Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi tại các khu vực trồng chính trên thế giới ở Nam Mỹ. Đồng thời, căng thẳng Nga – Ukraine cũng tác động lớn đến giá ngô và lúa mì trên thị trường. Ukraine là nhà xuất khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới, còn Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, theo VnEconomy.

Theo ông Sơn, 85% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Ông cho rằng nếu không tự chủ được nguồn thức ăn, ngành chăn nuôi sẽ luôn bấp bênh, rủi ro.

Từ Khóa: