Ảnh hưởng của đại dịch khiến hàng ngàn trường mầm non tư thục phải giải tán…; cùng với đó số lượng giáo viên mầm non phải bỏ việc nhiều không thống kê được.
Trên Tuổi Trẻ, thông tin từ bà Ngô Thị Minh – thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, có ít nhất 500 trường mầm non tư thục phải giải thể do tác động của Covid-19, tính đến cuối tháng 2/2022. Tuy nhiên nếu tính cả các nhóm, lớp mầm non tư thục nhỏ bị tan rã trong dịch thì con số này phải lên đến hàng ngàn.
Trường lớp không được mở, kinh phí thuê mặt bằng và các chi phí để duy trì trường lớp đè nặng lên các chủ đầu tư khiến rất nhiều trong số họ không thể trụ vững. Một quản lý hệ thống trường mầm non Happy Time ở Hà Nội cho biết: “Trừ các cơ sở mầm non do những tập đoàn lớn đầu tư, những cơ sở có vốn đầu tư vừa và nhỏ trên dưới 10 tỷ đồng và dưới 100 nhân sự thì khó có thể duy trì qua đại dịch”. Vẫn theo vị này, những nơi hiện vẫn cố bám trụ cũng không biết thời điểm nào thì sụp đổ.
Cô Hồng, hiệu trưởng một cơ sở mầm non ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, có hai cơ sở mầm non, mỗi cơ sở ban đầu đầu tư khoảng 1 tỷ đồng nhưng sau 10 tháng phải đóng cửa liên tục, cô Hồng và gia đình phải giải thể 1 cơ sở. Bởi lẽ, mức chi phí đã trở thành gánh nặng quá sức đối với gia đình nữ hiệu trưởng này.
Đơn cử, tiền thuê mặt bằng là 30 triệu/tháng, dù chủ cho thuê giảm 50%, nhưng để duy trì đến đầu năm 2022 cũng rất khó khăn. Dù vẫn được giảm, hiện cô Hồng vẫn phải trả 70% chi phí thuê nhà.
Để duy trì cơ sở còn lại, cô đã phải thế chấp nhà để vay vốn ngân hàng trả tiền mặt bằng với hi vọng thời gian tới trường sẽ được mở cửa.
Chủ một hệ thống mầm non khác ở Hà Nội cho biết, ngoài việc trả tiền thuê mặt bằng hơn 20 triệu đồng/tháng thì cơ sở cũng không có đủ khả năng trả tiền lương cho các giáo viên, nên hiện tại chỉ còn 2 giáo viên bám trụ. Các đồ dùng bàn ghế sau 1 năm đã hư hỏng rất nhiều. Nếu trường được hoạt động trở lại thì chi phí sửa chữa, mua mới cũng rất cao.
Tâm huyết với ngành giáo dục mầm non, vậy nên chủ những cơ sở này càng buồn lòng hơn khi hàng ngày nhận được tin nhắn từ các chủ trường mần non khác hỏi có mua lại thiết bị dậy học, đồ chơi, nhận chuyển nhượng địa điểm đã thuê hay không?
Điều đáng lo ngại là những cơ sở đang muốn gấp rút bán trang thiết bị đồ dùng để giải thể lại là những cơ sở có quy mô vừa và nhỏ, đáp ứng nhu cầu gửi con của nhóm phụ huynh bình dân, người lao động nghèo, hay công nhân…
Thực trạng hàng loạt trường mần non giải thể không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà hiện diễn ra phổ biến ở TP. HCM, dù đô thị lớn nhất nước đã cho mở cửa trường mầm non từ tháng 2/2022.
Một trong những nguyên nhân là trải qua các đợt dịch, số học sinh hao hụt nhiều. Một phần trẻ theo gia đình đi lánh nạn ở các địa phương khác; phần khác gia đình bố mẹ thất nghiệp, không còn thu nhập nên để con ở nhà tự trông. Nhiều trường chỉ tuyển sinh được 50% số lượng học sinh so với trước đây. Tỉ lệ này khiến các cơ sở rất khó trụ lại để hoạt động.
Nhiều giáo viên chuyển nghề
Nếu hàng ngàn trường học giải tán, thì sẽ có hàng chục ngàn giáo viên mầm non bị thất nghiệp. Đại đa số những giáo viên này dù yêu nghề nhưng phải bươn trải làm nhiều công việc thời vụ, thậm chí làm “vất vưởng” để duy trì cuộc sống”.
Cô giáo Trịnh Thị Hiền- giáo viên nhóm trẻ tư thục ở KCN Bắc Thăng Long nói trên báo Phụ nữ thủ đô, nếu chuyển sang làm việc ngắn ngày để đợi quay lại trường thì chẳng có ai nhận; vì vậy nhiều cô giáo đã chuyển hẳn sang làm công nhân lâu dài trong KCN, chấp nhận mất nghề. Một số khác như trường hợp của cô giáo Lê Thị Dung đang làm công nhân gấp hộp giấy, thu nhập mỗi tháng 6 triệu đồng để cùng chồng nuôi con nhỏ và bố mẹ già.
Cô Lê Kim Chính – Hiệu trưởng một trường mầm non ở phường Đức Giang quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, trường cô có 14 giáo viên, giờ tan tác hết. “Có giáo viên đi làm ở quá cắt tóc gội đâu. Có cô quyết định không làm nghề mầm non nữa”, cô Chính buồn bã nói.
Tới đây khi xu hướng “bình thường mới” áp dụng cho các trường mầm non ở Hà Nội thì bài toán đặt ra sẽ rất nan giải: Liệu các chủ đầu tư còn đủ sức để tái mở cửa cơ sở hay không; huy động nguồn giáo viên như thế nào? Và quan trọng hơn nữa là liệu các trường mầm non có phải tiếp tục bị đóng cửa khi chịu tác động từ bệnh dịch hoặc các chính sách xã hội vốn không nhất quán .