Chúng ta biết rằng nỗi sợ hãi kìm hãm bản thân, đó là điều cần phải tránh. Nhưng nếu nỗi sợ hãi là một công cụ mạnh mẽ thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể làm chủ nó?
Ngày xưa, nỗi sợ hãi là một tín hiệu của nguy hiểm, bảo chúng ta phải chạy khỏi một con sư tử hoặc lùi ra khỏi vách đá. Điều đó khá hữu ích. Ngày nay, chúng ta không phải đối mặt với nhiều nguy hiểm về thể chất, nhưng những tín hiệu sợ hãi tương tự xuất hiện khi chúng ta cố gắng theo đuổi ước mơ của mình hoặc dễ bị tổn thương vì người khác.
6 nỗi sợ hãi lớn nhất ngày nay
Những nỗi sợ hãi ngày nay thiên về bất an nhiều hơn và không đo lường được. Dưới đây là 6 nỗi sợ hãi lớn nhất – kết quả thu được từ một cuộc khảo sát độc giả:
- Nỗi sợ thất bại
- Sợ không đủ
- Sợ bị từ chối
- Sợ không chuẩn bị
- Sợ bị lừa đảo
- Sợ bị chế giễu
Bạn có thể nhận thấy dường như tất cả nỗi sợ đều xuất phát từ nỗi sợ không đủ tốt. Nếu chúng ta không đủ tốt, chúng ta có thể thất bại, bị từ chối, bị chế giễu hoặc bị gọi là lừa dối. Nỗi sợ hãi sâu sắc nhất và phổ biến nhất của chúng ta là “sợ không đủ”. Đây không phải là một mối nguy hiểm về thể chất; mà ở bên trong nội tâm.
Vì vậy, sợ hãi không còn là một tín hiệu cho thấy chúng ta nên chạy mà là chúng ta nên đối mặt và vượt qua điều gì đó.
Leo qua bức tường sợ hãi
Bất cứ khi nào ta cảm thấy sợ hãi, điều đó có nghĩa là ta đang dựa vào một bức tường. Ở phía bên kia của bức tường là tự do mới.
Chúng ta mong muốn sự tự do. Nhưng khi chống lại nỗi sợ hãi và cảm giác khó chịu, phản ứng thông thường của chúng ta là né tránh nó. Bằng cách tránh nó, chúng ta vẫn ở cùng một phía của bức tường – phía thoải mái, nơi chúng ta biết mình đang làm gì và mọi thứ dễ dàng. Nhưng chúng ta bị mắc kẹt.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta trèo qua bức tường?
Chúng ta sẽ có một sự tự do mới: kết nối với những người khác một cách có ý nghĩa, đặt mình ra ngoài đó và theo đuổi cuộc sống mà chúng ta thực sự muốn, khám phá thế giới, khởi nghiệp hoặc yêu thương bằng một trái tim rộng mở. Sợ hãi là lo lắng về tương lai, điều chưa tồn tại.
Tự do nằm ở phía bên kia của nỗi sợ hãi. Vì vậy, khi chúng ta cảm thấy nỗi sợ hãi được tạo ra từ nội tâm; đó thực sự là một tín hiệu cho thấy chúng ta nên dũng cảm bước lên. Đó là một cơ hội để phát triển.
Vâng, rất khó. Nhưng tránh nó thì không hiệu quả. Chúng ta có thể cảm thấy thoải mái khi né tránh, nhưng kèm theo đó là nỗi đau âm ỉ vì những giấc mơ bị bỏ rơi và sự mất tự tin. Một lựa chọn tốt hơn là hướng nội — nhìn thấy nỗi sợ hãi và bất ổn ở đó. Điều đó có nghĩa là nhìn vào cách chúng ta nghĩ rằng chúng ta chưa đủ tốt; từ đó học cách yêu bản thân và học cách trở nên ổn ngay cả khi chúng ta thất bại hoặc bị từ chối.
Hành động khi đối mặt với sự sợ hãi
Chúng ta có thể tập luyện hành động một cách tỉnh táo ngay cả khi cơ thể sợ hãi. Để ý rằng có sự sợ hãi, và để ý phản ứng theo thói quen của chúng ta. Ở lại với cảm giác sợ hãi và coi nó như một cảm giác thể chất đơn thuần.
Thực ra nó không quá tệ, chúng ta hoàn toàn có thể thấy ổn khi ở giữa cảm giác đó. Nó chỉ là hormone trong cơ thể chúng ta thôi, chỉ là một dạng năng lượng phấn khích.
Chúng ta có thể làm những việc như: viết sách, trò chuyện, tham gia một sự kiện xã hội hoặc lên sân khấu. Chúng ta có thể đắm mình hoàn toàn vào khoảnh khắc sợ hãi, cảm nhận nỗi sợ hãi trong cơ thể nhưng vẫn hành động như thể nó tách khỏi chúng ta.
Biết ơn hiện tại, mỉm cười và hành động
Sợ hãi là lo lắng về tương lai – điều chưa tồn tại. Để ý điều đó, chúng ta có thể quay lại thời điểm hiện tại và những gì đang ở đây trước mắt. Chúng ta sẽ biết ơn hiện tại, mỉm cười và hành động.
Điều này cần thực hành thường xuyên. Bạn hãy thử ngay bây giờ; làm như vậy mỗi ngày; đi tới bất cứ điều gì khiến bạn sợ hãi; lặp đi lặp lại. Hãy dũng cảm lên; vượt qua bức tường sợ hãi và tiến vào sự tự do mới đang đợi bạn.
Theo The Epoch Times
Xem thêm: