Vào lúc 4h30 chiều ngày 6/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với bà Pelosi và những người thân của bà. Trả lời báo giới, bà Pelosi tỏ ra “không quan tâm”, bởi vì nó “chẳng liên quan gì” đến bà. Nhưng thực chất có phải như vậy không?

Bà Pelosi cười nhạo lệnh trừng phạt của Trung Quốc

Theo ndtv.com, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 10/8 đã bật cười khi được hỏi về lệnh trừng phạt của Trung Quốc nhắm vào bà và gia đình, sau chuyến thăm đảo Đài Loan. 

“Ai quan tâm chứ? Với tôi, đó là chuyện không quan trọng lắm, chẳng liên quan gì cả”, bà Nancy Pelosi đã nói khi được hỏi về tuyên bố trừng phạt của Trung Quốc.

Hôm 10/8, bà Pelosi nói “không quan tâm’ đến lệnh trừng phạt của Trung Quốc nhằm vào bà cùng gia đình (ảnh: Chụp màn hình ndtv).

Mặc dù ĐCSTQ không nói rõ các biện pháp trừng phạt gia đình bà Pelosi như thế nào, nhưng cho biết đang tiến hành các cuộc điều tra tương ứng. 

Có thể nhiều người cho rằng, Trung Quốc trừng phạt bà Pelosi chỉ là trò trả thù vô thưởng vô phạt. Bởi nữ Chủ tịch Hạ viện quyền lực này không có tài sản ở Trung Quốc, và cũng không chọn Trung Quốc là điểm đến du lịch, khi lệnh trừng phạt cũng có thể nghiêm cấm bà đến Trung Quốc du lịch sau khi nghỉ hưu.  

Liệu các biện pháp trừng phạt của ĐCSTQ chống lại một công dân có quyền lực lớn nhất-nhì-ba tại Mỹ có hiệu quả không?

Câu trả lời là: Tất nhiên sẽ rất hiệu quả. Vì sao?

Bởi các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc không chỉ nhằm vào bà Pelosi, mà còn trừng phạt các thành viên trong gia đình của bà ấy. Chồng của bà Pelosi là Paul Pelosi, được cho là ‘ông trùm’ kinh doanh chứng khoán, đã đầu tư rất nhiều vào các công ty Trung Quốc và kiếm lời ‘khủng’ từ quốc gia độc tài này. 

Bà Pelosi có 5 người con, 4 gái và 1 trai. Trong số đó, người con trai của bà là Paul Pelosi Jr. cũng góp mặt trong các thương vụ kinh doanh béo bở tại Trung Quốc, nhờ “danh tiếng” của người mẹ quyền lực. 

3 danh mục lớn trừng phạt gia đình bà Pelosi

Lệnh trừng phạt của ĐCSTQ có tác động lớn hơn đến chính bà Pelosi và gia đình bà, và nhiều khả năng sẽ nhắm vào 3 mục chính sau đây: 

  1. Nhắm vào tài sản gia đình bà Pelosi, bao gồm cả các doanh nghiệp do gia đình bà Pelosi kiểm soát.

Một nửa số quỹ của chồng bà Pelosi đang được đầu tư vào các công ty lớn Trung Quốc. Trong số đó, “Quỹ cổ tức Trung Quốc” chủ yếu đầu tư vào Tập đoàn Tencent, Ngân hàng Bưu điện Trung Quốc, CITIC Telecom International, và BOC Hong Kong. 

  1. Nhắm vào một số nhóm lợi ích chính trị của bà Pelosi, bao gồm các quỹ, các hiệp hội, tổ chức có liên quan ở Mỹ. Được biết, ngày 25/1/2022, ở tuổi 81 bà Nancy Pelosi thông báo sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ 19, nhưng không cho biết liệu bà có tìm cách tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo đảng Dân chủ hay không. Cần lưu ý là mỗi cuộc bầu cử tại Mỹ đều có một số lượng lớn liên minh ủng hộ bà Pelosi, và các liên đoàn, công ty này sẽ nằm trong danh sách trừng phạt gián tiếp của Trung Quốc.
  2. Nhắm vào các tập đoàn công nghiệp, thương mại có liên quan tới Đài Loan được bà Pelosi hậu thuẫn.

Trung Quốc đã bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Đài Loan ngay sau chuyến thăm của bà Pelosi. Ngay cả Ngoại trưởng Đài Loan – ông Wu Zhaoxie – người đã ra chào đón bà Pelosi tại sân bay Tùng Sơn (Đài Bắc) tối 2/8 cũng nằm trong danh sách những nhân vật bị Trung Quốc nhắm đến. 

Các công ty Đài Loan có liên quan tới ngoại trưởng Wu Zhaoxie cũng được cho là sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Đài Loan ông Wu Zhaoxie cũng bị Trung Quốc trừng phạt, các công ty Đài Loan liên quan tới ông Wu cũng bị liên đới (ảnh: Chụp màn hình).

Điển hình là Chủ tịch, Giám đốc điều hành Pegatron Corp (Đài Loan) – ông Liao Syh-jang đã gặp bà Nancy Pelosi tại Đài Bắc trong chuyến thăm của bà tới Đài Loan. Các lô hàng của nhà cung cấp lắp ráp cho iPhone này đã bị các quan chức hải quan Trung Quốc sách nhiễu, thu giữ để giám sát ít ngày.

Giờ chúng ta sẽ đi sâu phân tích các khía cạnh trên.

Các tập đoàn lớn của Mỹ sẽ bị liên đới vì cái tên Pelosi

Rõ ràng ĐCSTQ  đang nắm đằng chuôi khi biết rõ “hồ sơ” kinh doanh của gia đình bà Pelosi, và thậm chí có thể cắt đứt nguồn tài chính nuôi dưỡng ‘sinh mệnh’ chính trị của gia tộc Pelosi.

Bà Pelosi lớn lên trong một gia đình chính trị và là con gái út, duy nhất trong gia đình có 7 người con, trong đó có 6 người anh trai. Cha của bà Pelosi là ông Thomas D’Alesandro Jr, là chính trị gia nổi tiếng ở bang Maryland trong thập kỷ 1940, 1950. 

Ông đã phục vụ 5 nhiệm kỳ trong Quốc hội và và từng là thị trưởng Baltimore trong suốt 12 năm (1947-1959). Anh trai bà là Thomas D’Alesandro III, cũng từng là thị trưởng Baltimore từ năm 1967 đến năm 1971.

Ngày 18/11/2020, các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện đã đề cử bà Pelosi làm Chủ tịch Hạ viện. Ngày 3/1/2021, bà Pelosi tiếp tục được bầu lại làm Chủ tịch Hạ viện. 

Ở Mỹ, để trở thành một chính trị gia, ngoài tố chất và nỗ lực bản thân, còn cần phải có tiền để ứng cử. Mọi chính trị gia Mỹ đều được hậu thuẫn bởi các đại gia với nguồn vốn mạnh mẽ.

Đảng Dân chủ chủ yếu dựa trên nguồn tài chính của các tỷ phú cánh tả, kinh doanh chứng khoán và công nghệ cao, tức là những ‘ông lớn’ ở phố Wall và các gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon. 

Từ trái qua phải: Giám đốc điều hành Apple Tim Cook, Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg (ảnh: Chụp màn hình BBC).

Và các đại gia nào đứng sau gia tộc Pelosi? Có ba công ty chính: Visa, Apple và Nvidia. (seekingalpha)

Cần nhấn mạnh là cả ba công ty này đều coi Trung Quốc là thị trường trọng yếu với doanh thu ‘khủng’ hàng năm.

Trung Quốc đã ban hành lệnh trừng phạt bà Pelosi và các thành viên gia đình, đồng nghĩa là nếu ba công ty trên có giao dịch tài chính với gia tộc Pelosi, họ cũng sẽ bị xử phạt.

  1. Chỉ nói riêng về Apple, đại gia ‘máu mặt’ nhất này đã gắn bó chặt chẽ với thị trường Trung Quốc gần 20 năm qua. Và quốc gia tỷ dân này đã mang lại nguồn lợi nhuận dồi dào cho “nhà Táo”.

Năm 2022 dự báo một năm đầy khó khăn trong mối quan hệ giữa Apple và Trung Quốc. Phần lớn là do chính sách “Zero-Covid” của ĐCSTQ. Theo đó, Trung Quốc đóng chặt giao thương và ngưng hoạt động rất nhiều nhà máy, trong đó có nhà máy của Apple, công ty lắp ráp cho iPhone là Foxconn và Pegatron của Đài Loan (như đã nhắc ở trên). 

Giám đốc điều hành Apple là Tim Cook đã cảnh báo về doanh thu của Tập đoàn vào tháng 4, rằng sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu của Apple lên tới 8 tỷ USD trong quý tiếp theo. 

Các văn phòng của Apple đặt tại Thượng Hải (ảnh: Chụp màn hình). 

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn “bình chân như vại”. Apple được cho là khó rời bỏ Trung Quốc sau khi nhiều công ty công nghệ nước ngoài đã rục rịch chuyển ra khỏi nước này.

Với Apple, Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất sau Mỹ. Apple chiếm tới 18% thị trường smartphone tại Trung Quốc, và chiếm 1/4 doanh số bán hàng tại thị trường toàn cầu. 

Nói tóm lại, Trung Quốc là ‘miền đất vàng’ của Apple, và CEO Tim Cook luôn chiều lòng Bắc Kinh hết mức có thể, bằng cách Apple luôn “cúi đầu” trước mọi yêu sách của ĐCSTQ. 

Apple tiếp tục phải chịu tình huống “đau tim” sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, khiến CEO Tim Cook đứng ngồi không yên. Trong khi ấy, Đài Loan lại là trụ sở chính của một số đối tác của Apple bao gồm Foxconn, Pegatron và Wistron. 

Rõ ràng khi Trung Quốc trừng phạt bà Pelosi, thì các công ty mà gia đình bà liên quan và đầu tư cũng chịu thiệt hại nặng nề. 

  1. Tiếp theo là công ty sản xuất chip Nvidia: 

Jesse Watters – nhà bình luận chính trị của kênh Foxnews đã từng tìm hiểu về cách bà Nancy Pelosi giàu lên nhờ địa vị chính trị của mình. Watters nói rằng, bí quyết thành công của bà Pelosi chính là ông chồng Paul Pelosi – một “thần tài” chứng khoán.

Tất nhiên “của chồng công vợ”, phải tính đến vị trí của bà Pelosi khiến dòng tộc Pelosi “hưởng lợi” không ít.

Theo Taiwannews, ông Paul Pelosi đã đầu tư cổ phiếu vào các tập đoàn lớn của Mỹ như Apple, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google), cùng nhiều công ty công nghệ khác. 

Ông Paul cũng vừa bán cổ phần của nhà sản xuất chip Nvidia vào ngày 9/8, chỉ vài ngày trước khi Hạ viện dự kiến ​​sẽ xem xét luật cung cấp các khoản trợ cấp, và tín dụng thuế trị giá hơn 70 tỷ đô la để thúc đẩy ngành công nghiệp chip của Mỹ.

Vợ chồng bà Pelosi (ảnh: Chụp màn hình). 

Công ty Nvidia có trụ sở tại Santa Clara, bang California và là nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ. Liệu các ông lớn Mỹ này có dám từ bỏ thị trường Trung Quốc khổng lồ để bảo vệ lợi ích chính trị của bà Pelosi?

Lưu ý, thứ gắn kết các đại gia này chính là doanh thu, chứ không phải lợi ích của nước Mỹ, càng không phải lợi ích chính trị cá nhân của bất kỳ ai. 

Bà Pelosi có nền tảng xuất thân từ con nhà “nòi” làm chính trị. Bản thân bà đã tham gia chính trường mấy chục năm. Ngay cả sau khi về hưu, bà Pelosi có thể tạo điều kiện cho con cái nối bước để tiếp tục duy trì gia tộc chính trị. 

Việc con trai của bà Pelosi là Paul Pelosi Jr., cũng có mặt trong chuyến thăm của bà tới Đài Loan vừa qua cũng đã gây tranh cãi. 

Paul Pelosi Jr đã có mặt tại các bức ảnh chụp chung với phái đoàn cấp cao của đảng Dân chủ do mẹ của anh dẫn đầu đến châu Á tại Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Nhật Bản và Đài Loan. Nhưng tên của Paul Pelosi Jr không có trong danh sách chính thức của phái đoàn quan chức Mỹ.

Hai mẹ con bà Pelosi trong chuyến thăm và chụp ảnh cùng Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan (ảnh: Chụp màn hình). 

Khi lệnh trừng phạt của ĐCSTQ ban hành, không chỉ các tập đoàn Mỹ sẽ khó ra mặt ủng hộ, hỗ trợ bà Pelosi, mà ngay cả gia đình chồng con của bà cũng khó đầu tư vào các tập đoàn này.

Vì vậy, việc bà Pelosi kêu gọi gây quỹ, theo đuổi các kế hoạch tranh cử chính trị trong tương lai có thể sẽ khó khăn và chông gai hơn. 

Các khoản đầu tư của gia tộc Pelosi bị tổn thất

Hôm 7/8, tờ laitimes cho biết, tất cả tài sản của gia đình bà Pelosi đầu tư ở Trung Quốc cũng sẽ bị trừng phạt. 

Bà Pelosi cùng chồng và con trai đã đầu tư dài hạn vào Trung Quốc bằng cách sử dụng các Quỹ đầu tư và nhiều tổ chức khác.

Năm 2010, chồng của bà Pelosi đã thành lập Mingji Global Investment – Công ty Đầu tư Toàn cầu Mingji tại Hồng Kông, với lĩnh vực đầu tư bao gồm ở cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo thông tin trên trang web chính thức của Công ty Đầu tư Toàn cầu Mingji, công ty này đầu tư vào Internet, tài chính, chip và nhiều lĩnh vực khác. Công ty Mingji lại nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của các tập đoàn Trung Quốc thông qua Mingji Asia Fund (Quỹ cổ tức châu Á) của mình. 

50% cổ phiếu do “Quỹ cổ tức châu Á” nắm giữ bao gồm những gã khổng lồ Internet của Trung Quốc như Tencent, JD.com, Pinduoduo, Meituan và Alibaba. Quỹ này có tài sản lên tới 17,4 tỷ đô la Mỹ tính đến ngày 30/6/2022.

“Quỹ cổ tức châu Á” của gia đình Pelosi đều sở hữu cổ phiếu của 10 công ty hàng đầu của Trung Quốc (ảnh: Chụp màn hình). 

Do đầu tư sớm vào hầu hết các công ty lớn của Trung Quốc, nên gia đình bà Pelosi đã tích lũy được khoản lợi nhuận khổng lồ. Cổ phiếu của các gã khổng lồ Internet của Trung Quốc đã trở thành “cỗ máy” sản sinh tài sản với tốc độ ngoạn mục. 

Lấy Tencent và JD.com làm ví dụ. Quỹ cổ tức châu Á của Mingji được thành lập vào năm 2010, thì 1 năm sau vào năm 2011 đã được ưu ái đầu tư vào Tencent. Kể từ năm 2011, cổ phiếu của Tencent đã tăng gấp hơn 30 lần, và cổ phiếu JD. com tăng gấp 5 lần kể từ khi niêm yết năm 2014. 

Bà Pelosi nắm giữ tài sản trị giá hơn 1 triệu đô la ở quỹ của công ty Mingji. Vì lý do xung đột lợi ích chính trị, bà Pelosi sau đó đã chuyển nhượng các tài sản trên, và không còn liên quan đến Quỹ này, nhưng bà vẫn nắm giữ một quỹ tương hỗ quốc tế, với khoản đầu tư từ 50.000 đến 100.000 đô la.

Chồng con của bà Pelosi sở hữu nhiều khoản đầu tư tại Trung Quốc

Tuy bà Pelosi không còn trực tiếp đầu tư vào Trung Quốc, nhưng con trai bà là Paul Pelosi Jr cũng giống như cha mình, ông Paul Pelosi, đã nắm giữ cổ phần hoặc giữ vai trò giám đốc trong nhiều lĩnh vực kinh doanh tại Trung Quốc.

Chồng Paul Pelosi (trái) và con bà Pelosi – Paul Pelosi Jr (phải) (ảnh: Chụp màn hình). 

Tính đến nay, Paul Pelosi Jr đã có 3 công ty tham gia đầu tư ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Một trong số đó là công ty International Media Acquisition Corp (IMAC), thành lập vào tháng 1/2021, trong đó Paul Pelosi Jr làm giám đốc

Một công ty khác là Yuan Yushen, có mối quan hệ hợp tác với một công ty niêm yết ở Hồng Kông và Paul Pelosi Jr. nắm giữ 27.500 cổ phiếu.

Các công ty công nghệ Trung Quốc cũng được Paul Pelosi Jr đẩy mạnh đầu tư. Theo thông tin công khai, Paul Pelosi Jr nắm giữ 700.000 cổ phiếu trong Borqs Technologies Inc – một công ty công nghệ Trung Quốc chuyên sản xuất phần mềm và sản phẩm nhúng cho Internet of Things. 

Chỉ trong hai năm, quỹ đầu tư của gia đình Pelosi đã thu về 62 triệu USD. Tốc độ kiếm tiền nhanh “không tưởng” này, đã đưa bà Pelosi lọt thẳng vào top 8 người giàu nhất Quốc hội Mỹ.

E ngại lệnh trừng phạt, bà Pelosi bỗng dưng ca ngợi Trung Quốc?

Với việc nắm giữ tường tận “hồ sơ” của gia tộc Pelosi, Trung Quốc khá tự tin khi tuyên bố trừng phạt cá nhân bà Pelosi và gia đình, dù không cần nêu rõ các biện pháp trừng phạt như thế nào.

Chỉ 3 ngày sau khi Trung Quốc ban hành lệnh trừng phạt, ngày 9/8 bà Pelosi đã phát biểu bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Mỹ, ‘ca ngợi’ Trung Quốc “là một trong những xã hội tự do nhất trên thế giới, là một nền dân chủ mạnh mẽ, với những con người dũng cảm”. Phải chăng là có lý do ẩn sau phát biểu này của bà Pelosi? 

Và cũng chỉ 1 ngày sau, ngày 10/8, bà Pelosi lại tuyên bố rằng bà “không quan tâm lắm” đến lệnh trừng phạt của Trung Quốc, vì nó “chẳng liên quan gì” đến gia đình bà.

Tuy nhiên trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, thực tế không có công ty lớn nào của Mỹ hoạt động kinh doanh mà không có bất kỳ giao dịch nào với Trung Quốc.

Do đó, sau khi lệnh trừng phạt của Trung Quốc được ban hành, các khoản đầu tư cổ phiếu và các quỹ đầu tư do gia tộc Pelosi nắm giữ tại quốc gia này, hẳn nhiên sẽ gặp bất ổn lớn. 

Đón đọc phần tiếp theo: Ẩn giấu lý do nào thúc đẩy bà Pelosi đến Đài Loan, ‘cố tình’ châm ngòi nguy cơ xung đột với TQ? 

Xem thêm: Cuộc gặp giữa bà Pelosi và người đàn ông này, là mấu chốt trong khủng hoảng Mỹ-Trung tại Đài Loan