5752-aynh-chuyp-mayn-hiynh-2020-09-15-luyc-13333-ch
Ảnh chụp từ màn hình hiển thị trên báo Thanh Niên.

Theo Thanh Niên, Nguyễn Tiến An, học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, Kon Tum) nảy ra ý tưởng chế tạo thiết bị kiểm soát trên xe vì có lần em xem tin thời sự về học sinh sinh bị “bỏ quên” trên xe.

Sau 2 tháng mày mò nghiên cứu, phải trải qua hàng chục lần thử nghiệm, An đã chế tạo thành công thiết bị kiểm soát học sinh trên xe đưa đón.

An tin rằng thiết bị này sẽ giúp các học sinh an toàn hơn, phụ huynh cũng an tâm hơn khi cho con đi học bằng xe đưa đón. Em rất mong sản phẩm được đưa vào thực tiễn và sử dụng rộng rãi.

Nguyên tắc vận hành của thiết bị này như sau: Đầu tiên khởi động thiết bị, mỗi một chuyến xe là tương ứng với mỗi lần tắt mở, cập nhật mới. Khi học sinh lên xe phải quét thẻ, bộ đếm sẽ tăng tương ứng với số học sinh trên xe. Khi đón đủ, tài xế chốt số lượng bằng cách quét thẻ. Tương tự, học sinh xuống xe lại quét thẻ và bộ đếm sẽ giảm tương ứng. Đến khi bộ đếm trả về số 0 thì khởi động lại máy chuẩn bị cho chuyến xe mới. Nếu thiết bị chưa trả về số 0 thì tài xế phải kiểm tra lại xe và kiểm tra dữ liệu trên thiết bị xem học sinh nào chưa quét thẻ và yêu cầu quét lại (hoặc báo thông tin đó về nhà trường). Đặc biệt, khi một học sinh lên xe và quét thẻ, nếu đúng tiếng còi sẽ kêu và hiện thông tin, nếu sai còi sẽ không kêu và báo tín hiệu thông tin sai.

Mỗi học sinh có một mã ID, mỗi khi lên và xuống xe, các em sẽ quét thẻ ID vào thiết bị. Tài xế chỉ cần theo dõi số lượng học sinh được hiển thị trên thiết bị khi lên, xuống xe. Nếu thấy bộ đếm không trả về số 0 trong quá trình học sinh xuống xe, điều này sẽ giúp tài xế dễ dàng phát hiện học sinh có bị bỏ sót trên xe hay không.

Ông Ngô Đình Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Lương Thế Vinh cho biết, An là học sinh có đam mê sáng tạo, thích khám phá, ham học hỏi. Ngoài thiết bị này, em học sinh này còn chế tạo những máy móc khác như máy cấy lúa, máy quét nhà tự động đều đoạt giải trong các cuộc thi. Điều đáng nói là những sản phẩm này em tự nghiên cứu, chế tạo và không cần sự hướng dẫn của giáo viên nhà trường.

Trước đó, vào ngày 2/9, VnExpress cũng đưa tin về 1 nam sinh lớp 11 chế tạo hệ thống máy đo thân nhiệt tự động và được ứng dụng trong kỳ thi TN THPT đợt 2 vừa rồi.

5920-aynh-chuyp-mayn-hiynh-2020-09-15-luyc-55454-ch
Ảnh chụp từ màn hình hiển thị trên VnExpress.

Đó là em Nguyễn Đặng Quốc Hưng, lớp 11, chuyên Vật lý, trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam). Ý tưởng xuất phát từ việc trường em tổ chức kỳ thi TN THPT đợt 1 vào ngày 9-10/8. Em thấy khâu đo thân nhiệt mất khá nhiều thời gian, nhân lực và cũng không an toàn. Hưng trình bày ý tưởng lắp đặt hệ thống đo thân nhiệt tự động đã được nhà trường và gia đình ủng hộ.

Viết chương trình hoàn thành sau 1 tuần. Thời gian thiết kế và lắp ráp mất 1 ngày. Hưng được một số giáo viên tham gia góp ý trong quá trình thực hiện. Sau khi thử nghiệm, so sánh với chiếc máy cầm tay, kết quả đo thân nhiệt của cả 2 đều như nhau. 2 hệ thống máy được lắp đặt phục vụ cho kỳ thi TN THPT đợt 2 vừa rồi tại trường. Sau đó, 2 máy này tiếp tục được sử dụng tại trường trong tình hình dịch bệnh.

Thầy Phan Văn Chương, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh giá cao sáng kiến của Hưng về máy đo thân nhiệt tự động rất hữu ích, có tính ứng dụng cao, tiết kiệm chi phí, đáp ứng nhu cầu đo thân nhiệt cho 800 học sinh mỗi ngày tại trường.