Trong khi Grab, Gojek lần lượt tăng giá cước thì Be giảm chiết khấu 10% đối với tài xế BeCar, giữ nguyên giá cước nhằm chia sẻ với khách hàng.
Be Group không tăng giá tất cả các dịch vụ
Trước áp lực giá xăng tăng thì Grab, Gojek, đã lần lượt tăng giá cước. Trong khi đó Be lại đi “ngược dòng” so với hai đối thủ cùng lĩnh vực.
Theo Tuổi Trẻ, ngày 16/3, ông Nguyễn Việt Linh – giám đốc truyền thông BeGroup cho biết, đã thông báo đến đối tác tài xế và khách hàng với quyết định mới nhất.
“Chúng tôi quyết định hỗ trợ giảm chiết khấu lên đến 10% cho các tài xế beCar thân thiết tại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai kể từ ngày 17/3 cũng như bổ sung nâng mức các chương trình hỗ trợ thu nhập lên đến 2 triệu đồng/tuần cho các tài xế của Be nói chung”, ông Linh cho hay.
Về phía khách hàng, hãng xe này quyết định không tăng giá tất cả dịch vụ, tức gồm gọi xe 2 bánh, gọi xe 4 bánh, giao hàng, đi chợ hộ… để góp phần chung tay bình ổn giá, hỗ trợ khách hàng.
Theo Be, việc giảm chiết khấu với tài xế và giữ nguyên giá cước là nỗ lực của hãng xe, nhằm san sẻ với đối tác, khách hàng trong bối cảnh chi phí xăng dầu tăng vọt trong thời gian qua.
Giá xăng tăng cao kỷ lục trong những ngày qua cộng với tình hình dịch bệnh khiến cộng đồng tài xế xe công nghệ chật vật, bởi thu nhập của tài xế phụ thuộc vào các chuyến xe. Giá xăng tăng khiến ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của họ.
Grab, Gojek lần lượt tăng giá cước
Theo VietNamPlus, từ ngày 10/3 Grab là bắt đầu áp dụng tăng giá cước ở tất cả dịch vụ gồm gọi xe máy, ôtô, giao thức ăn, giao hàng…
Mới đây nhất là Gojek tăng giá dịch vụ GoRide, GoFood. Còn GoCar và giao hàng GoSend vẫn giữ nguyên.
Cụ thể, từ ngày 14/3 Gojek Việt Nam tăng giá cước dịch vụ GoRide (gọi xe 2 bánh), GoFood (giao thức ăn). Hai dịch vụ khác là GoCar và giao hàng GoSend vẫn giữ nguyên.
Những ứng dụng này cho rằng việc tăng giá cước là giúp đối tác tăng cơ hội thu nhập, đồng thời bù đắp một phần chi phí vận hành do những biến động về giá xăng và giá tiêu dùng trong những tháng qua.