Bên cạnh lực lượng hải quân chính thức, Trung Quốc còn nuôi dưỡng một lực lượng “hải quân ngầm” nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.

Biển Đông là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc; và Bắc Kinh ngày càng muốn biến Biển Đông là “ao nhà”, theo ông Richard A. Bitzinger, một nhà phân tích bảo mật quốc tế.

Ông đề cập đến việc Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động quân sự nhằm kiểm soát Biển Đông. “Điều này thường dẫn đến căng thẳng, nếu không muốn nói là đụng độ hoàn toàn”, ông Bitzinger bình luận.

“Vấn đề bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng ít liên quan đến mục đích kinh tế – như trữ lượng dầu khí hay quyền đánh cá; mà ngày càng nghiêng về mục đích kiểm soát và chủ quyền”, theo ông Bitzinger.

Ông cho biết Biển Đông là “một khu vực phòng thủ quan trọng đối với Bắc Kinh”. Vì vậy, Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo và rạn san hô ở Biển Đông. Bắc Kinh đặc biệt tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực thông qua các cuộc tuần tra mở rộng của hải quân.

Các lực lượng “hải quân bí mật” của Trung Quốc

“Ngoài sự hiện diện quân sự công khai ở Biển Đông, Trung Quốc gần đây đã mở rộng các hoạt động ngang nhiên của mình”, ông Bitzinger chỉ rõ. Bên cạnh việc tăng cường hoạt động tuần tra của Cảnh sát biển, Trung Quốc còn sử dụng “lực lượng dân quân hàng hải” do Bắc Kinh kiểm soát.

Ông Bitzinger phân tích: “Lợi thế của việc sử dụng lực lượng tuần duyên trong các hoạt động thực thi chủ quyền là họ được trang bị vũ khí nhẹ (thường chỉ là một khẩu pháo nhỏ hoặc súng máy). Điều này làm giảm nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ thảm khốc ở Biển Đông. Nhưng nếu các cuộc đụng độ như vậy gia tăng hoặc rủi ro tăng lên, thì chúng có thể leo thang thành các hành động bạo lực hơn liên quan đến hải quân.”

Ông cho biết Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) hay “hải cảnh Trung Quốc” là lực lượng lớn nhất của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Nhà phân tích cho biết lực lượng này có những hành vi “hung hãn” ở Biển Đông. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), hải cảnh Trung Quốc đã tham gia vào phần lớn các vụ đụng độ ở Biển Đông, bao gồm bắt nạt, quấy rối và thậm chí đâm tàu ​​tuần duyên và tàu cá của các quốc gia khác. Vào tháng 11 năm 2021, hải cảnh Trung Quốc đã phun vòi rồng vào hai tàu tiếp tế của Philippines ở bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam (ảnh: Tuổi Trẻ). Ngày 16/11/2021, 3 tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào 2 tàu Philippines, theo giới chức Manila.
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam (ảnh: Tuổi Trẻ). Ngày 16/11/2021, 3 tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào 2 tàu Philippines, theo giới chức Manila.

“Nhưng các hành động của hải cảnh Trung Quốc chưa là gì so với hành động của ‘ngư dân có vũ trang’ của Trung Quốc”.

Những “ngư dân” này lái các tàu cá có trang bị vũ trang, cố tình đụng độ với tàu của các quốc gia khác, cả tàu thương mại lẫn tàu hải quân. Ông Bitzinger cho biết những tàu cá này chỉ là những ngư dân tư nhân tham gia vào cái gọi là “các hoạt động yêu nước”. Ngược lại, trên thực tế, các tàu này là lực lượng dân quân hàng hải do Bắc Kinh trợ cấp và thực chất là một tổ chức quân sự bán thời gian.

Những chiếc tàu này được gửi đi để thu thập thông tin tình báo, treo cờ và thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Chúng kiếm cớ gây sự với tàu nước ngoài, để các lực lượng hải quân và bán quân sự của Trung Quốc có lý do can thiệp và do đó tăng cường sự hiện diện hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải tại Đại học Philippines, mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là “thiết lập sự kiểm soát và thống trị trên thực tế đối với toàn bộ Biển Đông”.