Nhiều người dân TP. Huế vui mừng khi thấy cây xà cừ cổ thụ (được định danh số 13) bị bão số 13 quật bật gốc được trồng lại vào chiều tối 16/11.
- Cây cổ thụ hơn 50 tuổi bật gốc đè nát dãy nhà trọ, hai gia đình thoát nạn
- Ca sĩ Hà Anh Tuấn trồng 1.800 cây xanh giúp người dân chống lũ
- Chuyên viên Phòng Giáo dục qua đời sau 2 ngày bị cành cây gãy rơi trúng
Báo Thanh Niên đưa tin, chiều 16/11, Trung tâm công viên cây xanh TP. Huế (Thừa Thiên – Huế) cùng hơn 30 công nhân và phương tiện, xe cẩu loại lớn, trồng lại cây xà cừ cổ thụ trăm năm tuổi bị bão số 13 quật ngã.
Hai chiếc xe cẩu nâng chuyên dụng loại lớn được đưa đến hiện trường. Sau khi cắt tỉa thân cành, cây được cẩu lên và đưa vào công viên bờ sông Hương, ngay trước bến xe Nguyễn Hoàng, gần chân cầu Phú Xuân, cách vị trí cũ khoảng 10m. Các công nhân kỹ thuật leo lên cây bôi thuốc vào các điểm thân cánh bị cắt để chống thối rữa và nhiễm trùng.
Tiến sĩ Nguyễn Đính, nguyên Trưởng ban quản lý Dự án Sông Hương chia sẻ: “Nhiều người đã bày tỏ kiến nghị chính quyền địa phương tìm mọi cách dựng lại, làm sống lại “cụ” đại thụ này. Và tôi có lời trao đổi chân tình trực tiếp với anh em Trung tâm công viên cây xanh TP. Huế, sử dụng tối đa các kỹ thuật lâm sinh giữ lại cây và chuyển dịch cây vào phía trong công viên chừng 7-10m so vị trí cũ để dễ dàng chống đỡ cây to, vừa thuận lợi chăm sóc cây già, vừa thông thoáng vỉa hè, gốc cũ quá gần hệ thống cáp ngầm, cống hộp kỹ thuật làm rễ cây không phát triển được”.
“Hôm nay, đầu giờ làm việc buổi chiều, xe múc bên cây xanh đang tiến hành đào lỗ để dựng, trồng lại cây. Sau một thời gian chăm sóc, nằm trong khuôn viên rộng lớn rễ cây dễ bề phát triển, hy vọng cụ xà cừ đại thụ sẽ mau chóng tỏa bóng mát ra cả lề đường, vừa giữ an toàn cho khách bộ hành, vừa làm đẹp cho Huế”, TS Nguyễn Đính nói thêm.
Theo Tuổi Trẻ cho biết, trước đó, khuya ngày 15/11, cơn bão số 13 quét qua Thừa Thiên – Huế đã quật ngã cây xà cừ cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, trụ vững qua bao năm tháng bão giông tại góc đường Lê Duẩn, TP. Huế.
Sự việc khiến nhiều người xứ Huế cảm thấy bâng khuâng. Bác sĩ về hưu Nguyễn Võ Hinh, một người yêu cây xanh ở Huế, chia sẻ: “Thật buồn! Một tấm ảnh tôi chụp kỷ niệm ngày 20/4, khi đi bộ thể dục ngang qua đã ghi lại một phần dáng cây cách đây 7 tháng. Một nhánh mặt trước cây cổ thụ có hình giống đầu con nai hay con hươu cao cổ với các chiếc sừng là những cành lá non mọc lên trên. Bây giờ cây cổ thụ đã đổ. Rất buồn khi mỗi buổi sáng không còn gặp lại nữa. Tôi cảm thấy như mất mát một cái gì đó rất quý báu”.
Trước đó, trong cơn bão số 5 hồi tháng 9, trung tâm TP. Huế có hơn 5.000 cây xanh bị ngã đổ, bật gốc khiến nhiều người dân yêu cây xanh tiếc nuối.