Việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022 còn nhiều thách thức khi chỉ còn một nửa thời gian của năm nhưng vẫn còn đến hơn 90% giá trị kế hoạch vốn cần giải ngân. 3 địa phương là Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đã có văn bản xin trả lại tiền.

Báo Vietnamnet đưa tin, theo báo cáo của Bộ Tài chính giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài kế hoạch 2022 mới chỉ đạt 9,12% với 3.173 tỷ đồng. Con số này còn thấp so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 6 tháng đầu năm 2022 (đạt khoảng 29,76% kế hoạch).

Hiện mới chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường (250,364 tỷ đồng) và tỉnh Khánh Hòa (2,139 tỷ đồng) đề xuất trả kế hoạch vốn với tổng giá trị là 252,503 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,7% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Bộ Tài chính, đáng lưu ý, có 8/13 Bộ và 13/59 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%, các Bộ: Công Thương, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Y tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM; và các địa phương: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Phú Yên, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh. 4 địa phương Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu thì ngay từ đầu đã không có kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã nhận được văn bản đề nghị trả lại kế hoạch vốn năm 2022 của 3 địa phương (Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai).

Ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (ảnh: mof.gov.vn).

Ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022 là 34.800 tỷ đồng, trong đó khối bộ, ngành là 12.110,283 tỷ đồng và địa phương 22.689,717 tỷ đồng. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện phân bổ kế hoạch vốn chi tiết và nhập dự toán trên hệ thống Tabmis của Kho bạc Nhà nước 33.289 tỷ đồng, đạt 95,66% kế hoạch vốn được giao.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chỉ đạt 9,12% kế hoạch vốn được giao, trong đó, các bộ, ngành đạt 16,12%, các địa phương đạt 5,38%. Qua tổng hợp, đánh giá, phân tích thông tin về tình hình giải ngân, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chỉ ra rõ các nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan khiến tỷ lệ giải ngân thấp, theo Thời Báo Tài Chính Việt Nam.

Theo đó, dự án chưa có khối lượng hoàn thành do các nguyên nhân như: chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư (như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chậm thiết kế cơ sở; chậm đấu thầu, vướng mắc trong đấu thầu hoặc vướng trong thực hiện hợp đồng với nhà thầu); dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay; dự án chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán hoặc đang kiện toàn ban quản lý dự án; ảnh hưởng thời tiết, bão lũ, sạt lở, dự án không triển khai được…

Một số nguyên nhân do đặc thù của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi như: Vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu. Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ…

Có thể bạn quan tâm: