Chính quyền Trung Quốc đã ép buộc các nhà sư phải hoàn tục và đóng cửa nhà chùa sau khi các nhà sư không đồng ý chia tiền quyên góp từ thiện cho giới chức địa phương.

Cuộc đàn áp tín ngưỡng ở Trung Quốc tiếp tục diễn ra trên diện rộng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo tới cộng đồng quốc tế. Cảnh tượng của thời Đại cách mạng văn hoá thời Mao Trạch Đông đang được tái hiện.

Trung Quốc đóng cửa chùa, ép nhà sư hoàn tục

Ngày 1/8, ngôi chùa Hồng Thành nổi tiếng (còn được gọi là chùa Ngự Lệnh Bảo Tháp) ở Lâm Hạ, ​​tỉnh Cam Túc đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế đóng cửa.

Các nhà sư đã bị xua đuổi một cách thô bạo. Nhà sư bị trục xuất ngồi trước cửa chùa, khóc lóc tiếc thương và cầm biểu ngữ phản đối: “Buộc nhà sư hoàn tục, quốc pháp không cho phép!”.

Trong video có thể nghe rõ những tiếng khóc. Đoạn video có nội dung: “Xin lỗi, các nhà sư phạm tội gì? Tại sao các vị lại phải dồn họ vào bước đường cùng?”

Cùng ngày, một tài khoản Twitter có tên “Gufeng” đã đăng tải một đoạn video: “Chùa Hồng Thành ở huyện Vĩnh Kinh, khu tự trị Lâm Hạ, tỉnh Cam Túc đã bị phong tỏa; và chính quyền ép buộc các nhà sư phải hoàn tục.”

Trong video, hàng chục các nhà sư đã bị các quan chức chính phủ trục xuất một cách thô bạo.

Cũng trong ngày 1/8, cư dân mạng “Wu Wenxing” đã viết lên Twitter sự thật về việc đền Hồng Thành buộc các nhà sư phải hoàn tục rằng: “Đền Hồng Thành là nơi tọa lạc của ngôi chùa hoàng gia của Tổ sư Basibah người sáng lập ra Sakya. Khi dịch bệnh đến, Gensong Rinpoche đã sinh lòng từ bi và yêu nước nên đã vận động các đệ tử tứ phương quyên góp được hơn 300.000 nhân dân tệ. Không ngờ việc này lại mang đến phiền phức cho tu viện. Chính quyền địa phương thấy tu viện quá giàu; cuối cùng yêu cầu thu nhập của tu viện phải được chia đều cho địa phương. Sau khi từ chối, tu viện đã bị phong tỏa trực tiếp, buộc các nhà sư phải hoàn tục …”

Trong video, một nhà sư ở chùa Hồng Thành đã buộc phải nhảy khỏi tòa nhà để phản đối.

Cách mạng văn hoá tiêu diệt tôn giáo

Các tôn giáo từng nếm mùi khổ ải dưới thời Mao Trạch Đông. Nhất là trong suốt cuộc Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976). Cuộc cách mạng này đã tìm cách triệt tiêu tôn giáo. Các địa điểm thờ phụng đã bị đóng cửa hay phá hủy hàng loạt. Nhiều chức sắc tôn giáo đã bị cầm tù hay bị đưa đi các trại cải tạo lao động.

Kể từ những năm 1980, sau khi bắt đầu cải cách kinh tế và mở cửa đất nước, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tỏ ra khoan dung hơn. Các tín đồ thuộc năm tôn giáo lớn – bao gồm Phật giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hồi giáo và Lão giáo – đã được phép xây dựng các điểm tôn thờ và thực thi tín ngưỡng, với điều kiện trung thành với các cơ quan mặt trận tổ quốc, do đảng Cộng sản Trung Quốc giám sát.

Tuy nhiên, nhiều tín đồ công giáo từ chối sự bảo hộ này và muốn được tự do thực hiện tín ngưỡng của mình. Chính quyền lúc bấy giờ ít nhiều cũng nhắm mắt làm ngơ; và các nhà thờ này đã phát triển cho dù cũng có lúc xảy ra các đợt truy bức.

Kể từ tháng 7/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc đàn áp nhắm vào Pháp Luân Công, môn khí công thuộc trường phái Phật gia giúp nâng cao sức khỏe và cảnh giới tinh thần. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, cuộc đàn áp bao gồm một chiến dịch tuyên truyền nhiều mặt như:  chương trình cưỡng bức chuyển hóa tư tưởng và cải tạo giáo dục, và một loạt những biện pháp cưỡng chế ngoài vòng pháp luật như bắt giữ tùy tiện, cưỡng bức lao động, tra tấn thể xác.

Sau Thế Vận Hội Mùa Hè 2008, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu siết chặt kiểm soát tất cả tôn giáo trong khuôn khổ chương trình tái kiểm soát toàn diện xã hội. Chủ trương này đã thật sự tăng tốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào cuối năm 2012.

Đàn áp tôn giáo đang diễn ra ở khắp nơi Trung Quốc

Các báo cáo từ các hãng truyền thông quốc tế và các tổ chức nhân quyền đưa ra bằng chứng rất rõ ràng rằng Trung Quốc đang đàn áp những người theo các tín ngưỡng khác ở nhiều nơi khác nhau trên đất nước này giống như những hành vi mà họ đã thực hiện đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.

Bà Dede Laugesen, giám đốc điều hành của tổ chức Cứu các Cơ đốc nhân bị Bắt bớ (Save the Persecuted Christians), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ nói với tờ Forum rằng: “Trung Quốc đã tuyên chiến với đức tin”; “Họ đang phá hủy các nhà thờ đặt tại nhà dân, bắt các mục sư vào tù và đe dọa các cộng đoàn.”

Bà Laugesen đã lấy những cách thức mà Trung Quốc đối xử với các Phật tử Tây Tạng và các học viên của Pháp Luân Công làm ví dụ. Các quy định mới về sự tương tác của Trung Quốc với Giáo hội Công giáo đã ngăn cấm nhà thờ lựa chọn các Giám mục Công giáo ở Trung Quốc, điều này rõ ràng là vi phạm một thỏa thuận trước đó giữa Trung Quốc và Vatican.

Vào tháng 1 năm 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là phạm tội diệt chủng. Hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam cầm. Chính quyền Trung Quốc còn áp dụng các biện pháp kiểm soát hà khắc đối với tín ngưỡng thờ phụng của họ.

Bà Rushan Abbas, giám đốc điều hành Chiến dịch cho người Duy Ngô Nhĩ cho biết: “Chính phủ Trung Quốc đang viết lại Kinh Quran; cũng đang viết lại Kinh thánh để cho phù hợp với tư tưởng vô thần của Trung Quốc”.

“Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến không chỉ với Hồi giáo, mà còn với tất cả các tôn giáo. Đồng thời, nước này cũng hạn chế quyền và sự tự do của người Công giáo, Tin lành của Thiên chúa giáo và các nhóm Phật giáo ở tất cả các khu vực của Trung Quốc.”

Chính phủ Hoa Kỳ đã đặt tự do tôn giáo làm một khía cạnh then chốt trong những tương tác của nước này với Trung Quốc. Tại một sự kiện được tổ chức bởi Viện Hòa bình Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 2021, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Hoa Kỳ phải “chuẩn bị để hành động, cũng như áp đặt những hệ quả, cho những điều mà Trung Quốc đang làm ở Tân Cương, những điều họ đang làm ở Hồng Kông, cho thái độ khiêu khích và những hành vi hăm dọa mà nước này nhắm đến Đài Loan.”

Một báo cáo đã được Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ gửi đến Quốc hội vào tháng 2 năm 2021 bày tỏ mối lo ngại của chính quyền rằng việc Bắc Kinh đàn áp tự do tôn giáo đang lan rộng.

Báo cáo đã đề cập rằng, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đặt ưu tiên hàng đầu vào việc “giải quyết các vụ việc xâm phạm nhân quyền xảy ra trên diện rộng trong chương trình lao động cưỡng bức của chính phủ Trung Quốc nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số và tôn giáo thiểu số khác ở khu vực tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ và các nơi khác trong quốc gia này”.

Hoạt động đàn áp được thiết kế như một cấu phần hỗ trợ cho các mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở khu vực Tân Cương. Trung Quốc đã biến khu vực này thành một nhà nước công an trị, nơi quyền tự do di chuyển và tự do ngôn luận bị hạn chế, theo ông Tahir Imin, một nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ và cựu tù nhân chính trị ở Trung Quốc.

Ông nói: “Trong quá trình này, Trung Quốc đã phát triển và thử nghiệm công nghệ giám sát, theo dõi và kiểm soát trí tuệ nhân tạo và mở rộng công nghệ đó đến các nơi khác của Trung Quốc. Tôi tin rằng họ sẽ sử dụng nó để thu thập dữ liệu của số lượng người lớn hơn trên toàn thế giới.”

Từ Khóa: