Giá phân bón tăng lên mức cao nhất trong 50 năm qua, vượt mốc 16-18 triệu đồng/tấn khiến hàng chục triệu nông dân Việt rất khó khăn.

Giá phân bón trong nước vừa trải qua đợt tăng thứ 4 liên tiếp. Tại Tây Nam bộ, các loại phân bón đều có mức tăng từ 1.000 tới gần 2.000 đồng/kg. Theo Cục Bảo vệ thực vật, giá phân bón đã chạm ngưỡng tăng cao nhất trong 50 năm qua, hiện ở mức hơn 16-18 triệu đồng/tấn tùy loại. Tình hình được dự báo xấu hơn khi tới đây giá phân DAP và kali có thể tiếp tục tăng cao.

Giá phân bón chiếm từ 40-50% chi phí sản xuất nông nghiệp; do vậy, hàng triệu nông dân đối mặt nguy cơ thua lỗ. Một ví dụ, khi giá phân đạm ở ngưỡng 7.000/kg, người làm ruộng đã rất khó khăn, phải rất chắt chiu mới có thể “lấy công làm lãi”. Tuy nhiên, hiện mặt hàng này đã chạm mức 20.000 đồng/kg.

Giá phân bón tăng cao khiến nông dân điêu đứng (ảnh minh họa; nguồn: Cổng TT Hội Nông dân Nghệ An).

Trong bế tắc, nhiều hộ nông dân đang cùng suy nghĩ như bà Nguyễn Thị Tâm – một nông dân ở Thanh Oai, Hà Nội. Theo lời bà Tâm kể trên tờ Vietnamplus, gia đình bà cấy hơn 1 mẫu ruộng. Mỗi năm chi phí phân bón cho mỗi vụ khoảng 1,4 triệu đồng, nhưng hiện phải tốn khoảng 2,5 triệu đồng/vụ.

“Làm nông nghiệp vất vả, thu nhập thấp, mà các chi phí xăng dầu, phân bón, thuê lao động liên tục tăng cao như hiện nay, người dân không có lãi. Với tình trạng này, việc bỏ ruộng đã được nhiều hộ trong làng tính đến để chuyển sang làm việc khác,” bà Tâm kể.

Quản lý nhà nước làm gì?

Một lý do khách quan khiến giá phân bón tăng hay được viện đến là chiến sự Nga – Ukraine bùng nổ, khiến nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này khiến phân bón trên thị trường toàn cầu trở nên khan hiếm. Tác động hai mặt của nó khiến lượng nhập khẩu phân bón của Việt Nam giảm, nhưng lại tăng về giá; ngược lại, lĩnh vực xuất khẩu phân bón Việt Nam nhưng vẫn lãi lớn.

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2022, phân bón là mặt hàng tăng trưởng mạnh. Trong 4 tháng, xuất khẩu phân bón tăng 47% về lượng nhưng tới 193% về giá trị, tương đương gần 440 triệu USD. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 667.000 tấn phân bón các loại, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm trước đó. Điều đó có nghĩa gần hai năm qua, dưới sự điều tiết của Bộ Công Thương, xuất khẩu phân bón đạt những con số “ấn tượng”; trong khi cùng thời điểm, giá mặt hàng này trong nước liên tục tác động xấu tới nông dân.

Khi đó, ở 6 tháng nửa đầu năm 2021, khi giá phân bón trong nước đã cao hơn tới 50 – 60% so với tháng đầu năm; nhiều doanh nghiệp đã đề xuất cần tạm ngưng xuất khẩu phân bón để cứu thị trường trong nước. Tuy nhiên, đại diện Bộ NN&PTNT trấn an: “Không có chuyện khan hiếm phân bón làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới”.

Giá phân bón Trung Quốc tăng mạnh từ đầu năm 2022 (ảnh minh họa; nguồn hacheco.vn).

Còn đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) khi đó nói với báo giới rằng, chưa đủ cơ sở để ngừng xuất khẩu phân bón. Đại diện Bộ Công Thương viện dẫn Luật quản lý ngoại thương 2017 quy định rằng có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu đối với hàng hóa nhưng phải trong trường hợp mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán hoặc các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật.  Trong khi Bộ CT cho rằng, lượng phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Nhưng giá thị trường tiếp tục xấu đi. Trong một phản ứng mới đây, Bộ NN&PTNT đề nghị áp thuế mặt hàng phân bón để giá mặt hàng này giảm nhiệt. Hiện phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng. Theo phân tích của Tuổi Trẻ, khi nằm trong nhóm không phải chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, doanh nghiệp phải tính vào chi phí, khiến giá thành tăng. Khi giá thành tăng cao, doanh nghiệp khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, trong khi đó người nông dân sẽ phải mua hàng với giá cao.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, lượng phân bón Việt Nam sử dụng cho nông nghiệp là 10,7 triệu tấn; trong đó, sản xuất trong nước 7,2 triệu tấn, nhập khẩu 5,1 triệu tấn, xuất khẩu 1,6 triệu tấn. Ước tính phân bón sử dụng năm 2022 không có biến động lớn so với năm 2021.