Indonesia có động thái tăng cường hợp tác với Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông.

Indonesia đang đối mặt với tình huống khó khăn khi phải cố gắng cân bằng các mối quan hệ với hai đối thủ không thể chối cãi là Trung Quốc và Hoa Kỳ, theo ông Gregory Copley, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington, Mỹ.

“Mỗi cường quốc này đều đang cố gắng buộc Jakarta phải đứng về phía mình, mặc dù thực tế là Indonesia hầu như không thể lựa chọn như vậy”, ông Copley bình luận trên The Epoch Times ngày 8/1.

Ông nhận định cả Mỹ và Trung Quốc đều đang “thúc đẩy” Indonesia một cách công khai và chắc chắn.

“Đáp lại, Indonesia đang hướng tới việc phát triển sức mạnh quân sự – chiến lược vượt ra ngoài chuỗi đảo của mình”.

Theo ông Copley, Indonesia nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải làm như vậy, trước sự cạnh tranh và thách thức từ Trung Quốc, Ấn Độ và Australia, cũng như các quốc gia thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và các cường quốc toàn cầu.

Indonesia khó duy trì được trạng thái “không liên kết”

Trong khi phát biểu tại Đối thoại Manama ở Bahrain vào tháng 11 năm 2021, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto nhấn mạnh quốc phòng chiến lược là trọng tâm chính trong kế hoạch của Indonesia. Ông nhấn mạnh mong muốn của Indonesia là duy trì khoảng cách bình đẳng và tình hữu nghị với các siêu cường, đồng thời thừa nhận những khó khăn mà Indonesia phải đối mặt khi tuân theo lập trường không liên kết của mình.

Indonesia ủng hộ các lựa chọn mua sắm quốc phòng giúp nước này không phải chịu bất kỳ sự phụ thuộc quyền lực nào.

Jakarta cũng nhận thức rõ ràng về việc thành lập hiệp ước quốc phòng Úc-Vương quốc Anh-Hoa Kỳ (AUKUS) vào tháng 9 năm 2021, nhưng Bộ trưởng Prabowo đã phủ nhận những khía cạnh tiêu cực của AUKUS đối với Indonesia. Nhiệm vụ chính của hiệp ước này là kiềm chế Trung Quốc. Điều đó có thể làm giảm một số áp lực của Trung Quốc đối với Indonesia, khiến Bắc Kinh không thể ra đòn quá nặng tay với nước này.

Nhưng áp lực từ Washington đang khiến Indonesia khó có thể duy trì tình trạng “không liên kết” của mình. Indonesia cũng lo ngại Mỹ và các nước đồng minh sẽ ủng hộ khu vực Tây Papua của Indonesia độc lập. Sự việc tương tự đã diễn ra với Đông Timor, khi khu vực này tuyên bố độc lập khỏi Indonesia.

Trong khi đó, Indonesia hiện phải tăng cường khả năng phòng thủ chống lại Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đang bành trướng ở Biển Đông và xâm lấn vào vùng biển Bắc Natuna thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Indonesia xích lại gần Mỹ

Trong bối cảnh như vậy, Indonesia đã có động thái xích gần hơn với Hoa Kỳ. Lực lượng Không quân Indonesia đã rút lui khỏi thỏa thuận mua máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35S của Nga trị giá 1,14 tỷ USD; và thay vào đó là xem xét lựa chọn loại máy bay Boeing F-15EX Eagle II do Mỹ sản xuất hoặc AMD Rafale do Pháp sản xuất.

Vào tháng 6 năm 2021, Tổng thống Indonesia Widodo cho biết nước này có kế hoạch chi 125 tỷ USD trong vòng 3 năm tới để nâng cấp và hiện đại hóa trang thiết bị quân sự của mình. Điều này khiến Indonesia trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với các nhà bán thiết bị quốc phòng của Mỹ và các nước khác.

Trong cuộc cạnh tranh này, Hoa Kỳ dường như đang dẫn đầu một chút, theo nhà nghiên cứu Copley. Ông cho biết điều này được thể hiện qua “các phản ứng giận dữ của Bắc Kinh đối với Indonesia trong năm 2021 và việc Trung Quốc đưa tàu nghiên cứu và tàu hải quân vào vùng biển của Indonesia”.

Trong khi đó, Indonesia vẫn tiếp tục các cuộc tập trận quân sự chung thường niên với Mỹ. Vào tháng 8 năm 2021, cuộc tập trận Lá chắn Garuda diễn ra với sự tham gia của 2.100 quân nhân Indonesia và 1.500 quân nhân Hoa Kỳ. Đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước.