Các chuyên gia cho rằng Hà Nội cần loại bỏ các biện pháp phong tỏa không hiệu quả, như các loại giấy tờ thông hành mới dẫn đến ùn tắc tại các trạm kiểm soát, theo Vnexpress bản tiếng Anh ngày 9/9.

Nghe audio bài: “Hà Nội cần dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa không hiệu quả”

Hiện tại, Hà Nội đã phân chia thành phố thành các khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khác nhau. Các lực lượng chức năng đã quyết định tạo ra một loại giấy thông hành mới sử dụng mã QR do công an cấp.

Theo kế hoạch ban đầu, lực lượng chức năng yêu cầu sử dụng giấy thông hành mới từ thứ Tư (8/9). Tuy nhiên, việc thay đổi giấy tờ liên tục khiến các doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn.

Vì vậy, lực lượng chức năng đã đưa ra quyết định vào phút chót là cho phép sử dụng giấy tờ cũ để đi qua các chốt kiểm soát. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng hôm 7/9 nói rằng Hà Nội hiện chấp nhận cả hai loại giấy thông hành; và cuối cùng sẽ kết hợp chúng thành một loại giấy trong tương lai.

Hà Nội cần các biện pháp mà dân tán đồng, không phải chỉ áp đặt lên người dân

Theo Vnexpress, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, cần có các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn ngừa nhiễm Covid-19; nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh. Ví dụ, các biện pháp cần tập trung vào mục tiêu ngăn chặn hình thành các đám đông lớn.

Việc đổi giấy thông hành mới đây đã không đáp ứng được mục tiêu này, theo ông Dũng. Ông cho rằng các thủ tục trực tuyến có thể giúp ngăn chặn mọi người tập trung tại văn phòng của các cơ quan để lấy giấy tờ mới; nhưng sẽ không giúp giảm ùn tắc giao thông tại các trạm kiểm soát Covid-19.

Ông nói thêm rằng Hà Nội cần có các biện pháp kiểm soát Covid-19 mà người dân có thể hiểu và tán đồng; chứ không phải là các biện pháp hạn chế chỉ áp đặt lên người dân.

Việc lập các chốt kiểm soát gây ùn tắc, làm tăng nguy cơ lây nhiễm

Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Y tế dự phòng, cho biết ông không đồng tình với việc Hà Nội dựng 30 chốt kiểm soát để ngăn chặn việc di chuyển của người dân từ khu vực này sang khu vực khác.

Ông lập luận rằng: Chỉ những người thực hiện nhiệm vụ thiết yếu mới được phép ra ngoài; nên hầu hết những người xuống đường là những người có lý do chính đáng.

Ông Nga nói rằng việc tạo ra các trạm kiểm soát cấm hoàn toàn việc di chuyển sẽ buộc mọi người phải chọn các tuyến đường giống nhau, điều này sẽ gây ra tắc nghẽn.

Thay vì tạo ra các trạm kiểm soát như vậy, ông Nga cho rằng thành phố nên giám sát hành trình của người dân, điểm xuất phát và điểm đến của họ, như vậy sẽ đảm bảo được giãn cách xã hội.

Báo Dân Trí hôm 7/9 phản ánh tình trạng ùn tắc tại các chốt kiểm soát ở Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, nhận định: “Việc ùn tắc tại các chốt kiểm soát khiến người tham gia giao thông không thực hiện được giãn cách và làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh”.

Cần giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng không tán đồng các trạm kiểm soát nêu trên.

Ông cho rằng các trạm kiểm soát đó sẽ gây tốn kém và mất thời gian cho người dân vì họ sẽ phải dành nhiều giờ hơn trên đường. Sau hai năm, đại dịch Covid-19 đã đủ gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, theo ông Dũng.

Ông nói rằng chính quyền cần giảm thiểu chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Các biện pháp hạn chế thiếu linh hoạt sẽ không chỉ không hiệu quả trong việc chống lại virus mà còn gây tổn hại cho nền kinh tế.

Từ Khóa: