Bộ Công an khởi tố thêm 13 bị can để làm rõ sai phạm về xây dựng trong quá trình giám sát thi công tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
- Hà Nội xây cầu bộ hành trên đường Nguyễn Trãi để giảm ùn tắc giao thông
- Một đoạn đường “thắt cổ chai” gây tắc nghẽn nghiêm trọng
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 7/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết vừa khởi tố thêm 13 bị can trong vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan.
13 bị can gồm: Hoàng Trung Hậu, Nguyễn Tấn Chánh, Lê Công Bằng, Quách Văn Phúc, Phan Doãn Giang, Đào Trọng Hiếu, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Bá Giang, Lã Văn Hải, Kiều Đức Công, Nguyễn Trung Thu, Phạm Lê Bắc và Phạm Văn Bảo.
Những người này đều là kỹ sư vật liệu, giám sát viên thuộc đơn vị tư vấn giám sát thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư.
Kết quả điều tra đến nay xác định các bị can đã có hành vi vi phạm các quy định về xây dựng trong quá trình giám sát thi công, xác nhận nghiệm thu hạng mục công trình xây dựng dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, dẫn đến đưa công trình không đảm bảo chất lượng vào khai thác sử dụng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản nhà nước.
Theo báo Lao Động cho biết, liên quan vụ án này, trước đó cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 20 bị can là lãnh đạo của VEC, các đơn vị nhà thầu, giám sát, thi công.
VEC là chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Tuyến đường có tổng chiều dài 139,2 km với kinh phí được phê duyệt là hơn 34.500 tỷ đồng và chia làm 2 giai đoạn.
Cơ quan điều tra xác định khi thực hiện dự án, VEC và nhà thầu thi công, tư vấn giám sát cùng đơn vị liên quan đã không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng, gây hư hỏng khi vận hành khai thác.
Theo kết quả giám định, 7/7 gói thầu giai đoạn 1 từ các lớp nền, móng và mặt đường đều không đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Đây là nguyên nhân gây hư hỏng công trình.
Trong hoạt động giám sát, VEC ký hợp đồng với nhiều đơn vị ở nước ngoài để làm nhiệm vụ này. Tuy nhiên, thực tế, việc giám sát thi công tại hiện trường chỉ có ít kỹ sư nước ngoài, chủ yếu là kỹ sư Việt Nam với kinh nghiệm và năng lực yếu kém.
Để xảy ra những sai phạm trên, nguyên nhân do chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị liên quan đã buông lỏng quản lý và giám sát; đề ra các quy định chưa rõ ràng, thiếu tính ràng buộc trách nhiệm ở từng khâu trong dự án.
Theo đại diện VEC, sau hơn một năm khai thác 65km cao tốc, một số hư hỏng cục bộ xuất hiện. Các đơn vị kiểm tra đã báo cáo nhưng nhà thầu không sửa chữa kịp thời, làm hư hỏng nặng thêm.
Trên tuyến đường xuất hiện 21 vị trí trong số 426 tổng số cầu, cống bị thấm, dột. Tại một số vị trí mái taluy sạt trượt.