Việc các nước phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga không chỉ không khiến Nga lùi bước tham chiến. Mà còn khiến EU và Mỹ đối mặt với những khó khăn từ 2 cuộc khủng hoảng. Liệu cú hích từ xung đột Nga-Ukraine có khiến Mỹ trở lại với việc khai thác dầu hay không?
Tóm tắt nội dung
Giá dầu tăng cao, EU sẽ phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng
Châu Âu nhập khẩu khoảng 1/4 lượng dầu và hơn 1/3 lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga năm 2020 chiếm 19% thương mại toàn cầu, khoảng một nửa trong số đó được xuất khẩu sang châu Âu thông qua Ukraine. Sau khi tình hình Ukraine xấu đi, Chính phủ Đức ngày 22/2 thông báo sẽ đình chỉ chứng nhận dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên “Nord Stream 2”, điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng về nguồn cung năng lượng ở châu Âu.
Mặc dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga lần này chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, công nghệ và không liên quan đến năng lượng, nhưng một số nhà phân tích cho rằng Nga có thể trả đũa Mỹ và châu Âu bằng cách kiểm soát nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã ước tính rằng một cú sốc cắt giảm 10% nguồn cung cấp khí đốt có thể làm giảm 0,7% GDP của khu vực đồng euro. Một khi cuộc đối đầu giữa châu Âu, Hoa Kỳ và Nga leo thang, trong bối cảnh lạm phát cao, nguồn cung khí đốt tự nhiên không đủ sẽ tác động đến nền kinh tế châu Âu.
Chính mối lo về nguồn cung năng lượng đã khiến giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu hiện tại, đã tăng gần 70% và giá dầu thô kỳ hạn, lần đầu tiên vượt quá 115 USD / thùng kể từ năm 2014.
Reuters đưa tin, Mỹ và các đồng minh đang cân nhắc giải phóng lượng dầu thô tích trữ trong bối cảnh giá dầu tăng cao và lo ngại về việc xung đột vũ trang Nga -Ukraine tiếp tục leo thang.
Vậy châu Âu có thể tồn tại bao lâu nếu không có khí đốt của Nga?
Vào ngày 27 tháng 2, CNN đã đăng tải một bài báo có tựa đề, Châu Âu có thể sống với ít khí đốt của Nga hơn. Việc đóng cửa hoàn toàn sẽ là ‘thảm họa’.
Báo cáo cho biết, Châu Âu sẽ phải vật lộn để tồn tại nếu không có khí đốt của Nga, và việc tìm kiếm các nguồn thay thế là một thách thức lớn về mặt hậu cần. Ông Janis Kluge, một chuyên gia về Đông Âu tại Viện Quốc tế và An ninh Đức cho biết: “Không thực sự có một giải pháp thay thế nào nhanh chóng và dễ dàng về vấn đề này.
Theo báo cáo, trữ lượng tồn kho thấp và giá gas cao trong lịch sử đã làm dấy lên lo ngại trong nhiều tháng rằng nếu mùa đông chuyển sang lạnh bất thường, thì các quốc gia sẽ phải triển khai nhiều sự hỗ trợ hơn cho người dân và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thậm chí có thể phải hạn chế khả năng tiếp cận điện năng.
Nikos Tsafos, một chuyên gia năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói: “Việc cắt bỏ một phần khí đốt của Nga qua Ukraine là điều khó khăn nhưng vẫn có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, “Việc cắt giảm toàn bộ nguồn năng lượng đến từ Nga sẽ là một thảm họa. Không có cách nào để châu Âu thay thế được nguồn năng lượng này theo bất kỳ cách nào có ý nghĩa.”
Như vậy, trong 12 tháng tới, nếu không có khí đốt của Nga, điều này sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu. Nếu Châu Âu có thể vượt qua được 1 năm này, thì họ cũng phải chấp nhận một mức giá khí đốt cao nhất.
Sự vụng về của người Mỹ và nụ cười của người Nga
Cơn ác mộng kinh tế tiếp theo của Joe Biden chính là: Cú sốc giá dầu. Hiện nay, người Mỹ đã phải móc hầu bao để chi trả những khoản xăng dầu đắt cắt cổ. Đây là một sự thật phi lý và khó có thể được người dân Mỹ chấp nhận. Bởi vì Hoa Kỳ cũng là một quốc gia sản xuất dầu mỏ, hơn thế nữa họ còn là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ nắm giữ nguồn tài nguyên dầu đá phiến khổng lồ, đã từng trở thành nước xuất khẩu ròng dầu thô vào năm 2019.
Tuy nhiên, sau khi Biden nhậm chức, Mỹ đã thực hiện hàng loạt chính sách chống khai thác dầu mỏ. Vào ngày đầu tiên nhậm chức, Biden đã khai tử dự án đường ống dẫn dầu nhanh Keystone kết nối với Canada, ban đầu nó được lên kế hoạch chạy từ các bãi cát dầu ở Alberta đến Nebraska của Hoa Kỳ. Mỗi ngày, đường ống này sẽ cung cấp 830.000 thùng dầu. Ngoài ra, chính quyền Biden đã áp đặt các hạn chế khoan dầu khí trên các vùng đất liên bang.
Trước đây Putin từng nói rằng ông không thích công nghệ khoan dầu đá phiến của Mỹ, vì Nga chỉ có thể lấy đủ dầu từ thềm lục địa Bắc Cực, và không cần thiết phải phát triển dầu đá phiến. Đối với việc chính quyền Biden hủy bỏ đường ống dẫn dầu nhanh giữa Hoa Kỳ và Canada vì lý do môi trường, người ta nói rằng Putin lúc đó cũng mừng thầm, vì khả năng cung cấp năng lượng dầu của Hoa Kỳ không còn như trước nữa.
Nó đồng nghĩa với việc, Hoa Kỳ rút khỏi thị trường xuất khẩu khí đốt tự nhiên, và vị trí này đương nhiên lại nhường cho Nga, Nga đã tận hưởng hoàn toàn lợi ích từ việc này. Nói cách khác, Biden đã giúp Nga lấp đầy kho bạc nhờ cơn khát dầu của thế giới. Trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, Nga đã thu được mẻ lớn về ngân sách, đúng thời điểm này, Nga đã tấn công Ukraine. Cho nên, Nga đã sử dụng yếu tố thiên thời rất tốt này để làm bàn đạp cho tối đa hoá lợi ích của người Nga.
Liệu Mỹ có khôi phục sản lượng khai thác dầu để cứu vãn cuộc khủng hoảng năng lượng của Châu Âu không?
Cuộc chiến Nga- Ukraine có thể trở thành một cú hích. Khi mà giá dầu cao hơn do xung đột ở Đông Âu. Nó sẽ có thể buộc Hoa Kỳ gỡ bỏ các hạn chế khai thác dầu và giúp Hoa Kỳ khôi phục ngành công nghiệp năng lượng, vốn là một thế mạnh mũi nhọn.
Nếu Mỹ khôi phục sản lượng khai thác dầu thì liệu Mỹ có thể cứu vãn cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu không?
Đánh giá từ số liệu của năm 2020 và 2021, tổng lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu từ Nga vào châu Âu là gần 170 tỷ mét khối mỗi năm. Liệu Hoa Kỳ và các đồng minh sản xuất khí đốt có thể bù đắp khoảng cách 170 tỷ mét khối?
Giới quan sát cho rằng, rất khó để bù đắp được. Vì tổng lượng xuất khẩu Khí hóa lỏng tự nhiên kỳ vọng của Hoa Kỳ vào năm 2022 chỉ là khoảng 85 triệu tấn, và tức là hơn 117 tỷ mét khối. Ngay cả khi tất cả chúng được cung cấp cho châu Âu, nó chỉ có thể đáp ứng được hơn 68% so với nhu cầu.
Điều này cho thấy, Nga có thể vũ khí hoá khí đốt trong bối cảnh bị trừng phạt bao vây.
Nếu Nga thực hiện biện pháp này, nó sẽ khiến EU và Mỹ gặp rất nhiều khó khăn.
Khủng hoảng lương thực
Ngoài nguồn cung cấp năng lượng, tình hình tồi tệ hơn ở Ukraine sẽ đe dọa đến giá lương thực. Trong số đó, giá lúa mì đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm và giá lúa mì kỳ hạn giao dịch trên Sàn giao dịch Chicago đã tăng 8,7% lên 9,34 USD / giạ. Giá ngô và đậu tương kỳ hạn cũng lần lượt tăng 5% và 3,9%.
Hiện nay, Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 4. Sản lượng của hai nước chiếm 29% tổng sản lượng lúa mì toàn cầu. Ngoài ra, nguồn cung ngô của hai quốc gia này chiếm 19% tổng sản lượng thế giới, và xuất khẩu dầu hướng dương chiếm 80% tổng sản lượng của thế giới.
Ukraine đã được biết đến trong nhiều thế kỷ như là vựa lúa mì của châu Âu và là nhà cung cấp ngũ cốc chính cho các quốc gia ở Bắc Phi, Trung Đông và Đông Nam Á.
Tổng cộng, 14 quốc gia phụ thuộc vào lúa mì của Ukraine. Trong đó, Lebanon là 50%, Libya là 43% và Tunisia là 32%. Ai Cập và Indonesia phụ thuộc hơn 15% vào lúa mì của Ukraine, đặc biệt Ai Cập là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
Trong thời kỳ đại dịch, giá lương thực toàn cầu đã tăng, và cuộc chiến Nga-Ukraine hiện tại sẽ chỉ làm cho tình trạng giá lương thực tăng cao trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta biết rằng vào năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, giá lương thực toàn cầu đã tăng vọt vì chiến tranh, trong đó chỉ riêng giá lúa mì đã tăng khoảng 20%.
Và TQ cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng này. vì Trung Quốc là khách lớn mua ngô của Ukraine, năm 2021, Ukraine đã thay thế Mỹ trở thành nhà cung cấp ngô lớn nhất của Trung Quốc. Theo số liệu hải quan Trung Quốc, vào tháng 12 năm 2021, 30% lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Ukraine. Ngoài ra, 64% lượng dầu hướng dương nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2021 cũng sẽ đến từ Ukraine.
Về lúa mạch, Ukraine là nguồn nhập khẩu chính của Trung Quốc. Theo thông tin từ Mạng thông tin ngành thức ăn chăn nuôi Trung Quốc ngày 24/2, từ năm 2020 đến năm 2021, khoảng 54% lượng lúa mạch xuất khẩu của Ukraine được gửi sang Trung Quốc, với khối lượng hơn 2,57 triệu tấn, chiếm 28% lượng lúa mạch nhập khẩu của nước này.
Như vậy, cuộc chiến Nga-Ukraine đã mang lại rất nhiều thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, và nó cũng sẽ có tác động đến cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Cách đây vài ngày, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva, nói rằng chiến tranh sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát, vốn đã tăng cao thông qua giá năng lượng và thực phẩm. Cho nên hòa bình là cách duy nhất để giải tỏa những áp lực này.