Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chiêu mời các đối thủ hùng mạnh ở châu Âu khi thực hiện cuộc chiến xâm lược Ukraine và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ông Putin ám chỉ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine; đồng thời đe dọa các quốc gia khác chống lại kế hoạch này. Động thái này đã khiến Mỹ, Đức và các nước EU trỗi dậy, theo nhận định của biên tập viên quốc tế Peter Hartcher của tờ báo Úc Sydney Morning Herald (SMH).

Tổng thống Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân cho cuộc xâm lược Ukraine

Ông Hartcher cho rằng Tổng thống Vladimir Putin dường như có xác nhận rằng ông ta là một “kẻ sát nhân hàng loạt tâm thần”. Tuần này, ông Putin nhanh chóng áp dụng biện pháp cảnh báo hạt nhân cao độ. Điều này cho thấy ông Putin đang bị áp lực và thất vọng với diễn biến của cuộc xâm lược.

Ông Putin đã khoa trương sức mạnh hạt nhân của Nga thông qua các cuộc tập trận quân sự định kỳ, từ đó chứng tỏ năng lực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hạt nhân Nga.

Trước khi tấn công Ukraine, ông Putin đã ám chỉ việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia tìm cách can thiệp vào kế hoạch xâm lược của Nga. Ông Putin cũng đe dọa các nước cản trở sẽ phải gánh chịu “hậu quả chưa từng có trong lịch sử”, ông Hartcher cho hay.

Ngày 28/2, Thủ tướng Nga đã phát đi một mối đe dọa hạt nhân rõ ràng hơn, đưa hạt nhân vào một “chế độ nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt”.

Tuy nhiên, kế hoạch đánh chiếm thủ đô Kiev trong 2 ngày của ông Putin đã thất bại. Người Ukraine đang cho thế giới biết họ là anh hùng; trong khi đó lực lượng của Nga dường như được chuẩn bị và chỉ huy kém, theo ông Hartcher.

Putin chiêu mời các đối thủ hùng mạnh: Đức và EU

Sau tuyên bố đe dọa hạt nhân của Tổng thống Putin, Đức gần như ngay lập tức chấm dứt chính sách xoa dịu đối với Nga vốn đã kéo dài hàng thập niên. Đó là một sự biến đổi gần như kỳ diệu, xảy ra ở Berlin chỉ trong vài ngày.

Tuần trước Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đồng ý với Hoa Kỳ về việc ngừng vận hành đường ống dẫn khí Nord Stream 2 để trừng phạt Nga.

Từ trước đến nay, Berlin cấm các nước cung cấp vũ khí do Đức sản xuất cho các nước thứ ba. Tuy nhiên, ông Scholz đề xuất bãi bỏ lệnh cấm này, để cho phép các quốc gia có thể cung cấp vũ khí của Đức cho Ukraine.

Ngoài ra, Đức sẽ cung cấp 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger cho Ukraine.

Ngày 27/2, Thủ tướng Scholz đã phản ứng rõ ràng trước hành động của Putin. Ông tuyên bố Đức tăng ngân sách cho quốc phòng từ khoảng 1% GDP lên hơn 2%. Quyết định của ông Scholz nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ Quốc hội Đức.

Ông Hartcher nhận định, Đức đã kết thúc chủ nghĩa hòa bình thời hậu Thế chiến II và sức ỳ thời hậu Chiến tranh Lạnh. Nền kinh tế của Đức lớn gấp đôi Nga, các nền kinh tế kết hợp của EU lớn gấp 10 lần Nga.

Ông Hartcher bình luận: “Hành động côn đồ bạo lực của ông Putin đã mang lại cho Đức và EU quyết tâm mới. Putin có thể giành được Ukraine, nhưng ông ấy chắc chắn đã ‘đánh thức’ một đối thủ hùng mạnh”.

Mỹ ‘giáng đòn mạnh’ vào Nga

Mỹ cũng phản ứng mạnh mẽ đối với hành động của Tổng thống Putin. Hoa Kỳ đề xuất đóng cửa một số ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Điều này sẽ khiến Nga khó thanh toán hàng xuất nhập khẩu.

Các ngân hàng chủ chốt của Nga, gồm một số ngân hàng được ông Putin và những người thân cận sử dụng hiện đã ngừng hoạt động SWIFT và không thể dễ dàng giao dịch với 11.000 tổ chức tài chính lớn trên thế giới, ông Hartcher cho biết.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, cho biết điều này sẽ làm tổn hại đến khả năng “tài trợ cho cỗ máy chiến tranh” của ông Putin.

Ông David Asher, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ có kinh nghiệm về các lệnh trừng phạt tài chính của Washington, nói: “Putin là một kẻ lừa đảo đã tuồn 20 tỷ USD mỗi năm ra khỏi nền kinh tế Nga trong 25 năm”.

Ông Asher cho hay, Mỹ có thể áp dụng “mô hình Iran” để trừng phạt Nga. Đó là cô lập ngân hàng trung ương quốc gia, để nó không thể hỗ trợ nền kinh tế, từ đó đất nước sẽ sụp đổ. Biện pháp này giống như một hành động chiến tranh kinh tế. Nó có thể dẫn đến sự leo thang triệt để của ông Putin.

Cơ quan xếp hạng S&P Global đã hạ cấp nợ chính phủ của Nga xuống trạng thái ‘rác’.
Ngày 1/3, đồng rúp (Nga) đã giảm mạnh 40- 50% trong vòng chưa đầy một tuần. Người tiêu dùng phải trả giá cao hơn và lạm phát cao hơn, lãi suất cao hơn.

Từ Khóa: