Site icon MUC News

Kon Tum: 2 tháng liên tiếp xảy ra 39 trận động đất

động đất tại Kon Tum

Một góc lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum ở địa bàn huyện Kon Plông thời điểm mới tích nước tháng 3/2020 (ảnh chụp màn hình báo VOV).

Trong vòng 2 tháng, tỉnh Kon Tum đã liên tục xảy ra 39 trận động đất, trong đó 34 trận xảy ra tại huyện Kon Plông khiến người dân sống trên địa bàn bất an.

Báo Giáo Dục và Thời Đại dẫn thông tin từ Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) ngày 5/6 vừa qua trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) vừa xảy ra 1 trận động đất 2,8 độ richter.

Theo đó, vào khoảng 9 giờ 39 phút, ngày 3/6 (giờ Hà Nội), tại huyện Kon Plông xảy ra trận động đất có độ lớn 2,8 độ richter. May mắn vụ động đất không gây ra rủi ro thiên tai.

Cũng theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, từ ngày 4/4-4/6 trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 39 trận động đất. Riêng huyện Kon Plông xảy ra 34 trận.Trong đó, ngày 20/5, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra 4 trận động đất.

Trận động đất mới nhất xảy ra tại H.Kon Plông với độ lớn 2,8 độ Richter – ảnh Viện vật lý địa cầu.

Anh Nguyễn Ngọc Thạch (31 tuổi, trú tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) chia sẻ trước đây trên địa bàn không xảy ra động đất. Tuy nhiên thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện nhiều vụ động đất khiến người dân hoang mang, lo lắng.

“Mỗi lần động đất xảy ra chỉ kéo dài vài giây nhưng rung hết nhà cửa. Người dân lo lắng nên chạy ra ngoài, tránh những tai nạn đáng tiếc”, anh Thạch nói.

Nguồn tin từ báo Thanh Niên, điều đáng lưu ý là những dư chấn động đất này chỉ xuất hiện sau khi thủy điện thượng Kon Tum (đặt tại huyện Kon Plông) bắt đầu tích nước và đi vào hoạt động.

Theo Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi VN, cho biết các hồ chứa nước của thủy điện cũng là một phần tác nhân gây ra những trận động đất nhỏ. Vị Tiến sĩ này lí giải, khi làm các hồ chứa lớn, nước phía trên cho áp lực rất mạnh ép xuống các khe nứt ở bên dưới đáy, làm cho ma sát các khối đất đá bị giảm đi, trượt lên nhau dẫn đến tình trạng động đất. Động đất kích thích thường xảy ra một thời gian rồi sẽ đi vào ổn định.

Trước thực trạng này, hiện Viện Vật lý Địa cầu đã cử cán bộ đến địa phương này để thiết lập thêm một trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm nếu có.