Hành khách trên chuyến bay VN5311 không hề hay biết về việc máy bay bị dọa bắn trên bầu trời Nhật Bản.

Trên máy bay có 47 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn (12 tiếp viên và 3 phi công; trong đó có 2 cơ trưởng).

Chuyến bay đã an toàn trở về Hà Nội vào tối 5/1. Khi xuống đến sân bay Nội Bài, các hành khách mới biết máy bay đã bị dọa bắn hạ. Trước đó, hành khách chỉ được thông báo rằng máy bay gặp sự cố kỹ thuật, phải quay đầu trở lại Nhật Bản.

Cụ thể, máy bay cất cánh lúc 10h30 giờ địa phương tại sân bay Narita. Khi máy bay khởi hành khoảng 40 phút, thì Vietnam Airlines tại Nhật Bản đã nhận được một cuộc điện thoại hăm dọa.

Người gọi điện là nam, nói tiếng Nhật, tự xưng là người Mỹ. Người này nói: “Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua Vịnh Tokyo”.

Nhân viên nhận điện thoại hỏi: “Ông có thể nói lại điều ông vừa nói được không”.

Người đàn ông trả lời: “Tôi đang chuẩn bị bắn VN5311 khi bay qua Vịnh Tokyo, tốt nhất nên quay lại”.

Vietnam Airlines đã tổ chức họp khẩn cấp. Với sự chấp thuận của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo Vietnam Airlines xin phép giới chức Nhật Bản cho máy bay hạ cánh xuống sân bay Fukuoka, Nhật Bản.

Theo Vnexpress, một trong 47 hành khách trên chuyến bay VN5311, chị Trần Thị Ngọc, ở huyện Mê Linh, Hà Nội, cho biết chị bất ngờ thấy máy bay quay ngược trở lại Nhật Bản. Cơ trưởng thông báo máy bay bị sự cố kỹ thuật.

Chị Ngọc nói: “Lúc đó máy bay đã đi được 40% chặng đường nên quay lại Nhật khiến tôi và mọi người có chút lo lắng, không hiểu lý do kỹ thuật gì mà phải dừng tại sân bay Fukuoka”.

Máy bay phải dừng ở Fukuoka sau khi có cuộc điện thoại hăm dọa (ảnh: Vnexpress).
Máy bay phải dừng ở Fukuoka sau khi có cuộc điện thoại hăm dọa (ảnh: Vnexpress).

Khi máy bay dừng ở Fukuoka vào khoảng 13 giờ, kỹ thuật viên đến kiểm tra và bơm dầu. Hành khách được đưa sang 2 xe buýt để chờ đợi. Gần một tiếng sau, hành khách được quay trở lại máy bay.

Chị Ngọc kể rằng mình nhìn “thấy một vài tiếp viên có hành động vội vã, song tôi không nghĩ đến tình huống bị khủng bố”.

Các tiếp viên đến từng chỗ hành khách để động viên về sự cố kỹ thuật, vì vậy chị Ngọc cảm thấy yên tâm. Khi đến Nội Bài, ngồi đợi test nhanh Covid-19, chị Ngọc mới biết rằng chuyến bay mình vừa đi đã bị đe dọa khủng bố.

Chị Ngọc chia sẻ: “Lúc đó chúng tôi đã an toàn nên cảm thấy may mắn, chỉ bị chậm vài giờ. Chúng tôi động viên nhau vì đã được về quê hương sau hơn một năm chờ đợi chuyến bay thương mại”.

Anh Phạm Thanh Hải, ở thành phố Thái Nguyên, cho biết, tới sân bay Nội Bài, anh mới giật mình biết tin máy bay đã bị đe dọa bắn hạ.

Anh Hải cho rằng: “Có thể phi công, tiếp viên biết vụ đe dọa bắn song họ làm như vậy để chuyến bay an toàn. Nếu hành khách hoảng loạn, có thể làm gì không hay thì sẽ khó giải quyết”.

Anh Minh Trung chia sẻ với Vnexpress: “Tôi tin có kẻ tung tin giả mạo vì an ninh hàng không ở Nhật Bản rất nghiêm, không dễ xảy ra khủng bố”.

Nhiều cư dân mạng bày tỏ niềm vui vì toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã hạ cánh an toàn. “Không hiểu thông tin thật hay giả nhưng chuyến bay đã hạ cánh và mọi thành viên đều an toàn. Chúc mừng phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay !”, một độc giả tên Luc Nguyen viết.

Từ Khóa: