Câu thành ngữ “Nhân vô thập toàn” đã rất quen thuộc với người Việt Nam chúng ta. Thông thường người ta thường lý giải về câu này là con người không ai hoàn hảo mười phần cả; ý nói người ta ai cũng có nhược điểm và ưu điểm. Nhưng không chỉ vậy, nội hàm thật sự của câu nói này vô cùng thâm sâu; có thể giúp cho con người đề cao cảnh giới của bản thân.
Khi có việc xảy ra, đầu tiên là nhìn lại bản thân
Nhiều người thường hay dựa vào câu tục ngữ này để tự tha thứ cho lỗi lầm; những khuyết điểm sai lầm mình mắc phải. Nhưng từ một cách nhìn khác thì ý nghĩa của nó hoàn toàn ngược lại.
“Nhân vô thập toàn” có hàm ý chỉ rằng, dù con người thông minh tài giỏi đến mức nào thì cũng chưa thể hoàn hảo được, vậy nên cần phải luôn sửa chữa những lỗi lầm, những khuyết điểm của bản thân, vẫn cần phải lắng nghe những lời phê bình hay răn bảo của người khác. Cần phải nhìn vào bản thân để tìm được sai sót của mình.
Cổ nhân nêu câu này là nhằm mục đích sửa chữa cho người ta đến tối đa sai sót; chứ không phải để cho người ta ngày một dung dưỡng cái xấu. Mỗi ngày được phép một thêm khuyết điểm.
Vậy nên cùng là một câu nói, nếu mang tư tưởng không ngay chính; không muốn thay đổi thì dễ dàng hiểu sai ý nghĩa. Từ đó có cái cớ để bám víu mà nuôi dưỡng, cho phép những khiếm khuyết của bản thân; như vậy đối với người ấy chỉ có hại mà không có điểm lợi nào.
Ngoài ra, “Nhân vô thập toàn” còn có một nội hàm nghĩa tốt đẹp khác đó là: sống trên đời, để làm vừa lòng tất cả mọi người là một việc chắc chắn là không thể. Trên thế gian này có lý tương sinh tương khắc; vậy nên nếu có người trọng dụng, thì cũng có người chán ghét; có người ca ngợi, thì ắt cũng có kẻ chê bai.
Bởi vậy, thay vì cứ chăm chăm nhìn ra bên ngoài xem khen chê thì ta hãy tự nhìn vào nội tâm tu dưỡng bản thân; liên tục rèn giũa khả năng và đức hạnh thì sẽ sớm đạt được hạnh phúc tự tại.
Câu chuyện cổ
Nói về hàm nghĩa này, có câu chuyện về vị danh tướng tài ba Hứa Kính Tôn vào thời vua Đường Thái Tông như sau:
Một ngày nọ, Hoàng đế Đường Thái Tông hỏi Hứa Kính Tôn rằng: “Trẫm thấy trong số văn võ bá quan trong triều, khanh là người hiền năng nhất, vậy cớ sao lại có nhiều điều tiếng về khanh đến thế?”.
Hứa Kính Tôn cung kính đáp “Thưa bệ hạ! Mùa xuân mưa tầm tã trơn ướt, khiến người nông dân vui mừng vì mùa màng được tươi tốt. Nhưng những người bộ hành lại không thoải mái vì đường đi trơn trượt mà nguy hiểm.
Trăng tiết mùa thu sáng tỏ vằng vặc như gương treo trên trời; thi nhân nâng chén rượu thưởng nguyệt, thích thú ngâm thơ đàn ca. Thì kẻ đạo chích (ăn trộm) lại vì ánh Trăng quá sáng mà giận cho việc mờ ám không thành..
Trời đất vốn vô tư không vị tư vị ngã, nhưng chuyện nắng mưa vẫn bị nhân gian oán trách. Hạ thần vốn chưa phải người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi điều tiếng chỉ trích chê bai?“
“Vậy nên hạ thần nghĩ, với lời thị phi thì nên bình tâm suy xét. Hoàng thượng tin lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin lời thị phi khiến con cái bị khinh ghét. Vợ chồng tin lời thị phi ắt gia đình chia ly. Điều tiếng của thế gian độc địa hơn rắn rết, bén hơn lưỡi dao, giết người không thấy máu”.
Đường Thái Tông nghe xong bèn nói “Khanh nói rất hay, trẫm sẽ ghi nhớ”.
Lời kết
Vậy nên, miệng lưỡi là của người khác, thị phi là chuyện tất yếu trong thiên hạ. Sống ngay chính thì không có gì phải hổ thẹn, lại càng không phải bận lòng bởi những điều tiếng chê bai.
Chúng ta không thể thay đổi suy nghĩ của tất cả mọi người; nhưng có thể thay đổi vận mệnh của chính mình. Đối với lời nói là của người đời, không nên quá suy đoán; đừng để chuyện thị phi quyết định cuộc sống của mình có vui vẻ hạnh phúc hay không.
Việc quan trọng và cần làm hơn chính là thường xuyên nhìn lại bản thân, thay đổi chính mình. Biết được cái sai, trau giồi, rèn giũa để ngày một tốt hơn!
Theo tinhhoa
Xem thêm: