lien minh cac nen dan chu chong lai trung quoc o bien dong
Các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Sampson (DDG 102) và USS Pinkney (DDG 91) hoạt động ở Biển Đông ngày 15/2/2010 (ảnh: Hải quân Hoa Kỳ).

Báo SCMP ngày 8/8 đã đăng bài phân tích về tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông của hai nhà nghiên cứu: Tiến sĩ Patrick Mendis, giảng viên quân sự và ngoại giao người Mỹ, nhà nghiên cứu cho Bộ Ngoại giao Đài Loan, kiêm giáo sư thỉnh giảng về các vấn đề toàn cầu tại Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan; và ông Joey Wang, một nhà phân tích quốc phòng gốc Hoa trú tại Hoa Kỳ.

Trong bài bình luận trên SCMP, hai nhà nghiên cứu đề cập đến việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 7 đã chính thức bác bỏ yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hai ông cho rằng, để hiểu được những căng thẳng ở Biển Đông, chúng ta cần biết đến cuộc đấu tranh địa chính trị rộng lớn hơn đang diễn ra trong khu vực, chứ không phải chỉ là những tranh chấp liên quan các ngư trường phong phú và trữ lượng dầu mỏ dưới đáy biển.

“Sự gia tăng căng thẳng Trung-Mỹ cũng có tác động đáng kể đến sự ổn định của khu vực và toàn cầu”, hai nhà nghiên cứu nhận định.

Tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

Ông Mendis và ông Wang cho rằng, việc Trung Quốc ra sức bồi đắp và quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vì 3 lý do:

  • Thứ nhất, là để tiếp cận các nguồn tài nguyên như hải sản và dầu mỏ ở Biển Đông. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Biển Đông chiếm 12% lượng cá đánh bắt trên toàn cầu vào năm 2015. Hơn 50% tàu cá trên thế giới được cho là hoạt động trên vùng biển này.
  • Thứ hai, các tuyên bố chủ quyền gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ cho phép nước này phong tỏa vùng biển, ngăn chặn các nguồn tài nguyên chiến lược đi qua eo biển Malacca, một eo biển nằm giữa bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra, nối Biển Đông và Ấn Độ Dương. Nếu giành được chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc có thể kiểm soát các dòng tài nguyên chiến lược với mọi quốc gia trong khu vực, từ đó có thể thực thi chính sách “ngoại giao cưỡng chế” đối với những nước này.
  • Thứ ba, vấn đề quan trọng nhất liên quan đến quyết tâm của Trung Quốc ở Biển Đông là nó mở ra triển vọng về việc chiếm giữ Đài Loan và loại bỏ ảnh hưởng của phương Tây ra khỏi khu vực.

Hai nhà nghiên cứu nhận định, với các khí tài quân sự đã có ở các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, việc Trung Quốc chiếm được chủ quyền Biển Đông sẽ cho phép quân đội nước này thiết lập quyền kiểm soát và tha hồ tự tung tự tác trong chính sách với Đài Loan.

Liên minh các nền dân chủ

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 23/7 đã kêu gọi hình thành liên minh các nước “cùng chí hướng” để chống lại tham vọng của chính quyền Trung Quốc. Ông Pompeo phát biểu: “Có lẽ đã đến lúc hình thành một nhóm mới gồm các quốc gia cùng chí hướng, một liên minh mới của các nền dân chủ”.

Hoa Kỳ đang nhận được ủng hộ tích cực từ các nước đồng minh, như Anh, Pháp và Úc, những nước này đã đưa tàu thuyền đi qua Biển Đông trong những năm gần đây để phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Ông Mendis và ông Wang cũng đề cập đến các động thái liên minh và tập trận của nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Úc, Nhật, Ấn trong thời gian gần đây.

Hai nhà nghiên cứu bình luận rằng những động thái này cho thấy: “Thông điệp rất rõ ràng: Sự ngang ngược của Trung Quốc đối với các nước láng giềng không chỉ gây bất ổn cho khu vực mà còn đang trở thành mối lo ngại về an ninh toàn cầu”.

Trước đó, tờ Nikkei của Nhật Bản trích dẫn ý kiến của ông Sudarshan Shrikhande, nguyên giám đốc tình báo hải quân Ấn Độ, cho rằng nếu nhóm Bộ Tứ có thêm các nước ven Biển Đông, thì sẽ có sức mạnh to lớn hơn nữa.

Ông Shrikhande nhận định: “Bộ Tứ mà có thêm một số nước thành viên ASEAN thì có lẽ sẽ trở thành một đối trọng hữu ích chống lại tham vọng bá quyền và phô diễn sức mạnh của Trung Quốc”.