Một khía cạnh trong chuyến đi của bà Nancy Pelosi đến Đài Loan đã bị truyền thông tảng lờ, đó chính là  cuộc gặp giữa bà Pelosi với ông Mark Lui, Chủ tịch Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Đây được cho là một trong số những nguyên nhân tạo ra cuộc khủng hoảng trầm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay.

Đài Loan xây dựng cơ sở sản xuất chip tại Mỹ

Theo Fortune, chuyến đi của bà Pelosi trùng hợp với nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục TSMC – nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới thành lập cơ sở sản xuất tại Mỹ và ngừng cung cấp cho các công ty Trung Quốc. Mỹ được cho là phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung chip từ TSMC.

Trong quá khứ, sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan dựa trên sự phản đối của Washington đối với chế độ độc tài của chính quyền Bắc Kinh. Và hòn đảo nhỏ bé này cũng phản kháng trước sự thôn tính nhằm quy về một mối dưới sự cai trị của ĐCSTQ. 

Nhưng trong những năm gần đây, quyền tự chủ của Đài Loan đã trở thành một lợi ích địa chính trị quan trọng đối với Mỹ, vì hòn đảo này thống trị thị trường sản xuất chất bán dẫn.

Chất bán dẫn – còn được gọi là chip – là linh kiện không thể thiếu trong tất cả các thiết bị công nghệ hiện đại ngày nay. Quan trọng hơn, nó là linh kiện không thể thiếu trong các bộ phận ứng dụng quân sự tân tiến.

Ngoài ra, Internet 5G siêu nhanh đang cho phép một thế giới của mọi loại thiết bị được kết nối với nhau, và một thế hệ vũ khí kết nối mạng mới. 

TSMC là một trong những nhà cung cấp chính trên thế giới về các vi mạch tiên tiến được sử dụng trong đời sống công nghệ hiện đại. (Ảnh chụp màn hình)

Tóm lại, TSMC là một trong những nhà cung cấp chính trên thế giới về các vi mạch tiên tiến được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh, ô tô đến vũ khí tên lửa. Vì thế, chip có một vai trò vô cùng quan trọng đối với nền công nghiệp Mỹ.

Đài Loan: Vị thế độc tôn 

Đặc biệt, vị trí của Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn hơi giống vị thế của Ả Rập Xê Út trong khối OPEC. TSMC chiếm 53% thị phần trên thị trường chip toàn cầu trong khi các nhà sản xuất khác có trụ sở tại Đài Loan chiếm thêm 10% thị trường nữa. (whitehouse)

Do đó,  Báo cáo đánh giá chuỗi cung ứng trong 100 ngày của chính quyền Joe Biden  cho biết, “Mỹ phụ thuộc nhiều về chip vào một công ty duy nhất – TSMC”.

Thực tế chỉ có TSMC (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc) mới có thể tạo ra các chất bán dẫn tiên tiến nhất (kích thước 5 nanomet), và nếu nguồn cung này bị đứt gẫy sẽ “gây rủi ro cho khả năng cung cấp các nhu cầu cơ sở hạ tầng quan trọng và an ninh quốc gia [Hoa Kỳ] hiện tại và tương lai”.

Xem thêm: Tổng thống Hàn Quốc không gặp mặt bà Pelosi do vướng “kỳ nghỉ”

Điều này có nghĩa là nếu ĐCSTQ quyết tâm đạt mục tiêu thống nhất với Đài Loan thì sẽ càng đe dọa nhiều hơn đến lợi ích của Mỹ. Trong Thông cáo Thượng Hải năm 1971 và Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, Mỹ công nhận chính sách “Một Trung Quốc”. 

Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh vào năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter. Kết quả là Mỹ phải cắt đứt quan hệ với Đài Loan và đóng cửa sứ quán tại Đài Bắc.

Tổng thống Jimmy Carter, trong ảnh chụp với lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình năm 1987, chính thức hóa quan hệ Mỹ-Trung (Ảnh chụp màn hình)

Nhưng cùng năm đó, Mỹ cũng thông qua Đạo luật Quan hệ với Đài Loan, theo đó đảm bảo giành sự ủng hộ cho hòn đảo này. Về cơ bản, điều luật này quy định Mỹ phải giúp Đài Loan tự vệ – đó là lý do vì sao Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.

 Vì vậy tại thời điểm này đối với nước Mỹ, không thể tưởng tượng được rằng một ngày nào đó công TSMC cung cấp chip hàng đầu cho Mỹ lại nằm trong lãnh thổ do ĐCSTQ kiểm soát.

Chiến tranh công nghệ

Vì lý do này, Mỹ đã và đang cố gắng thu hút TSMC vào Mỹ để tăng năng lực sản xuất chip trong nước. Năm 2021, với sự hỗ trợ của chính quyền Joe Biden, công ty đã mua một địa điểm ở bang Arizona để xây dựng một xưởng sản xuất ở Mỹ. Dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào năm 2024.

Theo bloomberg, Quốc hội Mỹ vừa thông qua  Đạo luật về chip và khoa học, trong đó cung cấp 52 tỷ USD trợ cấp để hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ. Nhưng các công ty này sẽ chỉ nhận được tài trợ của Đạo luật Chip nếu họ đồng ý không sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho các công ty Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là TSMC và các công ty khác có thể phải lựa chọn giữa kinh doanh ở Trung Quốc và ở Mỹ, vì chi phí sản xuất ở Mỹ được coi là quá cao nếu không có trợ cấp của chính phủ. 

Đây là một phần của “cuộc chiến công nghệ” rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó Mỹ đang nhằm hạn chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Vào năm 2020, chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chặt chẽ đối với tập đoàn công nghệ Huawei có mối liên hệ với ĐCSTQ, nhằm cấm công ty này không được phép mua chip từ TSMC. 

Chính quyền Tổng thống Trump cấm Huawei mua chip của TSMC để phát triển hệ thống mạng 5G của mình. (ẢNh chụp màn hình)

Huawei phụ thuộc rất nhiều chip của TSMC để phát triển hệ thống mạng 5G của mình. Huawei cũng là nhà cung cấp thiết bị mạng 5G hàng đầu thế giới nhưng chính quyền Tổng thống Trump từng lo ngại các thiết bị của Trung Quốc sẽ gây ra rủi ro về bảo mật. 

Chính quyền Joe Biden đã hủy bỏ nhiều chính sách dưới thời chính quyền Donald Trump, nhưng trong lĩnh vực chip thì các biện pháp trừng phạt vẫn được Tổng thống Biden duy trì. Cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều muốn ngăn các quốc gia khác sử dụng thiết bị 5G của Huawei.

Mục tiêu chính của Mỹ dường như là chấm dứt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc hoặc Đài Loan về “các công nghệ nền tảng và mới nổi”, bao gồm các chất bán dẫn tiên tiến cần thiết cho hệ thống 5G, và cả các công nghệ tiên tiến khác trong tương lai.

Mark Liu: Nếu Trung Quốc xâm lược, nguồn cung vi mạch toàn cầu sẽ sụp đổ

Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) lo ngại rằng chuyến thăm gần đây của bà Nancy Pelosi sẽ thúc đẩy một cuộc xâm lược của Trung Quốc, dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy sản xuất chip của công ty. 

Theo Taipeitimes, trong cuộc phỏng vấn trên chương trình Fareed Zakaria GPS diễn ra vào thời điểm căng thẳng eo biển gia tăng xoay quanh trước chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) Mark Liu  cho biết:

“Người dân ở Đài Loan đã có được hệ thống dân chủ và họ muốn lựa chọn cách sống của mình”. “Thật vậy, cung cấp chip là một ngành kinh doanh quan trọng ở Đài Loan, nhưng nếu đã xảy ra chiến tranh ở Đài Loan, có lẽ chip không phải là điều quan trọng nhất mà chúng ta nên lo lắng. Bởi vì cuộc xâm lược này đang phá hủy trật tự dựa trên luật lệ của thế giới. Bối cảnh địa chính trị sẽ hoàn toàn thay đổi”. 

Ông Liu nói rằng Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10% hoạt động kinh doanh của TSMC,  và công ty chỉ cung cấp cho thị trường tiêu dùng chứ không phải quân đội Trung Quốc. 

Chủ tịch Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan Mark Liu phát biểu tại một diễn đàn công nghệ ở Đài Bắc vào ngày 3/12/2021. (Ảnh chụp màn hinh)

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng một cuộc xâm lược quân sự của Trung Quốc sẽ khiến các nhà máy TSMC không hoạt động được, và điều đó cũng sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc.

Ông Liu nói: “Bởi vì sự gián đoạn của chúng tôi sẽ tạo ra bất ổn kinh tế lớn ở Trung Quốc – đột nhiên nguồn cung cấp linh kiện tiên tiến nhất của họ biến mất. Tôi phải nói rằng đó là một sự gián đoạn, vì vậy mọi người sẽ suy nghĩ kỹ về điều này”

“Không ai có thể kiểm soát TSMC bằng vũ lực … bởi vì đây là một cơ sở sản xuất tinh vi phụ thuộc vào kết nối thời gian thực với thế giới bên ngoài” chẳng hạn như Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản về vật liệu, hóa chất và phần mềm kỹ thuật”.

Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Kinh tế Wang Mei-hua cho biết, nếu Trung Quốc xâm lược, Đài Loan sẽ không cung cấp chip cho thế giới và điều đó sẽ gây ra các vấn đề kinh tế nghiêm trọng.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi nói nếu điều gì đó xảy ra với Đài Loan, thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả”, ông Wang nói.

Xem thêm: Tính toán sai lầm của Mỹ: TQ tuyên bố sẽ tập trận ‘thường xuyên’, 10 tàu chiến đang phong tỏa eo biển Đài Loan