Ông Đinh Minh Nhật 57 tuổi (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê), chưa từng kết hôn nhưng có đến 108 đứa con là trẻ mồ côi.
Cái duyên giữa ông Nhật và những đứa trẻ bắt đầu từ năm 2005, khi ông Nhật từ Sài Gòn về xã Ia Hlốp nhậm chức linh mục.
Lòng trắc ẩn với những đứa trẻ mồ côi của người đàn ông chưa từng có vợ
Khi mới về xã Hlốp, ông thường cùng bạn vào những ngôi làng sâu trong rừng, tìm hiểu đời sống người dân.
Trong một lần, gặp đám ma của người Gia Rai, ông thấy một đứa trẻ đỏ hỏn, khóc dữ dội bên cạnh thi thể người phụ nữ đang chuẩn bị được mai táng. Người bạn cùng đi chia sẻ “Mẹ cháu bé này chết theo tục của người Gia Rai thì con mới sinh ra phải được chôn theo mẹ”. Nghe xong, ông Nhật lao vào giành lại đứa trẻ.
Già làng nói “Người Jrai ta, mẹ chết thì phải cho con đi theo để nó có cái bú. Giờ đem cho mày, mẹ nó ở làng ma không thấy con kêu Giàng phạt chết cả họ này thì sao? Bụng mày tốt nhưng không làm trái lệ ông bà chúng ta được! Về đi!”.
Một hồi thương thảo già làng đã chấp nhận, đổi đứa trẻ bằng một con heo để cúng Giàng.
Ông Nhật kể “Lúc đó tôi chỉ muốn giật lại đứa trẻ để cứu nó chứ không nghĩ gì đến việc sẽ nuôi nó như thế nào”. Hơn 40 tuổi nhưng ông vẫn chưa một lần bế đứa trẻ sơ sinh nào trên tay, nói gì đến việc nuôi nấng, chăm sóc. Thêm nữa là nhà cửa không có, nguồn sống phải phụ thuộc gia đình.
Người đàn ông độc thân bỡ ngỡ, khi ẵm trên tay đứa trẻ hai ngày tuổi đang khóc ngằn ngặt vì khát sữa. Ông đi hỏi xin từng chén sữa của những phụ nữ đang nuôi con bú, nhưng không phải ai cũng cảm thông, có người không chịu cho vì họ sợ xui xẻo.
Ông Nhật chẳng biết tìm ai để cho làm con nuôi. Sau một thời gian chăm bẵm,quen hơi, ông có cảm giác gắn kết với con. Sau đó ông quyết định giữ lại nuôi và đặt tên con là Đinh Hồng Phúc.
Khi đã nhận con nuôi ông Nhật không thể tiếp tục làm Linh mục. Thu xếp mượn được gia đình ít tiền, ông tìm được một miếng đất bỏ hoang rồi hỏi mua. Kiếm mấy cây gỗ dựng lên thế là hai cha con có nhà.
Mỗi đứa con là những hoàn cảnh khác nhau
Năm 2008 bé Hồng Phúc được 3 tuổi. Một lần, đi đám ở xã Ia Kor gần Ia H’Lốp, tình cờ ông nghe được người ta nói về một hoàn cảnh đau lòng của gia đình Ông Hồ Vĩnh bị tai nạn giao thông. Hai vợ chồng không qua khỏi đã bỏ lại 5 đứa con bơ vơ.
Ông đã tìm đến căn nhà dột nát, với 4 đứa trẻ với vẻ mặt thất thần, đang gắng cố dỗ em út khóc ngặt nghẽo, nó chừng 7 tháng tuổi.
Mấy người hàng xóm bối rối, không biết lấy tiền đâu để mua hòm làm đám ma cho mẹ chúng. Ông đã đứng ra vận động mọi người quyên góp, tổ chức đưa ma.
Khi công việc xong ông an ủi bọn trẻ ra về; thì đứa lớn nhất níu tay ông, nước mắt lưng tròng kể “Hôm nay chị em cháu chỉ còn bữa gạo cuối cùng”.
Tim ông thắt lại, mới 13 tuổi cháu làm sao đương nổi gánh nặng này! Những cặp mắt non dại của đám trẻ hướng cả vào ông, ông như đọc được thông điệp “đừng bỏ chúng con”. Quệt giọt nước mắt lăn trên má, ông bế bé út lên rồi lui cui dắt cả đám trẻ về nhà. Chúng lầm lũi đi theo ông như theo cha.
Ông Nhật kể “Sau khi mang 5 cháu ở Ia Kor về nuôi. Tiếng lành đồn xa, có người đích thân mang đến cho ông những đứa trẻ, đủ mọi cảnh đời”. Hiểu rằng bây giờ chẳng còn đường lùi, ông cứ sẵn lòng đón nhận tất cả.
Bây giờ thì ông đang nuôi đến 108 cháu. Trong đó có 5 cháu bị thần kinh bẩm sinh, 1 cháu khuyết tật. Mặc cho những điều xì xào, dị nghị của người đời, ông nghĩ đơn giản “Nếu từ chối thì chúng sẽ đi về đâu?”
Bọn trẻ giờ đã lớn, chúng chơi rượt đuổi cười như nắc nẻ, trêu ghẹo nhau khóc ré lên khiến ông Nhật trở thành quan tòa để hòa giải và phân xử. Không chỉ có vậy, ông còn phải chăm bẵm, lo ăn mặc, học hành cho ngần ấy đứa trẻ.
Tình yêu thương lớn lao của ông vượt qua mọi nỗi vất vả cơm áo gạo tiền
Để nuôi các con, đó là cả một đoạn trường. Từ lúc mang 5 đứa trẻ mồ côi ở Ia Kor về nuôi, ông Nhật phải tính chuyện tự lập. Mùa nào việc nấy, ai thuê là ông làm, thu hái cà phê, bón phân, làm cỏ…không sợ vất vả, miễn công việc lương thiện và có tiền cho các con ăn học là ông không từ chối.
Đầu năm 2008, ông xin được công việc chăm người già ở bệnh viện vào ban đêm. Ông khóa cửa để những đứa lớn ở nhà trông nhau, đưa những đứa nhỏ đến viện, trải chiếu ở hành lang cho chúng ngồi chơi.
Công việc chăm người bệnh vất vả, thường xuyên bị quát tháo thậm tệ. Những đứa trẻ sợ hãi, níu áo khóc lóc nói “Thầy ơi đừng làm nữa, mình về đi”.
Ông dè sẻn để có đủ đồ ăn cho các con, không dám mua quần áo mới. Đến nỗi chị ruột phải chép miệng “đúng là sướng không muốn, lại tự tròng cái khổ vào thân”.
Khi bọn trẻ lớn hơn, ông Nhật dẫn đàn con lên rẫy làm cùng, để bọn trẻ biết quý trọng sức lao động và có trách nhiệm với các em bé hơn. Ông mua bò cho các cháu lớn chăn, cũng mới bán đi gần đây để lấy tiền mổ tim cho cháu Đinh Thiên Đức.
Mãi đến năm 2009, ông mới nhận được sự giúp đỡ đầu tiên của một người ở Gia Lai. Cũng từ đó ông được nhiều người biết và giúp đỡ. Chị ông cũng nghĩ lại và hỗ trợ ông xây nhà ở cho các cháu.
Hồi còn ít các cháu, dư được chút vốn, ông mua được 1 ha cà phê. Bây giờ vườn cho thu nhập mỗi tháng gần 20 triệu đồng cùng với đóng góp của những tấm lòng hảo tâm, ông đã dần dần trang trải được cuộc sống. 108 con chưa có đứa nào bị thất học.
Người cha hạnh phúc của hơn 100 đứa con
Bọn trẻ hầu hết là người dân tộc nên ông phải tự học thêm tiếng Gia Rai, để hiểu các con hơn. Sau 14 năm, ông tự hào mình có thể viết và giao tiếp với bọn trẻ bằng tiếng bản địa. Ông Nhật còn khuyến khích các con nói tiếng của dân tộc mình, nhắc nhở các con không quên nguồn cội.
Vui hơn nữa là có những số phận đã được ông chở đò cập bến. Như cháu Rơ Lan H’Oanh mồ côi cha mẹ, được ông đón về nuôi lúc 12 tuổi, giờ đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế. 8 cháu đang theo học đại học, 16 cháu học nghề. Các con chính là tài sản và là hạnh phúc lớn nhất của người cha có trái tim nhân hậu.
Video xem thêm: