Khi bà Nancy Pelosi đáp chuyến bay đêm tới Đài Loan, cả thế giới nín thở chờ đợi Trung Quốc phản ứng quân sự như thế nào. Nhưng tất cả là số 0 tròn trĩnh. Máy bay của bà Pelosi vẫn hạ cánh hiên ngang tại sân bay Tùng Sơn (Đài Bắc) mà không bị cản trở bởi thực thể quân sự nào. Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại đó… 

Tình thế khó khăn

Bất chấp việc Lầu Năm Góc cho rằng việc đến Đài Loan “không phải là một ý kiến hay”, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vẫn nhất quyết thực hiện một chuyến thăm chính thức tới hòn đảo này, trước sự tức giận của chính quyền Bắc Kinh.

Giới quan sát quốc tế đã đưa ra các kịch bản tiềm năng cho một cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc, khi máy bay chở bà Pelosi có khả năng phải đổi hướng.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng ‘lo xa” về một phản ứng quân sự của Bắc Kinh đối với chuyến bay đêm của bà Pelosi. Vì vậy Mỹ đã bố trí một hàng không mẫu hạm và hai tàu đổ bộ trong khu vực. Quân đội Mỹ cũng điều thêm các tiêm kích cho Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh có vẻ chỉ “hù dọa” phái đoàn của bà Pelosi và không có bất cứ va chạm nào xảy ra. Truyền thông dòng chính Mỹ tung hô chuyến đi “dũng cảm” của bà Pelosi, và cho rằng ông Tập Cận Bình đã bị mất mặt. 

Nhưng điều đó không có nghĩa là chính quyền Bắc Kinh làm ngơ. Hiển nhiên, ĐCSTQ đã có sẵn một kế hoạch thôn tính Đài Loan dài hơi, mà chuyến đi của bà Pelosi càng làm hoàn hảo thêm cho kế hoạch này. 

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi được đón tiếp nồng nhiệt trong chuyến thăm của bà tại Đài Loan

Có thể nói, chuyến đi của bà Pelosi đã đẩy Đài Loan vào một tình thế khó khăn chưa từng thấy, khi phải đương đầu với ĐCSTQ đầy thủ đoạn và sẵn tiềm lực quân sự trong tay.

Trung Quốc chơi trò chơi tâm lý chiến lâu dài

Giờ đây Trung Quốc đã có một cái cớ hoàn hảo để gia tăng áp lực đối với Đài Loan. Các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc tại 7 khu vực bao quanh hòn đảo ở cự ly 12 hải lý, giờ đây không còn cần “đếm xỉa” đến dư luận quốc tế, cũng như không quan tâm đến đường trung tuyến mà Đài Bắc tuyên bố là ranh giới của Đài Loan. 

Thực tế, Trung Quốc đang áp dụng “hội chứng ếch luộc”, tức là bằng cách từ từ gia tăng áp lực, cô lập và thử thách ý chí dũng cảm của người Đài Loan. 

Như tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin,  Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ đóng cửa 6 khu vực xung quanh Đài Loan từ thứ Năm đến Chủ nhật (4-7/8), và mở rộng thêm khu vực thứ 7 kéo dài đến ngày 8/8, với các cuộc tập trận bắn đạn thật ở một số khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh Đài Loan. 

PLA đang triển khai khu vực bắn đạn thật thứ 7 từ 10 giờ sáng ngày 4/8 đến 10 giờ sáng ngày 8/8, muộn hơn một ngày so với các khu vực bắn đạn thật khác. (Ảnh chụp màn hình)

11 quả tên lửa đã được phóng từ Trung Quốc đại lục bay qua Đài Loan, 5 trong số đó đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. Điều này chưa từng xảy ra. 

Lực lượng PLA còn ngang nhiên đi qua đường lãnh hải dài 12 dặm của Đài Loan, về cơ bản đã xóa bỏ đường trung tuyến.

Những vụ phóng tên lửa, bắn đạn thật trên biển và trên không này của Trung Quốc sẽ không đủ đe dọa để gây ra một cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm với Mỹ. Nhưng rõ ràng nó đã tác động nhiều đến Đài Loan, và sẽ được ĐCSTQ lặp lại trong những năm tới, và sẽ ngày càng tiến sát hơn đến bờ biển của quốc đảo này.

Cần lưu ý rằng, Trung Quốc sẽ chơi một ván cờ lâu dài với Đài Loan. Trung Quốc đã vin cớ cho “hành động khiêu khích của bà Pelosi”, để cuối cùng tiến dần tới bao vây và xâm chiếm hòn đảo nhỏ. Đó là theo quan điểm của Mỹ và NATO.

Các nhà phân tích đều tin rằng, các cuộc tập trận quân sự chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc giờ đây có thể trở thành thông lệ. Đây được cho là từ hệ quả của chuyến thăm khiêu khích của bà Pelosi.

Nhưng còn hơn thế, Bắc Kinh sẽ áp dụng một chiến thuật không cần phải động binh.

Bóp nghẹt nền kinh tế Đài Loan

Nhìn vào thực tế, rõ ràng Bắc Kinh đang sử dụng ‘vỏ bọc’ của các cuộc tập trận quân sự để bao vây Đài Loan một cách hiệu quả. 

Chỉ mới có 2 ngày diễn ra cuộc tập trận, Trung Quốc đã khiến kinh tế Đài Loan tổn thất khá nặng nề. Hơn 900 chuyến bay quốc tế buộc phải hủy chuyến hoặc định tuyến lại đường bay. Nhiều tàu chở container và các tàu vận tải khác buộc phải thả neo ngoài khơi, không thể cập cảng Đài Loan để tránh các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc.

Truyền thông ĐCSTQ công bố bức ảnh này từ cuộc tập trận hải quân lớn nhất của nước này trong nhiều thập kỷ. (Ảnh chụp qua màn hình)

Nền kinh tế Đài Loan phụ thuộc chủ yếu vào thương mại đường biển. Các cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc về cơ bản đã “phong tỏa” các cửa ngõ ra vào Đài Loan cả trên không và trên biển trong vài ngày tới. Đó là minh chứng cho những gì ĐCSTQ thực sự đang làm.

Ngay sau khi bà Pelosi rời đi, chính quyền Bắc Kinh đã khởi xướng chiến lược này: Đó là các hành động quân sự sẽ được hỗ trợ song song bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế. 

  1. Các biện pháp trừng phạt đầu tiên được áp dụng đối với hai quỹ lớn của Đài Loan:

Tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, chính quyền Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với “Tổ chức Dân chủ Đài Loan” (TFD) và “Quỹ Hợp tác và Phát triển Quốc tế” (ICDF), hai tổ chức có quan hệ chặt chẽ với những người ủng hộ Đài Loan độc lập.  

Hiển nhiên các doanh nghiệp đã quyên góp cho hai quỹ này, chẳng hạn như Speedtech Energy, Hyweb Technology, Skyla Corporation, Skyeyes GPS Technology, sẽ bị Bắc Kinh cấm thực hiện bất kỳ giao dịch hoặc hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tại Trung Quốc đại lục.

Những người đứng đầu các tập đoàn này cũng bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc.

  1. Cấm xuất khẩu cát thạch anh:

Bắc Kinh cũng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu cát thạch anh, 90% trong số đó Đài Loan nhập khẩu từ Trung Quốc. Lệnh cấm xuất khẩu cát tự nhiên nghe có vẻ vô hại.

Nhưng điều đó sẽ kéo theo vòng quay đau đớn trong các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao của thế giới, khi cát thạch anh là nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp sản xuất kính phủ tấm pin năng lượng Mặt trời, sản xuất chất bán dẫn, vi mạch điện tử…

Nhà sản xuất pin nhiên liệu và pin lithium-ion lớn nhất thế giới là CATL (Trung Quốc) cũng đang hoãn vô thời hạn việc xây dựng một nhà máy khổng lồ trị giá 5 tỷ USD, với 10.000 nhân viên chuyên sản xuất pin cho xe điện trên khắp Bắc Mỹ, cung cấp cho hai hãng Tesla và Ford cùng nhiều công ty khác.

Hãng sản xuất xe điện Tesla của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt của Trung Quốc. (ảnh chụp màn hình)

Điều này sẽ tác động tiêu cực tới Mỹ, khi nền kinh tế toàn cầu đang phải vật lộn hồi phục sau đại dịch Covid-19 và hệ quả từ cuộc xung đột Ukraine.

  1. Hải quan Trung Quốc cũng mở rộng “danh sách đen” thương mại, bổ sung thêm lệnh cấm 3.000 sản phẩm thực phẩm, và hơn 100 nhà sản xuất thực phẩm từ Đài Loan, chủ yếu trong danh mục thủy sản, trà và mật ong.

Vì vậy, về cơ bản ĐCSTQ sẽ tập trung vào việc phong tỏa kinh tế đối với Đài Loan, áp đặt một phần vùng cấm bay, hạn chế giao thương hàng hải, chiến tranh mạng với Đài Loan, và đồng thời cũng gây đau đớn cho nền kinh tế Mỹ không ít.

Liệu Mỹ có đáp trả các lệnh trừng phạt của Trung Quốc?

Trong nhiều thập kỷ qua, người dân Đài Loan thông minh, với ý chí kiên cường mãnh liệt chống đỡ sự bao vây và đe dọa của chính quyền Bắc Kinh bằng nội lực của chính họ, và nhờ cả chính sách “mơ hồ chiến lược” của Mỹ. 

Trước áp lực của ĐCSTQ, Bộ Quốc phòng Đài Loan luôn nhắc lại quyết tâm duy trì chủ quyền, tự do và dân chủ của quốc đảo. Quân đội Đài Loan nhấn mạnh: “Chúng tôi không tìm kiếm chiến tranh, và chúng tôi sẽ không né tránh một cuộc chiến”.

Người Đài Loan dũng cảm với ý chí tự cường bảo vệ sự độc lập của họ trong nhiều thập kỷ dưới sự đe dọa của Trung Quốc.

Nhưng chuyến đi của bà Pelosi đã tiếp sức thêm cho sự hung hăng và tham vọng ‘thôn tính’ Đài Loan của ĐCSTQ càng đẩy nhanh hơn, toàn diện hơn cả về mặt quân sự lẫn kinh tế.

Người dân Đài Loan hy vọng vào sự giúp đỡ từ Mỹ và NATO chắc có thể sẽ phải thất vọng. Liên tiếp trong những ngày qua, trước áp lực dữ dội từ các cuộc tập trận chưa từng có của ĐCSTQ, chính quyền Joe Biden đã đưa ra những tuyên bố luôn nhấn mạnh rõ rằng, Mỹ không có cách nào ủng hộ một Đài Loan độc lập. 

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Mỹ tại Campuchia, ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định Washington vẫn “cam kết với chính sách ‘Một Trung Quốc’ theo hướng dẫn của Đạo luật quan hệ Đài Loan, 3 Thông cáo chung và 6 Bảo đảm”.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định Washington vẫn “cam kết với chính sách ‘Một Trung Quốc’ (Ảnh chụp màn hình)

Ông tuyên bố: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng không có gì thay đổi trong quan điểm của chúng tôi và tôi rất hy vọng Bắc Kinh sẽ không tạo ra một cuộc khủng hoảng hoặc tìm cách giả vờ gia tăng hành động quân sự gây hấn”. 

Và nếu bạn nghĩ rằng Liên Hợp Quốc có thể can thiệp để giúp đỡ, thì Trung Quốc vừa mới đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 8. 

Hiện tại, ĐCSTQ có khả năng gây ra thiệt hại lớn cho Mỹ cả về mặt quân sự lẫn kinh tế. Nhưng ở chiều ngược lại, khó có khả năng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ có động thái trả đũa quyết liệt, hoặc áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Bắc Kinh. 

Đơn giản, chính quyền Joe Biden – vốn nổi tiếng “mềm mỏng’ với Trung Quốc – đang phải đối phó với một nền kinh tế u ám, lạm phát cao và bất ổn dân sự từ các dòng di cư bất hợp pháp tại biên giới phía nam.

Chuyến thăm ‘gây xúc động’ của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan, có khả năng được ‘dàn dựng’ một cách công phu để lôi kéo sự đồng thuận lưỡng đảng, và ghi điểm cho Đảng Dân chủ trước một mùa bầu cử giữa kỳ, dự báo bà Pelosi có khả năng sẽ mất ghế Chủ tịch Hạ viện, và Đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Quốc hội.

Hay bà Pelosi và Đảng Dân chủ còn mục đích nào nữa?

Có thể bạn quan tâm: