Đài Loan đang phải đối mặt với thời điểm khó khăn nhất. Tàu chiến, tiêm kích của Trung Quốc tiếp tục vượt qua đường trung tuyến và sẽ tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên” kéo dài tới hết tháng 8. Tất cả là do tính toán sai lầm của chính quyền Joe Biden và châm ngòi từ chuyến đi của bà Pelosi.
Tóm tắt nội dung
Trung Quốc đang phong tỏa eo biển Đài Loan
Hôm nay (8/8), Reuters đã mô tả cảnh căng thẳng giữa các tàu chiến Trung Quốc và Đài Loan đang rình rập nhau như “mèo vờn chuột” trên biển, vào thời điểm Trung Quốc dự kiến chấm dứt các cuộc tập trận quân sự xung quanh hòn đảo tự trị này.
Bốn ngày diễn ra cuộc tập trận chưa từng có của PLA đã bị Đài Bắc đánh giá là “mô phỏng một cuộc xâm lược”. Ngay sau khi bà Nancy Pelosi rời đi, PLA đã bắn 11 tên lửa đạn đạo gần Đài Loan – một số trong số đó được cho là đã bay qua hòn đảo này.
Hiện Reuters cho biết “khoảng 10 tàu chiến của Trung Quốc và Đài Loan đã đi gần nhau ở eo biển Đài Loan, với một số tàu Trung Quốc băng qua đường trung tuyến, một vùng đệm không chính thức ngăn cách hai bên”.
Mặc dù các cuộc tập trận chính diễn ra tại 7 khu vực ngoài khơi bờ biển Đài Loan hiện sắp kết thúc (tính đến thời điểm Reuters đưa tin cách đây 3 tiếng), áp lực quân sự đè lên Đài Loan được cho là sẽ tiếp tục kéo dài nhiều tuần nữa, và có thể kéo dài đến cuối tháng 8.
Trung Quốc tuyên bố tập trận kéo dài hết tháng 8
Theo Axios, Trung Quốc đã công bố một loạt cuộc tập trận quân sự hoàn toàn mới gần Đài Loan, mặc dù không gần hòn đảo này như tuần trước. Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng các cuộc tập trận mới của PLA sẽ bắt đầu tại 5 khu vực của Hoàng Hải từ ngày 5 đến ngày 15/8.
Tờ Washington Post cho biết :
“Bộ Quốc phòng Trung Quốc không công bố mục đích của các cuộc tập trận mở rộng, diễn ra khi chuyến thăm (của bà Pelosi) làm căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung, nhưng chúng diễn ra khi Bắc Kinh đang triển khai lực lượng lớn nhất xung quanh Đài Loan kể từ cuộc khủng hoảng xuyên eo biển năm 1995 -1996 – trong cái mà họ gọi là một lời cảnh báo đối với “những kẻ khiêu khích”, những người thách thức các tuyên bố của Bắc Kinh đối với Đài Loan”.
Tờ báo này cũng cho biết thêm rằng, các cuộc tập trận đồng thời sẽ diễn ra ở 4 khu vực của Biển Bột Hải trong cả tháng 8, bắt đầu từ ngày 8/8.
Theo The Guardian, “Đài Bắc cho biết họ đã quan sát thấy “nhiều” máy bay và tàu của Trung Quốc hoạt động ở eo biển Đài Loan, và tin rằng chúng đang mô phỏng một cuộc tấn công vào hòn đảo chính của nền dân chủ tự trị.”
Mặc dù các cuộc tập trận gần nhất của PLA với Đài Loan dường như đã kết thúc, nhưng mối đe dọa tính toán sai lầm và một vụ nổ súng nghiêm trọng dễ dàng làm bùng phát xung đột trên diện rộng vẫn còn cao.
Hậu quả chuyến đi của bà Pelosi đang được thế giới cảm nhận
Chuyến đáp cánh xuống sân bay Tùng Sơn (Đài Bắc) của bà Pelosi vào tối 2/8 được truyền thông dòng chính Mỹ tung hô là một sự kiện “phi thường”, và tất nhiên đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
Tuy nhiên, kết quả của chuyến thăm này chỉ mang lại trạng thái “hưng phấn” tức thời cho tất cả những ai yêu mến hòa bình và sự độc lập của Đài Loan ngay tại thời điểm đó. Có điều, hậu quả mà bà Pelosi để lại khá trầm trọng, và có khả năng kéo dài vô thời hạn đối với hòn đảo nhỏ bé nhưng kiên cường này.
Chuyến đi của bà Pelosi đã trở thành ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng lần thứ tư ở eo biển Đài Loan kể từ năm 1949. Vasily Kashin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Châu Âu tại Trường Kinh tế Cao cấp, Đại học Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, cuộc khủng hoảng này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với những cuộc khủng hoảng trước đó.
Tất cả các cuộc khủng hoảng trong quá khứ ở eo biển Đài Loan (1954-1955, 1958 và 1995-1996) đều kéo dài khá lâu – từ 3 đến hơn 8 tháng. Hơn nữa, sự leo thang trong 3 cuộc khủng hoảng này đều do ĐCSTQ gia tăng áp lực và quyền kiểm soát khủng hoảng.
Trong các cuộc khủng hoảng này, giới lãnh đạo ĐCSTQ đã theo đuổi các mục tiêu chính sách đối nội và đối ngoại độc đoán của mình, và đều đạt được toàn bộ hoặc một phần mục tiêu của mình.
Và tình hình khủng hoảng lần này như đã nhắc ở trên, Trung Quốc lấy cớ và có khả năng sẽ kéo dài vô thời hạn các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan. Tất cả để nhằm mục đích gì?
Các cuộc tập trận sẽ vắt kiệt nguồn lực của quân đội Đài Loan
Theo quy luật, các cuộc khủng hoảng quân sự-chính trị sẽ được ĐCSTQ lấy cớ để cố tình kéo dài. Chuyến đi của bà Pelosi quả là một cái cớ “hoàn hảo” trong con mắt của chính quyền Bắc Kinh.
Hiện tại, các biện pháp gây áp lực kinh tế đã bắt đầu tăng dần. Trung Quốc đã ngừng cung cấp cát thạch anh cho hòn đảo và cấm nhập khẩu cá và trái cây, thực phẩm của Đài Loan. Rõ ràng, đây mới chỉ là sự khởi đầu.
Từ lịch sử xung đột của Trung Quốc với các nước khác, người ta biết rằng hầu hết các lệnh trừng phạt mà Bắc Kinh áp đặt là không chính thức và đều không được báo trước.
ĐCSTQ thường xuyên áp đặt “luật rừng” của riêng mình. Chỉ là đột nhiên một loại hàng hóa nào đó của một quốc gia bị Trung Quốc trừng phạt gặp vấn đề về thủ tục hải quan.
Các cuộc thanh tra về hỏa hoạn, vệ sinh và thuế má… bị đột xuất kiểm tra và quấy rầy tại các cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh. Những vi phạm nhỏ mà trước đây không được chú ý giờ sẽ bị ‘phóng đại’ và trừng phạt ở mức tối đa.
Các thỏa thuận hợp tác đã được thông qua giờ đột ngột bị hủy bỏ, hợp đồng bị chấm dứt… Ví dụ điển hình nhất chính là tập đoàn Apple, Telsa (Mỹ) và nhà lắp ráp iPhone Pegatron Corp (Đài Loan) đang phải hứng chịu sau chuyến đi “bão táp” của bà Pelosi.
Song song đó là một sự leo thang trong lĩnh vực quân sự. Năm 1995-1996, Trung Quốc định kỳ tiến hành các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo ở các khu vực gần cảng Cao Hùng Đài Loan, gây rối loạn đường hậu cần và gây hoảng loạn cho giao thương hàng hải trong một thời gian dài.
Đáp lại chuyến thăm của bà Pelosi, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô chưa từng có với các cuộc bắn đạn thật ở 7 khu vực xung quanh chu vi hòn đảo.
Tất nhiên, những cuộc diễn tập này gây trở ngại cho sự di chuyển của vận tải đường biển và đường hàng không. Các khu vực tập trận có khả năng được mở rộng dần dần, đưa tình hình tiến gần đến việc phong tỏa hoàn toàn hòn đảo.
Mục đích chính của các cuộc tập trận này là sẽ dần dần làm cạn kiệt nguồn lực của quân đội Đài Loan, buộc quân đội Đài Loan sẽ phải thường xuyên túc trực trong tình trạng cảnh giác cao độ, thường xuyên trong tình trạng báo động. Điều này dẫn đến sự mệt mỏi của các binh sĩ Đài Loan, gia tăng hao mòn thiết bị quân sự và dễ xảy ra tính toán nhầm lẫn gây tai nạn.
Trung Quốc sở hữu một đội quân lên tới 2 triệu người, sẽ có thể luân chuyển quân thường xuyên. Trong khi ấy Đài Loan, với lực lượng vũ trang nhỏ, sẽ khó làm được điều này hơn nhiều.
Một cuộc khủng hoảng kéo dài ở eo biển Đài Loan sẽ đi kèm với tình trạng tháo chạy vốn của các nhà đầu tư quốc tế ra khỏi quốc đảo này. Hậu quả sẽ là sự sụt giảm hoạt động kinh tế, cùng với các lệnh trừng phạt của Trung Quốc, sẽ có tác động tích lũy tiêu cực tới nền kinh tế Đài Loan.
Chiến dịch gây áp lực của ĐCSTQ có thể sẽ càng gia tăng trong bối cảnh các sự kiện chính trị diễn ra sắp tới, như cuộc bầu cử địa phương ngày 26/11 ở Đài Loan và tổng tuyển cử tháng 1/2024.
Bằng mọi thủ đoạn tính toán, ĐCSTQ sẽ quyết định liệu có cơ hội thôn tính Đài Loan bằng “diễn biến hòa bình” phi quân sự hay không. Nếu Bắc Kinh quyết định rằng không có cơ hội, thì nỗ lực thôn tính Đài Loan bằng vũ lực sẽ được khởi động theo luật chống ly khai năm 2005 của ĐCSTQ.
Chính quyền Joe Biden đã tính toán sai lầm
Các nhà quan sát nhận định, cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan hiện tại là kết quả của những tính toán sai lầm về mặt chiến lược của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Mỹ tính toán rằng, chuyến đi của bà Pelosi dự kiến sẽ “kích thích” ĐCSTQ và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20 dự kiến vào tháng 10 tới.
Có vẻ như, chính quyền Joe Biden không lường trước được việc Bắc Kinh phản ứng dữ dội như vậy. Năm 1997, Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich của Đảng Cộng hòa đã đến thăm Đài Loan, và Bắc Kinh khi ấy giới hạn trong các cuộc đấu khẩu.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng có thể cho rằng Bắc Kinh sẽ không dám thực hiện những bước đi mạo hiểm vào năm Đại hội Đảng sắp diễn ra (Ban lãnh đạo ĐCSTQ luôn cố gắng đảm bảo rằng không có gì làm lu mờ những sự kiện như vậy), và rằng nền kinh tế Trung Quốc đang đà suy thoái do chính sách Zero Covid.
Có thể mục đích chuyến đi của bà Pelosi như là một cách để đảng Dân chủ đánh bóng bằng một thắng lợi ngoại giao, và củng cố quyền lực của Mỹ trong khu vực, giữa bối cảnh đang lạm phát cao và nền kinh tế Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái.
Tuy nhiên, phản ứng của ĐCSTQ lần này bất ngờ gay gắt. Trung Quốc đưa ra những lời đe dọa quân sự trực tiếp.
Thay vì có được một chiến thắng ngoại giao dễ dàng, chính quyền Joe Biden đang phải đối mặt với một viễn cảnh khó chịu, ngoài cuộc xung đột Ukraine, giờ đây eo biển Đài Loan đã trở thành một cuộc khủng hoảng quân sự-chính trị khó nhằn hơn.
Xem thêm:
Pelosi là cái cớ hoàn hảo để Trung Quốc thôn tính Đài Loan sau khi Nga tấn công Ukraine?