Ngày đầu thu phí cảng biển hơn 8 tỷ đồng; Hàng chục ngàn hộ dân ở Hà Tĩnh ‘khát nước’ sạch; Kẻ xấu vứt xác chó xuống giếng nước, cưa hàng loạt gốc bưởi… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 3/4/2022.

Hỏa hoạn thiêu rụi xưởng vải 500 m2 ở TP. HCM

Khoảng 6h ngày 3/4, lửa bùng lên tại nhà xưởng chứa vải trên đường Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn.

Người dân địa phương dùng vật dụng chữa cháy tại chỗ dập lửa nhưng bất thành. Đám cháy bùng lên dữ dội, bao trùm toàn bộ nhà xưởng rộng hơn 500 m2.

Đến hơn 11h, đám cháy được khống chế nhưng trong xưởng vải, khói còn bốc lên nghi ngút. Toàn bộ mái che nhà xưởng đổ sập, nhiều tài sản bị thiêu rụi. Một số nhà dân bên cạnh bị cháy sém (đọc toàn bản tin trên báo Zing).

Ngày đầu thu phí cảng biển hơn 8 tỷ đồng

Sở Giao thông vận tải TP. HCM vừa báo cáo kết quả sau hai ngày vận hành thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn.

Theo đó, ngày 1/4 có 6.139 tờ khai với số tiền 8,25 tỷ đồng. Ngày 2/4 (tính đến 17h) có 4.138 tờ khai với số tiền gần 4,7 tỷ đồng. Dự kiến năm 2022, thành phố thu 3.036 tỷ đồng, bình quân 8,32 tỷ đồng một ngày. Như vậy, số tiền phí ngày đầu tiên gần bằng bình quân số thu mỗi ngày dự kiến trong đề án thu phí (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).

Nông dân quặn lòng nhổ khoai lang non, bất lực nhìn nước ngập hết lúa, ‘lùa’ mất cá

Sáng 3/4, mưa nhỏ, nước lũ rút dần, bà con trên địa bàn xã Hồng thủy hối hả ra ruộng dùng tay nhổ từng luống khoai lang đang ngập trong nước lên thu hoạch củ khoai non, vớt vát lại vụ mùa.

Trò chuyện với báo Dân Việt, bà Nguyễn Thị Nhuận (50 tuổi, ở xã Hồng Thủy, tỉnh Quảng Bình) buồn bã nói: “Hôm qua mưa lớn, nước lũ lên nhanh nhấn chìm ruộng khoai lang của tôi. Sáng nay bước ra đồng, nhìn từng luống khoai ngập trong nước tôi đau xót lắm. Khoai lang còn non nhưng ngập úng sẽ hỏng hết nên tôi đành huy động chị em trong gia đình ra ruộng cào củ khoai lang non lên, vớt vát vụ mùa”.

khoai lang
Ảnh chụp màn hình trên báo Dân Việt.

Cạnh đó, anh Nguyễn Văn Hướng (27 tuổi, con trai bà Nhuận) đang cặm cụi nhổ từng luống khoai lang lên, vừa nhổ khoai vừa nói: “Nhà em làm 8 sào khoai lang mà mưa lớn khiến khoai ngập hết, giờ phải thu hoạch khoai lang non mang về nhà”.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hùng (49 tuổi, ở xã Hồng Thủy) bày tỏ: “Mất trắng rồi, lúa đang quá trình trổ bông hiện đang chìm sâu trong nước, cá trong ruộng cũng đi theo dòng nước. Người nông dân chân lấm tay bùn, chỉ trông chờ vào sào ruộng mà giờ nước ngập thế này là mất hết”… (đọc toàn bản tin trên báo Dân Việt).

Kẻ xấu vứt xác chó xuống giếng nước, cưa hàng loạt gốc bưởi ở Hà Tĩnh

Theo phản ánh của ông Phạm Dương Thiên (sinh năm 1964, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê), ngày 1/4, ông ra vườn bưởi Phúc Trạch của gia đình ở thôn Tân Thành, hoảng hốt phát hiện hàng loạt gốc bưởi của gia đình bị kẻ xấu cưa quanh gốc, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Qua kiểm tra, có 7 cây bưởi trồng được 7-8 năm đã cho thu hoạch bị kẻ gian cưa xung quanh gốc. Tất cả các cây trên không cưa đổ hẳn mà bị xoáy vòng tròn xung quanh thân.

Cũng theo ông Thiên, trước đó gia đình ông cũng hoảng hốt phát hiện kẻ xấu đã vứt xác chó, gà xuống giếng nước sinh hoạt… (đọc toàn bản tin trên báo VietNamNet).

Hàng chục ngàn hộ dân ở Hà Tĩnh ‘khát nước’ sạch

Hàng chục năm qua, người dân huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phải sử dụng nguồn nước giếng khoan bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng hoặc trông chờ từ nguồn nước mưa để sinh hoạt. Theo thống kê, toàn huyện Kỳ Anh có 36.000 hộ dân nhưng chỉ mới có 2.000 hộ dân thuộc địa bàn xã Kỳ Châu, Kỳ Hoa được sử dụng nước sạch từ nhà máy nước sạch ở thị xã Kỳ Anh cung cấp. Hơn 94% số hộ còn lại hiện đang sử dụng nước giếng khoan, nước mà chưa qua xử lý.

Là trung tâm hành chính của huyện Kỳ Anh nhưng đến nay người dân xã Kỳ Đồng vẫn chưa có nước sạch để sử dụng, họ phải sử dụng nước bị nhiễm phèn để sinh hoạt, ăn uống. Tại các khu vực giếng khoan, khi bơm lên nước có màu vàng, mùi tanh. Dù đã sử dụng bể lọc, nhưng quần áo, vật dụng trong nhà vẫn bị “nhuộm vàng”.

nước dùng
Ảnh chụp màn hình trên báo Tiền Phong.

Ông Nguyễn Văn Dũng (trú xã Kỳ Đồng) cho biết, nguồn nước tại địa phương bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng. Có những thời điểm mùa hè đến, vì hết nước nên thuê thợ về khoan, nhưng xuống sâu thì bị nhiễm mặn mà khoan cạn thì bị nhiễm phèn. Vì để cải thiện nguồn nước, gia đình đã sử dụng bể lọc, nhưng vẫn không đảm bảo, cứ vài tháng lại phải thay màng lọc mới.

Không chỉ riêng tại xã Kỳ Đồng mà người dân ở xã Kỳ Khang, Kỳ Lạc, Kỳ Thượng, Kỳ Tân, Kỳ Thọ… cũng đang trong tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng. Một số hộ gia đình ở vùng núi đã bỏ tiền, hoặc chung kinh phí để lắp đường ống nhỏ dẫn nước từ khe, suối về để sử dụng.

“Chúng tôi dùng nước nhiễm phèn, mặn nên hầu hết các thiết bị vệ sinh, bình nước nóng, máy giặt đều bị hư hỏng. Bây giờ mỗi hộ gia đình đều phải xây cho nhà mình bể chứa nước mưa để làm nguồn nước dữ trữ dùng cho sinh hoạt hàng ngày”, ông Danh nói (đọc toàn bản tin trên báo Tiền Phong).