Liệu một cuộc khủng hoảng quy mô lớn xung quanh Đài Loan sẽ xảy ra ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi rời hòn đảo này? Giới quan sát nhận định, chuyến thăm của quan chức cấp cao trong Quốc hội Mỹ có khả năng sẽ kích động Trung Quốc quyết đoán hơn trong việc xâm chiếm Đài Loan.
Tóm tắt nội dung
Đài Loan đối mặt với khủng hoảng lớn
Chuyến thăm của bà Nancy Pelosi là chuyến thăm chính thức Đài Loan đầu tiên của một Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong vòng 25 năm qua. Chính trị gia này đã đến Đài Loan vào tối 2/8.
Ngay khi đến nơi, bà chính thức tuyên bố chuyến thăm Đài Loan của mình là “một bằng chứng cho cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ nền dân chủ Đài Loan”. Tất nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội.
Vào thời điểm bà Pelosi hội kiến Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại Phủ tổng thống, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu cát tự nhiên cho Đài Loan bắt đầu từ ngày 3/8.
Trước đó 1 ngày, Trung Quốc cũng đã ngừng nhập khẩu các sản phẩm của nhiều công ty thực phẩm Đài Loan sản xuất bánh ngọt, bánh nướng, kẹo, lá trà, trái cây sấy khô, mật ong và rau quả.
Giới quan sát nhận định trong những ngày tới, Bắc Kinh sẽ chứng tỏ sức mạnh và khả năng của mình bằng cách phóng tên lửa gần Đài Loan, nhưng sẽ tránh đối đầu quân sự trực tiếp.
Phản ứng của các quan chức ĐCSTQ có thể được thực hiện theo từng giai đoạn, mà trước tiên chủ yếu sẽ nhằm vào nền kinh tế Đài Loan. Ngoài ra, Trung Quốc có khả năng sẽ gây nhiễu loạn về hệ thống mạng và thông tin trên quốc đảo này.
Chuyến đi của bà Pelosi sẽ gây thảm họa?
Theo Washington Post, Đài Loan sẽ có khả năng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn sau khi bà Pelosi rời khỏi đây.
Một quan chức chính quyền Mỹ nói với tờ này rằng: “Trung Quốc có rất nhiều công cụ để gây thiệt hại cho Đài Loan. Trung Quốc nhìn thấy sai lầm của đối thủ, họ thường can thiệp quyết liệt để giành lợi thế. Đó là những gì mà nước này có thể sẽ làm.”
Tờ báo này cho biết, tốc độ và cường độ của sự cạnh tranh giữa Trung Quốc – Mỹ sẽ gia tăng, và thay đổi mối quan hệ mãi mãi, và “Đài Loan ở ngay chính giữa” mối quan hệ này.
Ngoài ra, cựu đại tá, cựu cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Douglas McGregor cho rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden có lẽ là “chính quyền yếu kém nhất và vô trách nhiệm nhất”.
Trong buổi trò chuyện phỏng vấn với người dẫn chương trình nổi tiếng của kênh FoxNews – Tucker Carlson, khi được hỏi liệu Mỹ có gây chiến với Trung Quốc hay không, cựu đại tá MacGregor đã trả lời “tất nhiên là không”. (video)
Ông MacGregor cũng cảnh báo về những nguy hiểm mà chuyến thăm của bà Pelosi có thể gây ra ở Đài Loan.
Ông nói: “Chúng ta không có bất kỳ ai đủ tư cách là một chính khách. Chính khách trước hết cần “quan tâm đến lợi ích cho người dân Mỹ với chi phí thấp nhất”. Những người này (hàm ý chỉ phái đoàn của bà Pelosi) là những người màu mè. Họ đang cố tạo “ra vẻ” chứ không giống như chính khách”.
MacGregor sau đó nhấn mạnh rằng, Mỹ đã phớt lờ Nga hoặc đối xử với Nga một cách khinh thường. Tuy nhiên người Nga luôn nghiêm túc. Hàng trăm nghìn sinh mạng đã thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Ukraine mà lẽ ra chính quyền Biden phải nhanh chóng hành động để ngăn chặn. “Bây giờ chúng ta (nước Mỹ) đang làm điều tương tự với Trung Quốc tại một khu vực ít nhất là quan trọng về mặt chiến lược đối với họ”.
Trung Quốc không loại trừ vũ lực để thâu tóm Đài Loan
Ngày 2/8, tại Hội nghị về Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân diễn ra tại Liên Hợp Quốc, ông Phó Thông – Cục trưởng Cục Kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố về vấn đề Đài Loan như sau:
“Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để thống nhất đất nước một cách hòa bình. Lý do tại sao chúng tôi không từ bỏ khả năng của một giải pháp quân sự là chúng tôi phải kiềm chế tiềm năng ly khai để nó không đi quá xa”.
Đồng thời ông Phó Thông nói thêm rằng, “Trong mọi trường hợp, Trung Quốc sẽ không phải là nước sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên”.
Ngoài ra ông này cũng lưu ý về các biện pháp đối phó với Mỹ vẫn đang được chính quyền Bắc Kinh thảo luận. Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định chuyến đi của bà Pelosi tới Đài Loan có thể là hành động khiêu khích Trung Quốc, và chính quyền Bắc Kinh đang chú ý.
Việc bà Nancy Pelosi tới Đài Loan đã kích động chính quyền Bắc Kinh rầm rộ phô trương thanh thế cả trên mặt trận ngoại giao lẫn quân sự. Ngay trong ngày 1/8, quân đội Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn bắn đạn thật trong nhiều ngày, có thể kéo dài đến hết ngày 7/8.
Điều đáng nói, các cuộc tập bắn đạn thật diễn ra ở 6 khu vực bao quanh đảo Đài Loan, ở cự ly gần chưa từng thấy. Điều này cho thấy chuyến đi của bà Pelosi là cái cớ hoàn hảo để Trung Quốc điều quân và vũ khí tới sát eo biển Đài Loan.
Liệu có lặp lại khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ 3?
Đảo Quemoy (Kim Môn) và đảo Matsu (Mã Tổ) là các nhóm đảo nằm ngay ngoài khơi bờ biển của Trung Quốc đại lục, nhưng lại nằm dưới sự quản lý của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan).
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 1960 giữa ứng viên đảng Dân chủ là John F. Kennedy và ứng viên đảng Cộng hòa Richard M. Nixon, việc bảo vệ Đài Loan trong đó có 2 quần đảo này, đã trở thành vấn đề nổi bật trong ba cuộc tranh luận của họ.
Có thể nói, Đài Loan luôn nằm trong chương trình nghị sự của Mỹ, tuy nhiên cách thức tiếp cận vấn đề của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ dường như khác nhau.
Trong Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai, còn được gọi là Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1958, ĐCSTQ đã nã pháo vào các đảo Kim Môn và Quần đảo Mã Tổ nhằm chiếm giữ những vùng lãnh thổ này từ Đài Loan, và cũng là để thăm dò mức độ bảo vệ của Mỹ đối với hòn đảo này.
Để đáp lại yêu cầu được hỗ trợ từ phía Đài Loan theo đúng nghĩa vụ đã được ký kết trong Hiệp ước Phòng thủ Mỹ-Đài Loan 1954, chính quyền tổng thống Dwight Eisenhower đã tăng viện cho các đơn vị hải quân Mỹ, và điều các tàu chiến đến hỗ trợ chính quyền Quốc Dân Đảng nhằm bảo vệ tuyến tiếp vận đến đảo Kim Môn.
12 lựu pháo tầm xa 203mm M115 howitzer và các khẩu 155mm khác đã được thủy quân lục chiến Mỹ chuyển cho quân đội Đài Loan, và được gửi đến đảo Kim Môn để xoay chuyển tình thế trong cuộc đọ pháo ở đây.
Kết quả, cả hai bên tiếp tục bắn phá bên kia và rải truyền đơn. Tình trạng này cứ tiếp diễn cho đến khi Hoa Kỳ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1979.
Hai đảo Kim Môn và Mã Tổ không được phòng thủ chắc chắn, sẽ dễ dàng trở thành “con tin” mang tính biểu tượng cao cho quân đội của ĐCSTQ.
Trung Quốc sẵn sàng xâm chiếm các đảo ngoài khơi của Đài Loan?
Trong những ngày qua, nhiều đoạn clip do người dân Trung Quốc quay trên đường phố cho thấy các cuộc di chuyển các thiết bị quân sự hạng nặng khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chuẩn bị đến Đài Loan.
Các cuộc vận chuyển xe tăng đã diễn ra trên các đường cao tốc và đường sắt lớn ở khắp tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, nơi tiếp giáp với hai đảo Kim Môn và Mã Tổ.
Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Đặng Tích Quân (Deng Xijun) hôm nay tiết lộ rằng, các cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ được tiến hành tại 6 khu vực xung quanh đảo Đài Loan trong vài ngày tới. Ông tuyên bố rằng việc nhập cảnh sẽ bị cấm.
Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ thuộc PLA đã tổ chức các cuộc tập trận chung với sự tham gia của Hải quân, Không quân, Lực lượng Tên lửa, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược & Lực lượng Hỗ trợ Hậu cần Chung trên vùng biển và không gian ở phía bắc, tây nam và đông nam của đảo Đài Loan.
Tờ Bloomberg đưa tin Trung Quốc đã đóng cửa không phận phía trên eo biển Đài Loan đối với tất cả các máy bay dân dụng.
Trong 24 giờ qua, các chuyến bay thương mại đã bị hủy đột ngột tại các sân bay ở một số thành phố của tỉnh Phúc Kiến. Các sân bay này bao gồm Hạ Môn, Phúc Châu và Tuyền Châu. Hãng hàng không tư nhân Xiamen Airlines chỉ thông báo rằng, việc hủy chuyến bay là do “kiểm soát giao thông khu vực” và không nói rõ thêm.
Trung Quốc cũng cảnh báo các hãng hàng không hoạt động ở châu Á tránh bay ở các khu vực xung quanh Đài Loan, nơi họ đang tiến hành các cuộc tập trận nhằm đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo này.
Một thông báo chính thức đã được gửi vào cuối ngày thứ Ba theo giờ Hồng Kông, chỉ định 6 khu vực không phận là “khu vực nguy hiểm”, theo các hãng hàng không nhận được thông báo. Các chuyến bay sẽ bị hạn chế bay từ 12h ngày 4/8 đến 12h ngày 7/8.
Đây có thể được coi là một lời cảnh báo Trung Quốc có khả năng sẽ xâm lược Đài Loan. Các nhà quan sát nhận định, việc quân sự hóa chiếm đóng quần đảo Kim Môn và Mã Tổ có khả năng sẽ là bước đầu tiên của ĐCSTQ nhằm khuất phục Đài Loan, và loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Tuy nhiên đây mới chỉ là dự đoán trong bối cảnh diễn biến khá phức tạp khi ĐCSTQ gia tăng các mối đe dọa quanh eo biển Đài Loan.
Có thể bạn quan tâm: